Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Ali Smith/The Guardian |
Vào một chiều tháng 4/1978, khi Haruki Murakami đang ngồi trên khán đài xem một trận đấu bóng chày, bước ngoặt cuộc đời đã xảy đến với ông. Ngay thời khắc cầu thủ đội bóng địa phương đánh bóng sang góc sân trái, trước sự hò reo của khán giả; “Trong khoảnh khắc ấy và không vì bất cứ tác động nào, một ý nghĩ bỗng ập đến với tôi: tôi nghĩ mình có thể viết tiểu thuyết”, ông viết trong Novelist as a vocation.
Trong vòng 6 tháng sau sự kiện này, Murakami đã hoàn thành cuốn sách đầu tay, một tiểu thuyết ngắn tên Hear the wind sing (Lắng nghe gió hát). Ông gửi bản thảo tới Gunzo, một tạp chí văn học Nhật Bản, rồi quên bẵng đi sự tồn tại của bản thảo ấy.
Thuật lại trong Novelist as a vocation, ông chia sẻ rằng trong một lần đi dạo cùng vợ, khi đang ve vuốt một chú chim bồ câu bị thương, ông hay tin mình lọt vào danh sách đề cử Giải Gunzo danh giá ở hạng mục Tác giả mới xuất sắc. “Đó là lúc tôi nhận ra mình sẽ giành giải, và mình sẽ tiếp tục sự nghiệp văn chương, trở thành một nhà văn với những thành công đáng kể”.
Cây viết Sean O’Hagan của tờ Guardian so sánh cuốn sách tựa một cuốn cẩm nang đậm chất cá nhân, bao gồm tự truyện, những quan điểm, những chi tiết kỳ lạ, những trải nghiệm mang cảm giác siêu thực, tựa những trường đoạn trong tiểu thuyết của ông. Ngoài ra, những trải nghiệm ấy được kể với giọng văn lạnh, tạo cảm giác bộc bạch, tự sự, chuyển từ những sự kiện thường ngày sang sự kiện bí ẩn mà không thay đổi tông kể, cũng như trong tiểu thuyết của ông.
Ông mô tả phong cách kể này là một “phong cách tự nhiên, không trang trí”, đồng thời cũng chia sẻ rằng phong cách viết này cũng đến với ông theo lối kỳ lạ, khó giải thích: trước khi hoàn thành Hear the wind sing, Murakami đã thử viết rồi bỏ bản thảo đi và viết lại từ đầu, sau cùng ông chọn cách viết bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng mẹ đẻ là tiếng Nhật. Ông cho biết từ vựng và cú pháp tiếng Anh của ông rất hạn chế, tuy nhiên, khi viết bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Nhật, những câu ngắn, đơn giản ấy lại sở hữu “một nhịp điệu đặc biệt”.
Trong 35 năm qua, văn phong “không trang trí” của Murakami đã đặt nền tảng cho nhiều câu chuyện kỳ lạ đến ngông cuồng. Năng suất viết đáng kinh ngạc cũng biến ông trở thành một hiện tượng văn học Nhật Bản, một siêu sao bất đắc dĩ mang tầm quốc tế.
Đối với một nhà văn bắt đầu sự nghiệp tương đối muộn (ông xuất bản cuốn đầu tay năm 30 tuổi), Murakami đã xây dựng được một sự nghiệp đáng nể, với 15 tiểu thuyết và một vài tác phẩm phi hư cấu. Ở những tác phẩm như Cuộc săn cừu hoang (1989) và Biên niên ký chim văn dây cót (1997), ông dựa trên yếu tố giả tưởng, khoa học viễn tưởng và thần thoại Nhật Bản, tạo ra các nhân vật bình thường, khiêm tốn, lạc vào một thế giới song song kỳ lạ.
Lối viết này không làm vừa lòng những người theo chủ nghĩa thuần túy ở Nhật nói riêng và trên thế giới nói chung. Murakami thường được gọi là nhà văn hiện thực huyền ảo. Trong sách, ông cũng nhắc đến phản ứng trái chiều từ phía độc giả, nhưng rồi cũng cho qua đúng như cá tính thường thấy ở văn chương ông. “Có người thích, có người không, thế giới cần sự đa dạng”, ông viết.
Một số tác phẩm của Haruki Murakami đã xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: VNQĐ. |
Novelist as a vocation cung cấp một mô tả thực tế về danh xưng “tiểu thuyết gia”, với nhiều ví dụ về phong cách sáng tạo gợi cảm hứng. Murakami bộc lộ cách tiếp cận nặng kỷ luật và các nghi thức cá nhân của mình như: viết 4-5 tiếng liên tiếp mỗi ngày, chỉ dừng khi đã viết xong 10-11 trang, ngay cả khi cảm hứng đang dồi dào; luôn viết ở nước ngoài để tránh những phiền nhiễu ở quê nhà; “mày mò” không ngừng sau khi hoàn thành bản thảo cuối cùng - giai đoạn ông thích nhất.
Độc giả hiểu được bản chất của ông là một kẻ ngoài cuộc. “Tôi chưa bao giờ thấy thoải mái khi đứng trong một đám đông hay tham gia vào bất kỳ hoạt động tập thể nào”, ông viết. Murakami khẳng định nếu không nhờ năng khiếu bẩm sinh khi viết tiểu thuyết, ông đã sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường. Việc cuộc đời ông có một bước ngoặt bất thường như vậy vẫn luôn khiến ông ngỡ ngàng.
Cũng như những tác phẩm phi hư cấu khác của ông, Novelist as a vocation mang tới những góc nhìn hấp dẫn và độc đáo từ Murakami. Lối tiếp cận của ông nặng bản năng và trực giác, được hoàn thiện bằng kỷ luật và tính kiên trì.
Ông viết: “Khi tôi chạy, tôi cảm thấy chạy không phải là tất cả. Có điều gì đó quan trọng hơn trong quá trình chạy. Nhưng tôi hoàn toàn không rõ điều đó là gì…”. Viết tiểu thuyết, trong đó các nhân vật “xuất hiện một cách tự nhiên giữa mạch truyện” cũng là một lối gắn thâm nhập, tin tưởng rằng có một điều gì đó quan trọng hơn sau vẻ tự nhiên ấy. Murakami coi đó là phần lãi.