Trong những năm gần đây, khi các bản sách đặc biệt bìa da nở rộ, người đọc cũng được biết đến bộ sưu tập sách bìa da "Thư viện Franklin". Nhiều đơn vị bán hàng ở Việt Nam cũng nhập một số tựa sách trong bộ sách này về kinh doanh, và cũng thu hút sự chú ý của những người chơi sách. Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà bộ sách của Thư viện Franklin cũng được người chơi sách trên thế giới săn đón.
Ba loại sách bìa da của Thư viện Franklin
Nhưng nếu chỉ nhìn vào cái tên Franklin trong "Thư viện Franklin" (Franklin Library) hẳn nhiều người sẽ nhầm lẫn, đây là bộ sách của hệ thống Thư viện Franklin Roosevelt, hệ thống thư viện Tổng thống Mỹ. Hoặc có người sẽ cho rằng đó là Franklin của Benjamin Franklin, nhà khoa học nổi tiếng, chính khách và người tiên phong trong lĩnh vực thư viện công cộng.
Có vô số địa điểm được đặt tên "Franklin" ở Mỹ, bao gồm các thành phố, trường đại học, đường phố, thư viện… Có một "Thư viện công cộng Franklin" ở Wisconsin và "Thư viện Franklin" ở Massachusetts, được gọi là "thư viện công cộng đầu tiên ở Mỹ".
Joseph Segel - người sáng lập dòng sách kinh điển bìa da "Thư viện Franklin". Ảnh: coinworld. |
"Thư viện Franklin" tung ra loạt sách bìa cứng "Thư viện Franklin" không phải là thư viện công cộng nói trên, mà là "Franklin Mint" ở Pennsylvania, Mỹ. Đây là tên của một xưởng đúc tiền kỷ niệm tư nhân được thành lập vào năm 1964. Người sáng lập là Joseph Segel, cũng là người sáng lập QVC, công ty mua sắm qua truyền hình lớn ở Mỹ, ông đã qua đời năm 2019. Franklin Mint chủ yếu sản xuất và bán tiền xu kỷ niệm, mô hình xe hơi, đồ trang sức... Bắt đầu từ năm 1980, Mint đã đổi chủ nhiều lần. Từ tháng 7/2020 thuộc sở hữu của Retail Ecommerce Ventures.
Năm 1973, Franklin Mint thành lập một bộ phận sách có tên là "Thư viện Franklin" để xuất bản những cuốn sách kinh điển bìa da. Cho đến khi đóng cửa vào năm 2000, bộ phận sách của Franklin Mint đã xuất bản một số lô sách bìa da đặc biệt và cách đóng bìa đẹp, tạo ra rất nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực sưu tập sách.
Có ba loại sách bìa da trong seri Franklin được Franklin Mint tung ra, phân loại theo chất liệu đóng bìa: đóng bìa da hoàn toàn, đóng bìa giả da và bìa da 1/4.
Phiên bản bìa da hoàn toàn: bìa bằng da hoàn toàn; được trang trí bằng mạ vàng 22K, ba mặt của mép sách được mạ vàng; gáy sách có các đường gân nổi; ruy băng đánh dấu trang; tay gác thủy ấn; ruột sách in giấy đẹp, tép sách chỉ buộc, không dán.
Phiên bản đóng gáy giả da: bìa là da nhân tạo trông giống như da thật; không có chỉ đánh dấu trang; gác sách không phải thủy ấn; một số chi tiết bìa được trang trí bằng mạ bạc.
Bìa da 1/4: tức là gáy sách bọc da, các phần còn lại của bìa bọc vải; có đánh dấu trang.
Phiên bản hoàn toàn bằng da có sẵn từ những năm 1970 đến 2000, trong khi hai phiên bản còn lại chỉ có trong những năm 1970 và 1980.
Một trăm kiệt tác văn học vĩ đại
Bộ sách bìa cứng của Franklin chủ yếu bao gồm mười hai bộ sách: "Một trăm kiệt tác văn học vĩ đại nhất mọi thời đại", "Một trăm kiệt tác vĩ đại của văn học Mỹ", "Truyện chọn lọc của các nhà văn nổi tiếng thế giới", "Tác phẩm kinh điển đoạt giải Pulitzer", "Sách được yêu thích nhất thế giới" của thế kỷ 20, "Kiệt tác của văn học phương Tây", "Ấn bản có chữ ký", "Phiên bản giới hạn có chữ ký", "Ấn bản lần đầu giới hạn", "Kiệt tác văn chương thần bí", "Thư viện kiệt tác thế giới của Oxford".
Trong số đó, được các nhà sưu tập sách săn lùng nhiều nhất là "Một trăm kiệt tác văn học vĩ đại nhất", được phát hành từ năm 1974 đến năm 1982, tuyển chọn những kiệt tác kinh điển của các nhà văn lớn trên thế giới, ngoài tác phẩm tiểu thuyết, còn có tuyển truyện ngắn, hài kịch và bi kịch, và cả tuyển tập thơ.
Một trăm kiệt tác văn học vĩ đại nhất của Thư viện Franklin. Ảnh: Bradfordsauction |
Khi Franklin Mint ra mắt bộ sách "Một trăm kiệt tác văn học vĩ đại nhất", nó không mở bán đại trà cho công chúng và chỉ bán giới hạn cho những người đặt mua nguyên bộ tác phẩm hoàn chỉnh. Bộ truyện ban đầu không được bán trong các hiệu sách, cũng như không được bán riêng lẻ.
Vào năm 2000, việc Franklin Mint ngưng xuất bản sách đã thu hút nhiều sự chú ý từ những người sưu tập dòng sách của nhà này hơn.
Khi nói đến bộ sách bìa da của “Thư viện Franklin”, chúng ta phải nhắc đến Easton Press, nhà xuất bản này cũng cam kết phát hành sách bìa da cho công chúng. Easton Press được thành lập vào năm 1978 và có trụ sở chính tại Connecticut ở Đông Bắc nước Mỹ. Từ nội dung (cách chọn tựa sách) đến cách đóng bìa, thậm chí cả mô hình kinh doanh, sách do Easton Press xuất bản đều giống hệt sách bìa da của Franklin Mint, chỉ khác là Easton Press được bán lẻ và bán đại trà.
MBI Inc., công ty mẹ của Easton Press, cũng tiến hành các hoạt động kinh doanh như làm đồ trang sức, đúc tiền xu kỷ niệm và huy chương được cấp phép... Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi có ý kiến cho rằng "Thư viện Franklin" là của Easton Press và Franklin Mint.
Ngoại trừ việc kinh doanh tương tự nhau, thì không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa hai công ty trong thông tin công khai. Cũng có nhiều cuộc thảo luận trên các diễn đàn sưu tập sách của Anh và Mỹ so sánh về sách của Easton và Franklin.
Phong cách đóng sách giống nhau dẫn đến sự mệt mỏi về mặt thẩm mỹ
Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng sách của Franklin và sách của Easton trông khá tinh tế, nhưng chất liệu giấy, hình minh họa, thiết kế, và cách đóng bìa chưa đáp ứng được yêu cầu của dân chơi sách chuyên nghiệp.
Bởi từ góc độ đóng gáy, loạt sách của “Thư viện Franklin” là những loại bìa được sản xuất hàng loạt mang tính thương mại, không giống với các loại sách có bìa đóng thủ công, có thiết kế nghệ thuật hơn, và chất liệu cùng tay nghề cũng đặc biệt hơn. Cách trang trí hoa văn khá thống nhất, đơn điệu không thể hiện được sự quyến rũ của trang trí sách cổ phương Tây. Lật giở những cuốn sách bìa da này, phong cách đóng sách giống nhau, sẽ dẫn đến sự mệt mỏi về mặt thẩm mỹ.
22 quyển sách của cả Franklin và Easton. Ảnh: Andrewjonesauctions |
Trang trí sách phương Tây là một nghề có truyền thống cực kỳ lâu đời, được biết đến với sự đa dạng về chất liệu và tay nghề thủ công. Tất nhiên, nếu bỏ qua yếu tố việc sách của “Thư viện Franklin” đóng bìa giả da, và đóng gáy bằng đường may, thì họa tiết tương đối đơn giản và trang trí bằng phương pháp dập nóng ở mép bìa/gáy sách cũng đã thể hiện phần nào phong cách và thẩm mỹ của trang trí sách phương Tây.
Những cuốn sách bìa da được trang trí theo phong cách đóng sách đặc trưng của phương Tây như thế, chắc chắn cũng có lợi cho việc quảng bá văn hóa đọc sách. Thêm vào đó là công dụng trang trí, nhìn một cuốn sách đẹp thường làm người đọc có hứng thú với sách hơn. Nhiều người sưu tầm sách đều công nhận, dù sao sách cũng rất phù hợp cho những người bắt đầu bước chân vào con đường chơi sách.