Lời cảnh báo của bà Mahuta được đưa ra trong bối cảnh New Zealand ngày càng chịu áp lực phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương và Hong Kong, Guardian nhận định trong bài viết ngày 24/5.
Đồng thời, xuất khẩu của New Zealand cũng đang phụ thuộc tương đối lớn vào Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước hiện đạt hơn 23,8 tỷ USD, trong đó giá trị hàng hóa xuất sang Trung Quốc chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của New Zealand, theo Bộ Ngoại giao và Thương mại nước này.
“Chúng ta rõ ràng không thể phớt lờ những gì đang diễn ra giữa Australia và Trung Quốc. Nếu Australia đang ở gần hoặc ở trong tâm bão,…việc cơn bão tiến sát chúng ta có thể chỉ là vấn đề thời gian”, Ngoại trưởng Mahuta nói.
Cơn bão mà bà Mahuta nói tới chính là cuộc thương chiến ngày một dữ dội giữa Australia và Trung Quốc. Cơn bão này cũng có thể dễ dàng cuốn lấy New Zealand, láng giềng của Australia.
“Cơn bão” Trung Quốc ở phía chân trời
New Zealand đang cố gắng giữ thăng bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Quốc gia này vừa muốn có quan hệ thương mại song phương vững chắc, vừa muốn có khoảng không để có thể chỉ trích vi phạm nhân quyền hoặc luật quốc tế của Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, New Zealand ngày càng khó duy trì được sự cân bằng.
Quốc gia này từng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với hành động của Trung Quốc tại Tân Cương và Hong Kong, nhưng những tuyên bố ấy thường mềm mỏng hơn so với những đồng minh lâu dài của New Zealand trong mạng lưới Ngũ Nhãn gồm Anh, Mỹ, Canada, và Australia.
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta. Ảnh: Getty. |
New Zealand, cùng với Australia, tỏ ra hoan nghênh trước những lệnh trừng phạt phối hợp mà Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu, và Canada đặt ra với Trung Quốc. Nhưng bản thân hai nước này không áp lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor cũng nhận định các cáo buộc mạnh mẽ về vấn đề Tân Cương sẽ làm tổn hại tới quan hệ thương mại của New Zealand.
“Rõ ràng chính phủ Trung Quốc sẽ không thích điều như thế. Tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ có tác động tới thương mại”, ông O’Connor nói.
Lãnh đạo phe đối lập, Judith Collins, cũng đánh giá quan hệ thương mại New Zealand - Trung Quốc là vấn đề lớn nhất trong cuộc trao đổi hiện tại. “Trước mắt, rõ ràng là chúng ta đang bị phụ thuộc vào Trung Quốc trên khía cạnh thương mại”, bà Collins nói với Stuff.
Australia - tấm gương của New Zealand
Australia là ví dụ thực tế cho New Zealand thấy chuyện gì sẽ xảy ra khi quan hệ thương mại với Trung Quốc sụp đổ.
Sau khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc virus corona tại Trung Quốc, căng thẳng giữa hai bên leo thang. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế quan, siết nhập khẩu, và khuyến cáo người dân không đặt chân tới Australia.
Nhân viên trao đổi để chuẩn bị buổi seminar về hợp tác song phương Australia - Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 23/7/2009. Ảnh: Reuters. |
Một phân tích năm 2020 cho thấy thiệt hại mà Australia phải hứng chịu từ những lệnh trừng phạt công khai hoặc không công khai của Trung Quốc là khoảng 37 tỷ USD.
Tới nay, tác động của cuộc thương chiến này còn hạn chế do Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập quặng sắt từ Australia. Nhưng Trung Quốc đang tìm cách chuyển nguồn cung sang những mỏ quặng ở Brazil và Guinea.
Nếu Trung Quốc thành công, Australia có thể hứng chịu đòn đau hơn.
Thương mại New Zealand phụ thuộc vào Trung Quốc
Khác với Australia, New Zealand không có độc quyền tài nguyên trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
“Mọi thứ bạn có thể nhập từ New Zealand, bạn có thể lấy từ những nơi khác”, giáo sư luật quốc tế Alexander Gillespie, thuộc Đại học Waikato (New Zealand) cho biết.
“Trung Quốc biết điểm yếu của chúng ta trong phương diện này. Tôi nghĩ các tuyên bố của New Zealand cũng thể hiện việc chúng ta ý thức được điều đó”, giáo sư Gillespie nói.
Nếu xảy ra căng thẳng, những đòn trả đũa thương mại từ Trung Quốc có thể đánh vào New Zealand trên nhiều ngành công nghiệp. Gần cuối năm 2020, chỉ riêng giá trị xuất khẩu của New Zealand sang Trung Quốc đã vượt quá tổng giá trị xuất khẩu sang 4 đối tác thương mại lớn tiếp theo gồm Australia, Mỹ, Anh, và Nhật Bản.
Giao thương với Trung Quốc chiếm 28% tổng xuất khẩu của New Zealand, bao gồm 25% giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ sữa, hơn 60% sản phẩm gỗ, và khoảng 50% thịt.
Về du lịch, Trung Quốc là nguồn tiền du lịch lớn thứ hai của New Zealand, sau Australia. Trước Covid-19, du khách Trung Quốc tiêu khoảng 1,7 tỷ USD tại New Zealand mỗi năm.
Du học là ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ USD tại New Zealand. Trong đó, sinh viên Trung Quốc chiếm tới 47% số sinh viên quốc tế tại các trường đại học của quốc gia này.
Australia là một trong những địa điểm du học phổ biến của sinh viên Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
“Lúc này, Trung Quốc sẽ rất vui vẻ với chúng ta vì họ nhìn nhận chúng ta là mắt xích yếu trong nhóm Ngũ Nhãn”, giáo sư Gillespie nói.
Ngoại trưởng Mahuta đánh giá mối quan hệ giữa New Zealand và Trung Quốc đã thay đổi và trưởng thành theo thời gian.
“Quan hệ với Trung Quốc… là một mối quan hệ trưởng thành. Chúng ta có thể tôn trọng, nhất quán, và minh bạch trong không chỉ những vấn đề quan trọng với chúng ta, mà còn trong những vấn đề mà hai bên có khác biệt về quan điểm”, bà Mahuta nói.
Theo Guardian, Ngoại trưởng Mahuta cũng cẩn trọng trong cách kêu gọi nhà xuất khẩu đa dạng hóa. Bà Mahuta cho biết thông điệp này nằm trong một phần chính sách mở rộng quan hệ của New Zealand ra khắp vùng châu Á Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã nói rằng (quan hệ ấy) sẽ là 'và Trung Quốc', không phải 'hoặc Trung Quốc', bà Mahuta nhấn mạnh.