Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình vươn ra vũ đài thế giới của ngoại trưởng New Zealand

Với tư cách ngoại trưởng người Maori đầu tiên của New Zealand, bà Nanaia Mahuta sẽ dùng kỹ năng đàm phán để phục vụ đất nước trong môi trường quốc tế đầy biến động.

Văn phòng của Ngoại trưởng Nanaia Mahuta nằm trong tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington, New Zealand. Giá sách của bà được lấp đầy bởi những món đồ tạo tác và quà lưu niệm xinh xắn đến từ New Zealand và nhiều quốc đảo Thái Bình Dương khác.

“Bạn có thể hỏi về bất cứ món đồ nào”, bà nói. “Mỗi thứ đều có một câu chuyện riêng”.

Ở ngăn dưới của giá sách có cây gậy ba toong của cha bà, nhà hoạt động vì quyền lợi của người Maori bản địa, Sir Robert Mahuta. Cha mẹ là những người đầu tiên cho Ngoại trưởng Mahuta kinh nghiệm chính trị.

Ký ức đầu tiên của bà liên quan đến chính trị là khi ông Robert Mahuta đấu tranh chống việc xây dựng một nhà máy điện, khi bà 8 tuổi.

“Tôi lớn lên trong môi trường của chính trị bộ lạc và những khát vọng bộ lạc”, ngoại trưởng người bản địa đầu tiên của New Zealand nói. “Đây là câu chuyện mà chúng tôi nói với nhau trong gia đình, là câu chuyện trong bữa ăn”.

Kinh nghiệm đàm phán

Gia đình Ngoại trưởng Mahuta luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh của người Maori đòi chính quyền New Zealand bồi thường cho đất đai bị tịch thu và các tội ác của những người thực dân da trắng.

ngoai truong new zealand anh 1

Ngoại trưởng Mahuta phải dẫn dắt ngoại giao New Zealand qua một thời kỳ đầy biến động. Ảnh: BBC.

Ông Robert Mahuta là nhà đàm phán chính của bộ tộc Waikato Tainui. Năm 1995, ông đã buộc chính phủ New Zealand bồi thường 170 triệu USD và nhận được lời xin lỗi chính thức từ Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Từ khi còn nhỏ, bà Mahuta đã tham gia nghiên cứu hồ sơ để phục vụ đàm phán. Ngày nay, khi New Zealand phải đối mặt với bối cảnh thế giới đầy biến động, những kỹ năng đàm phán sẽ giúp bà sẵn sàng đại diện cho đất nước mình trên trường quốc tế.

Trong 6 tháng trên cương vị ngoại trưởng, bà Mahuta đã phải đối mặt với nhiều thách thức.

New Zealand đang cố gắng không bị vướng vào căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia. New Zealand phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại, còn Australia là đồng minh và đối tác an ninh truyền thống của đảo quốc này.

Quan điểm của New Zealand là vừa giữ vững liên kết thương mại nhưng cũng không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc trong những vấn đề như nhân quyền.

Tuy vậy, thực hiện nó không phải điều dễ dàng.

Quan hệ giữa New Zealand và Australia cũng đang gặp phải một số trục trặc nhất định khi Australia vừa quyết định trục xuất một số người New Zealand, bất chấp sự phản đối của Wellington.

Ngoại giao New Zealand còn phải đối mặt với thách thức đến từ biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, nhân tố làm đảo lộn các phương pháp ngoại giao truyền thống.

Giữa môi trường quốc tế đầy biến động, bà Mahuta nhận thức rõ sự chênh lệch trong cán cân quyền lực toàn cầu và dựa vào kỹ năng đàm phán, hòa giải để phục vụ lợi ích của đất nước mình.

Quan điểm người bản địa

Với tư cách nghị sĩ hàng đầu của đảng Lao động New Zealand, bà Mahuta từng tham gia đàm phán giữa chính quyền và người Maori.

“Bà thành thạo đàm phán, và thường không phải với vị thế cửa trên”, nhà phân tích chính trị Ben Thomas, cựu cố vấn của chính phủ New Zealand nói với Guardian. “Đây cũng là vị thế của New Zealand trong trật tự thế giới. Chúng tôi không phải đất nước có thể phô diễn sức mạnh về quân sự hay kinh tế. Ảnh hưởng của chúng tôi nằm ở ngoại giao mềm mỏng”.

ngoai truong new zealand anh 2

Bà Mahuta cùng Ngoại trưởng Australia Marise Payne thực hiện kiểu chào hongi truyền thống của người Maori. Ảnh: Guardian.

“Đây không phải phong cách đàm phán mà tôi thắng hay anh thắng. Đó làm đàm phán mà hai bên cùng thắng. Đây là hình thức ngoại giao mà bà Mahuta có nhiều kinh nghiệm”, nhà phân tích chính trị người Maori Shane Te Pou nhận xét.

Với tư cách người Maori bản địa đầu tiên trở thành ngoại trưởng New Zealand, bà Mahuta gây được sự chú ý rộng rãi. Khi nhậm chức, bà cam kết sẽ đưa quan điểm của người bản địa vào đối ngoại.

“Mọi người không nên đánh giá thấp ý nghĩa của việc này với người thiểu số bản xứ trên khắp thế giới”, Annabelle Lee-Mather, chuyên gia về chính trị của người Maori, bình luận. “Một wahine (người phụ nữ Maori) với hình xăm thiêng trên mặt là biểu tượng mạnh mẽ đối với họ”.

Trong 6 tháng qua, bà Mahuta đã cho thấy rõ quan điểm của người bản địa trong đối ngoại là thế nào.

Bà đã có bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức tại Waitangi, nơi người da trắng và người Maori ký hiệp ước tạo cơ sở cho sự hình thành đất nước New Zealand. Trong bài phát biểu này, bà nhấn mạnh sự hợp tác và hòa hợp sẽ định hình chính sách đối ngoại của đất nước.

“Chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia có người thiểu số bản xứ”, bà nói. “Không phải như một hình mẫu, mà như một hướng tư duy. Sẽ có nhiều thách thức không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy vậy, sự hợp tác giữa các nước mà chúng ta đang có là một điểm tích cực”.

Bậc thầy về chính sách

Bà Mahuta được biết đến như một chính trị gia chăm chỉ, lặng lẽ đạt được mục tiêu. “Tôi nghĩ rằng Nanaia là bậc thầy về chính sách. Bà hiểu từng vấn đề”, nhà phân tích chính trị Te Pou nhận xét.

26 năm trước, Te Pou là thành viên của một ủy ban lựa chọn Mahuta cho vị trí ứng viên chính trị đầu tiên. Ông kể rằng một ứng viên giàu kinh nghiệm hơn đã được nhắm đến. Tuy vậy, bà Mahuta đã có một bài thuyết trình tuyệt vời, được nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Bà thay đổi ý kiến của cả ủy ban lựa chọn và chiến thắng nhờ vào sự thông minh và tài hùng biện”, ông nói.

ngoai truong new zealand anh 3

Bà Mahuta được xem là người chăm chỉ, chú tâm vào công việc. Ảnh: Bloomberg.

“Nanaia tỏ ra là một người hoàn toàn chuyên tâm với công việc”, bà Lee-Mather nói. “Bà quan tâm đến chi tiết công việc và hiểu rõ mình muốn gì. Trong khi đó, bà có ý chí vững như thép và không chịu bắt nạt hay khuất phục”.

Ý chí này cần thiết khi New Zealand phải giữ vững sự tự chủ trước các cường quốc bên ngoài.

Ngoại trưởng Mahuta ví Trung Quốc như con rồng, còn New Zealand như taniwha, một sinh vật truyền thuyết của người Maori, chuyên canh giữ nguồn nước. Theo bà, hai sinh vật biểu tượng này tuy khác biệt nhưng đều đáng tôn trọng.

“Giống như rồng, taniwha có khả năng hiểu rõ về sự thay đổi trong môi trường xung quanh, cũng như khả năng thích nghi và tồn tại”, bà nói. “Với tư cách người bảo vệ, taniwha là biểu tượng cho sự thịnh vượng và dẻo dai của người dân”.

Chính sách ngoại giao của New Zealand hướng đến việc không bị cuốn vào những con sóng dữ. Có thể trông đợi con taniwha của Ngoại trưởng Mahuta sẽ cưỡi lên trên con sóng của chính mình.

Ngoại trưởng New Zealand cảnh báo về ‘cơn bão’ Trung Quốc

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cảnh báo nhà xuất khẩu trong nước cần đa dạng hóa thị trường để tự bảo vệ trước khả năng quan hệ với Trung Quốc có thể trở nên lạnh nhạt.

Việt Hà

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm