Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sách đặc biệt liên tục tăng giá

Những cuốn sách xuất xưởng với giá vài triệu đồng, qua thị trường thứ cấp và đấu giá đã lên tới vài chục triệu, thậm chí trên trăm triệu đồng.

Sach dac biet tang gia anh 1

Hơn hai năm nay, sách đặc biệt trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất bản. Dòng sách đặc biệt của Đông A ra đời đã khơi dậy phong trào làm và chơi sách. Nhiều ấn phẩm độc đáo đã được làm ra phục vụ nhu cầu người chơi sách.

Giá sách đặc biệt tăng cao

Tối 2/7, một cuốn sách S100 (chỉ làm 100 cuốn) Bố già được bán trên sàn đấu giá. Giá khởi điểm của ấn phẩm là 0 đồng, sau một giờ, sách được giao dịch với mức 85 triệu đồng. Điều đáng nói, khi ấn bản này xuất xưởng năm 2019, giá của nó là 1,5 triệu đồng. Như vậy, sau gần hai năm được làm ra, sách đặc biệt Bố già tăng giá gần gấp 57 lần.

Tới ngày 19/7, sách S500 Bố già độc bản chữ A được bán với giá 260 triệu đồng.

Sach dac biet tang gia anh 2

Sách đặc biệt Cuốn theo chiều gió. Ảnh: Bao Nam.

Trong các ngày từ 15-31/7, nhiều cuộc đấu giá sách đặc biệt đã diễn ra, trong đó người bán đã trích 15% giao dịch để góp quỹ “Cùng Sài Gòn vượt qua đại dịch”.

Tại các cuộc đấu giá đó, giá cả mua bán công khai nên có thể dễ dàng thấy sách đặc biệt tăng giá nhiều lần: Cuốn S100 Văn mới 5 năm đầu thế kỷ (2000-2005) đạt 100 triệu đồng, S100 Thiên hoàng Minh Trị 27 triệu đồng, S80 Việt Nam sử lược 32 triệu đồng, S100 Anh em nhà Karamazov 39 triệu đồng, S100 Khát vọng sống 31,5 triệu đồng…

Không chỉ dòng sách đặc biệt của Đông A được ưa chuộng, sách đặc biệt của các đơn vị khác đều tăng giá sau khi phát hành. Năm 2020, Nhã Nam ra mắt bộ sách Việt Nam danh tác 15 cuốn, giá phát hành 5,7 triệu đồng. Ngay sau khi phát hành, giá của bộ sách đã tăng lên 10-15 triệu đồng. Nếu bán lẻ, giá mỗi cuốn trong bộ cũng tăng 4-5 lần.

Các cuốn sách trúc chỉ của Thái Hà Books cũng đạt mức giá cao khi đấu giá. Năm 2019, sáu phiên bản trúc chỉ cuốn Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế được mua với giá cao, tổng số tiền lên tới 133,5 triệu đồng. Trong đó, cuốn sách đấu giá cao nhất là 42 triệu đồng.

Năm 2020, Thái Hà Books tổ chức đấu giá bán ba phiên bản đặc biệt trúc chỉ cho cuốn Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Giá tổng cộng ba cuốn đạt 100 triệu đồng.

Với mức 100 triệu đồng, 240 triệu đồng cho một cuốn sách, nhiều người không hiểu vì sao sách đặc biệt lại có mức giá cao như vậy.

Sach dac biet tang gia anh 3

Sách đặc biệt Truyện cổ Grimm. Ảnh: Đông A.

Quy luật thị trường

Ông Nguyễn Hùng Việt - CEO Artopia - là người chơi sách đặc biệt trong vài năm gần đây. Quan sát sự tăng giá của sách đặc biệt, ông Nguyễn Hùng Việt đánh giá: “Điều đó cho thấy nhu cầu đối với sách đặc biệt”.

Vốn hoạt động trong thị trường nghệ thuật, ông Việt lý giải sưu tầm tranh, cổ vật hay sách… không phải là chơi sản phẩm phổ thông; đó phải là sản phẩm quý, hiếm, đặc biệt, thậm chí độc nhất thì mới được sưu tầm.

Thú sưu tầm sách không mới ở nước ta, nhưng trước đây, nhiều người tập trung sưu tầm sách cũ, có giá trị lịch sử, văn hóa, câu chuyện đặc biệt. Từ khi công ty Đông A sử dụng công nghệ làm sách đặc biệt mới, du nhập từ châu Âu, lần đầu chúng ta có những cuốn sách in tiếng Việt đẹp để lưu giữ, sưu tầm.

Theo ông Nguyễn Hùng Việt, sách đặc biệt có giá cao vì nó đẹp, mà số lượng hạn chế, nhiều người muốn có, trong khi số sách làm ra có hạn (chỉ làm 80 cuốn, 100 cuốn, 500 cuốn hoặc độc bản...).

“Cung ít, cầu lại nhiều, quy luật thị trường sẽ đẩy giá lên. Đó là tôi áp dụng góc nhìn của thị trường tranh vào thị trường sách đặc biệt”, ông Việt nói.

Về mức giá sách đặc biệt được đẩy cao trong các phiên đấu giá, ông Nguyễn Hùng Việt bình luận rất khó để nói giá ấy có cao so với giá trị sách hay không. Một năm trước, cuốn S100 Bố già giá 10 triệu đồng, nhiều người bảo quá cao. Đến năm nay, Bố già có giá 85 triệu đồng. Nếu đưa ra giá 85 triệu đồng mà không ai mua thì mức đó là cao, nhưng nếu vẫn có người mua, nghĩa là giá ấy hợp lý.

Cung ít, cầu lại nhiều, quy luật thị trường sẽ đẩy giá lên.

Ông Nguyễn Hùng Việt

“Tôi chỉ nghĩ mức độ đón nhận của thị trường, người mua tới đâu. Nếu có người vẫn ham muốn thì sách vẫn tăng giá”, ông Việt nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội - cũng là người sưu tầm sách, trong đó có sách đặc biệt.

“Tôi thấy mừng, vì không phải chỉ là vấn đề chơi sách, mà nó là khởi đầu của việc người ta chuyển sang sưu tầm, tôn vinh những giá trị văn hóa. Thay bằng trong nhà bày đồ trang trí phương Tây, trang sức đắt tiền, nhiều người trưng bày sách giá trị. Qua cuộc đấu giá, người mua được sách cũng đặt mình vào tâm thế chuyển đổi giá trị trong thưởng thức văn hóa”, ông Cường nói.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng - đại diện công ty Đông A - sách đặc biệt ngày càng được mọi người quan tâm, có thêm nhiều nhà sưu tầm biết đến. Khi sách đặc biệt tăng giá gấp tới 57 lần, đơn vị sản xuất như Đông A cũng không được lời về tiền, bởi đó là giao dịch thứ cấp, những người mua được sách từ nhà sản xuất, qua thời gian sưu tầm có thể mang đi bán.

“Đông A hoàn toàn không được hưởng lợi chỗ này, không được thêm tiền. Lợi nhất là sách của chúng tôi được trân trọng. Các nhà sưu tầm trao đổi, bán sách cho nhau, chúng tôi không tham gia việc đó. Chúng tôi có giá phát hành ban đầu, niêm yết rõ ràng”, ông Nguyễn Việt Thắng nói.

Đại diện Đông A khẳng định dù giá ấn bản sách đặc biệt ở thị trường thứ cấp có tăng như thế nào, giá của đơn vị làm sách cũng vẫn ở đúng giá trị của nó: “Chúng tôi không làm gì quá đắt, dù thị trường thứ cấp có thế nào đi nữa. Đó là tiêu chí của chúng tôi”.

“Khi đưa ra chương trình đặt sách cho cả năm, dù người chơi sách chưa biết chúng tôi làm sách gì, làm như thế nào, ra bao nhiêu cuốn, mọi người vẫn đặt. Qua đó thấy được lòng tin mọi người đặt vào chúng tôi”, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.

Đại diện Đông A nói thêm sách đặc biệt đang là trào lưu phát triển. Không riêng Đông A, nhiều nhà xuất bản, công ty đang làm sách đặc biệt khiến cho thị trường phong phú, tốt lên. Ngày càng có thêm người yêu sách, sưu tầm sách, đó là văn hóa đáng quý, cần được lan tỏa.

Ấn bản đặc biệt sách 'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ'

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, NXB Trẻ phát hành ấn bản "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với hình thức hoàn toàn mới.

Năm bùng nổ của sách bản đặc biệt

Nhà nhà làm sách bản đặc biệt, người người chơi ấn bản đặc biệt, 2020 ghi nhận sự phát triển của những cuốn sách hay, đẹp, độc đáo. Điều đó làm phong phú thêm thị trường xuất bản.

Kho mua sach ban dac biet hinh anh

Khó mua sách bản đặc biệt

0

Thị trường sách đặc biệt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người sưu tầm phải mua sách với nhiều hình thức như đặt trước cả năm, tham gia đấu giá để có quyền sở hữu.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm