Trong hai năm nay, phong trào chơi sách đặc biệt trở nên sôi nổi. Trong bức tranh chung đó, Đông A được đánh giá là đơn vị dẫn dắt cuộc chơi với những ấn bản giới hạn đẹp, độc đáo, được làm theo quy cách riêng.
Ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A - chia sẻ về thú chơi và thị trường sách đặc biệt ở nước ta.
Sách đặc biệt được làm như thế nào?
- Sách đặc biệt của Đông A có gì đặc biệt, thưa ông?
- Có rất nhiều công đoạn để hoàn thành một ấn bản đặc biệt của chúng tôi: Từ nội dung, thiết kế, minh họa, in ruột, làm bìa, khâu sách… Dễ nhận thấy nhất là bìa các ấn bản S của Đông A đều khác hẳn bản phổ thông từ thiết kế đến chất liệu bọc.
Về thiết kế, chúng tôi phải dụng công và thử nghiệm bởi thể hiện trên các chất liệu không phải là giấy khó hơn rất nhiều. Về chất liệu, bìa các bản “đặc biệt” này đều là da thật, da nhân tạo hoặc vải buckram. Còn ruột sách được in trên giấy chất lượng cao.
Phần nội dung, nếu xác định ra mắt bản đặc biệt, chúng tôi cũng phải đầu tư kỹ lưỡng hơn rất nhiều để tương xứng hình thức. Ví dụ cuốn Một chiến dịch Bắc Kỳ có thêm phần phụ lục và gần 1.000 chú thích chi tiết, cuốn Việt Nam sử lược thì đối chiếu lại từ bản in đầu 1920, bản in lần hai năm 1926 cho đến các bản in được chính tác giả chỉnh sửa lần cuối và bổ sung hơn 70 minh họa mới.
Các ấn bản sách đặc biệt cũng được đầu tư hơn về phần minh họa. Có cuốn chúng tôi phải mất nhiều lần ra nước ngoài tìm mua bản gốc đã xuất bản từ cách đây hơn 100 năm để có thể scan hình trực tiếp. Có cuốn, chúng tôi mời họa sĩ minh họa vẽ mới, thậm chí có cuốn họa sĩ sẽ vẽ trực tiếp lên sách và đây chính là cuốn sách độc bản.
Về kỹ thuật, những bản sách S được làm theo lối châu Âu cổ điển với rất nhiều công đoạn thủ công. Ví dụ, chúng tôi phải khâu sách từng tép, siết những chiếc gân trên gáy những cuốn S100 bằng tay và để nguyên 24 giờ định hình, hay mạ nhũ vàng trên da... Một số ấn bản có tờ gác thủy ấn chúng tôi phải đặt chuyên gia làm thủ công từng tờ. Mỗi tờ gác được tạo ra đều là duy nhất và thời gian thực hiện cũng khá lâu.
Ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A. Ảnh: NVCC. |
- Để làm ra những cuốn sách đẹp, sang, độc đáo, ông và Đông A đã trải qua quá trình học hỏi, phát triển kỹ thuật ra sao?
- Hàng năm, tôi đều dành thời gian tham gia các hội chợ sách quốc tế, hội chợ sách quý hiếm để học hỏi kinh nghiệm làm sách thủ công, sách đặc biệt của những người trong nghề ở các nước như Đức, Pháp, Bỉ...
Song song đó, chúng tôi hợp tác với nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh vào bìa sách để hoàn thiện một số ấn bản “đặc biệt” trong năm 2019. Đến tháng 1/2020, chuyên gia Dư Thanh Khiêm (Bỉ) về nước tổ chức khóa học dạy đóng sách. Dưới sự chỉ bảo của ông, chúng tôi đã có sự tiến bộ rất lớn và sau đó, Đông A đã thành lập phòng sách thủ công.
Trong quá trình làm nghề, ngoài việc tiếp thu kỹ thuật và tinh hoa của thế hệ trước, chúng tôi cũng không ngừng tìm tòi và đưa vào sách “đặc biệt” những thể nghiệm mới. Chẳng hạn gắn miếng sơn mài trên bìa cuốn S365 Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ, ghép da tròn trên bìa của V20 Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hay tạo nổi mặt rồng thời Minh Mạng trên bìa cuốn S100 Việt Nam sử lược...
- Đi và học hỏi nhiều hội sách đặc biệt, theo ông, thú chơi sách đặc biệt trên thế giới có lịch sử phát triển ra sao?
- Theo tôi biết, sách đặc biệt đã có lịch sử từ hàng nghìn năm nay gắn với sự ra đời của sách. Trước khi kỹ thuật in ấn ra đời, mỗi cuốn sách đều phải chép tay do đó là duy nhất, đắt tiền, hiếm hoi và những cá nhân sở hữu chúng theo cách nào đó chính là những người chơi sách đặc biệt.
Đến năm 1.450, với việc phát minh ra cách in chữ động, Gutenberg đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về kỹ thuật làm sách, giúp cho sách trở nên phổ biến hơn.
Đến giữa thế kỷ XX, với việc làm đại trà trên máy móc các bản sách bìa mềm (làm bằng giấy dày hay carton và dán keo) đã khiến cho các cuốn sách trước đó có bìa được làm bằng vải, nhựa hay da và khâu hay đóng thủ công trở nên đặc biệt.
Do việc phát triển các bản sách bìa mềm giá rẻ, cộng thêm những biến động từ hai cuộc thế chiến, việc làm thủ công các bản sách đặc biệt bìa cứng đã bị đứt quãng một thời gian. Song khoảng vài chục năm trở lại đây, ở châu Âu và Mỹ đã khôi phục lại cách đóng sách thủ công ngày xưa.
Theo tôi được biết, không có nhiều tổ chức làm sách đặc biệt. Cụ thể có Limited Editions Club với dòng sách Artbook dành cho người sưu tập và các thư viện trên thế giới với giá trung bình khoảng vài nghìn USD một cuốn.
Anh có Nhà xuất bản The Folio Society làm khá lâu năm và chuyên nghiệp, thành lập tại London từ năm 1947, theo được dòng sách giới hạn, cho đến hiện nay vẫn phát triển.
Mỹ trước đây có Franklin chuyên sách giới hạn bìa da rất nổi tiếng nhưng đã giải thể vào năm 2000, giờ chỉ còn lại nhà Easton Press hoạt động làm sách bìa da, một số nhà xuất bản khác ở Mỹ cũng có làm sách “đặc biệt” nhưng không để lại nhiều dấu ấn.
Về thú chơi, nhiều câu lạc bộ dành cho người chơi sách cá nhân từ: Fan of the Folio Society, Franklin Library, Easton Press collectors… cho đến Antiquarian book collectors… Các diễn đàn đóng sách hiện cũng hoạt động rất sôi nổi đó là I am bookbinder, Designer Bookbinders UK, Bookbinding - Art & Conservation…
Theo ông Trần Đại Thắng, sách đặc biệt đã có lịch sử từ hàng nghìn năm. Ảnh: NVCC. |
“Chơi sách nhưng đừng để sách chơi”
- Ông đánh giá thế nào về thú chơi sách đặc biệt hiện nay? Chơi sách đặc biệt đã trở thành một văn hóa?
- Sách đặc biệt gắn liền lịch sử của sách, nên thú chơi này đã tồn tại từ xa xưa và đến nay vẫn sôi động. Hàng năm, hội chợ sách Frankfurt đều có một khu vực khá rộng dành riêng cho các nhà xuất bản và người sưu tầm khắp nơi trên thế giới gặp nhau giao lưu, mua bán.
Mỗi năm ở Pháp đều tổ chức hội sách hiếm ở Paris. Bỉ và Đức có hội chợ dành cho người đóng sách thủ công trên thế giới là Bookbinder’s Fais.
Ở Việt Nam, tôi biết cũng có những nhà sưu tập am hiểu và chịu chơi. Họ gần như có đủ bộ sưu tập sách của các nhà xuất bản nổi tiếng về sách giới hạn hiện nay trên thế giới, đồng thời còn tham gia vào việc đấu giá của nhà Sotheby’s với những bản sách quý của Limited Editions Club với giá trị rất cao.
- Có hiện tượng người mua sách đặc biệt chỉ để trưng mà ít đọc. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
- Việc này theo tôi là bình thường. Ta phải xác nhận rằng đây là một thú chơi như bao thú chơi khác. Không nhất thiết chơi đồ cổ là phải dùng bình để cắm hoa, chơi rượu là phải khui ra uống hàng ngày, chơi tem là phải viết thư gửi bưu điện.
Nhưng đại đa số nhà sưu tập sách chính là người yêu thích việc đọc, bởi đó mới là điều dẫn họ đến việc sưu tầm sách. Trước đó, họ đã mua một bản phổ thông để đọc, còn bản giới hạn thì để sưu tầm, lưu giữ và trưng bày. Đôi khi họ cũng đọc luôn trên bản giới hạn và cho biết “các tác phẩm này đều đã đọc từ trước nhưng đọc lại trên bản ‘đặc biệt’ có cảm giác thật thú vị”.
Tôi cũng đồng tình với quan điểm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi được hỏi về việc mua sách nhiều để khoe lên mạng nhưng không đọc:
“Nếu đúng vậy thì tôi thấy mừng hơn lo. Tặng bạn bè một cuốn sách vẫn có ý nghĩa hơn là tặng một món quà thiên về vật chất. Cũng như trưng một tủ sách trong nhà vẫn tốt hơn là trưng một tủ rượu. Tới chơi nhà ai mà thấy trong nhà họ có một tủ sách là tôi thấy có cảm tình, thậm chí ngưỡng mộ. Mua sách để trưng, để tặng hay để khoe trên mạng, dù với bất cứ lý do gì cũng là cách quảng bá tuyệt vời cho sách, nhất là trong tình trạng chúng ta vẫn kêu ca là việc đọc đang xuống cấp, đang thui chột”.
- Theo ông, cộng đồng chơi sách đặc biệt cần làm gì để phát huy giá trị tốt đẹp của thú chơi này?
- Chúng ta đều biết độc giả bây giờ rất thông minh, người chơi sách đặc biệt cũng vậy. Do đó, tôi không có ý định và cũng không thể góp ý gì cho cộng đồng đọc sách và các nhà sưu tập, ngược lại tôi còn phải lắng nghe và học hỏi từ họ.
Tôi chỉ xin chia sẻ cũng giống như các đam mê khác, mọi người hãy cứ hết mình với sở thích của bản thân, với một tinh thần thật thoải mái và tự nhiên. Đồng thời nên tìm hiểu thật nhiều để thú chơi ngày càng được chọn lọc, sâu sắc và thú vị, như câu “bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc hay nói nửa đùa: “Chơi sách nhưng đừng để sách chơi” (cười).
Một số sách đặc biệt của Đông A. Ảnh: NVCC. |
Thị trường sách đặc biệt còn non trẻ
- Ông nghĩ sao về thị trường sách đặc biệt ở Việt Nam hiện nay?
- Thị trường sách đặc biệt ở Việt Nam còn non trẻ nên cần được nuôi dưỡng, chăm chút. Các đơn vị làm sách đặc biệt ở Việt Nam còn ít, lại mới vào nghề nên phải học hỏi tỉ mỉ và rút dần kinh nghiệm.
Đây chưa phải là lúc đặt nặng mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận để ra sách ồ ạt, hay chỉ gán mác “giới hạn”, “đặc biệt” vào cho có, như vậy sẽ làm hỏng thị trường và bị độc giả, các nhà sưu tập quay lưng.
Làm sách đặc biệt cũng như làm nghệ thuật, phải xuất phát một cách tự nhiên, theo đuổi từ niềm đam mê, tình yêu với sách đẹp.
Ông Trần Đại Thắng
Làm sách đặc biệt phần nào cũng như làm nghệ thuật, phải xuất phát một cách tự nhiên, theo đuổi từ niềm đam mê, tình yêu với sách đẹp, chứ không phải là một phong trào để đua nhau làm theo.
Bởi nếu chỉ chạy theo phong trào thì đến khi khó khăn sẽ mau chóng nản lòng và từ bỏ.
- Có ý kiến cho rằng thị trường sách đặc biệt hiện nay chỉ là một trào lưu nhất thời, nhà làm sách ít, chưa chuyên nghiệp, do vậy khó để phát triển. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Sách đặc biệt là một dòng chảy gắn liền với lịch sử của sách, có lúc mạnh mẽ, có khi âm thầm, nhưng thời nào cũng có. Chính vì thế, việc chơi sách đặc biệt hiện nay không phải là trào lưu nhất thời, mà là một tất yếu khi xã hội cũng như của ngành xuất bản phát triển.
Ở Việt Nam, bây giờ mới là giai đoạn đầu, nên đúng là nhà làm sách ít, chưa chuyên nghiệp, nhưng đó mới chính là cơ hội cho những ai chuyên tâm.
Chúng tôi vẫn tự xem mình chỉ là học trò lớp 1 so với làng sách “đặc biệt” của thế giới nên vừa làm vừa phải học hỏi, trau dồi, giao lưu với các nhà xuất bản và nghệ nhân làm sách trên thế giới. Đó là thách thức nhưng cũng là niềm vui của người làm sách chúng tôi.
- Theo ông, cần làm gì để phát triển thị trường sách đặc biệt? Đông A sẽ làm gì để thúc đẩy thị trường ngách của công nghiệp xuất bản?
- Hiện nay, chúng tôi chưa quan tâm đến việc phát triển thị trường sách đặc biệt mà chỉ tập trung vào việc làm tốt nhất các sản phẩm của mình với phương châm “Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua”.
Làm được như thế, bạn đọc và các nhà sưu tập sách sẽ ghi nhận và ủng hộ chúng tôi nhiều hơn. Và nếu điều đó giúp phát triển hay thúc đẩy thêm được thị trường sách đặc biệt, tôi cũng rất vui.