Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm người 'sập bẫy' việc lương cao ở Hàn Quốc

Nhẹ dạ, tin tưởng vào lời giới thiệu về công việc ổn định, lương cao ở Hàn Quốc khiến hàng trăm người dân ở xã Nghĩa An (thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị “sập bẫy”.

Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, vợ chồng chị Nguyễn Thị Chức (SN 1983) và anh Phạm Văn Chín (SN 1982, trú thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) phải chạy vay mượn khắp nơi được 100 triệu đồng đưa cho bà Trần Thị T (một người quen trong xã) để được sang Hàn Quốc làm việc.

Nhiều người dân Nghĩa An bị “sập bẫy” đã gửi đơn tố cáo bà Trần Thị T lên cơ quan chức năng. Ảnh: NN.
Quang Ngai Han Quoc anh 1
Quang Ngai Han Quoc anh 1

Nhiều người dân Nghĩa An bị “sập bẫy” đã gửi đơn tố cáo bà Trần Thị T lên cơ quan chức năng. Ảnh: NN.

Chị Chức cho biết, thông qua mạng xã hội Facebook, chị biết thông tin bà Trần Thị G (một người cùng xã đang làm việc tại Hàn Quốc) cần tìm người có nhu cầu qua Hàn Quốc làm việc thời hạn 6 tháng. Sau khi trao đổi, bà G. báo một hợp đồng đi lao động sẽ có phí 50 triệu đồng, khi qua bên đó làm việc mỗi tháng được trả lương 25 - 30 triệu đồng, công việc là lao động chân tay, không phải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Ai có nhu cầu đi thì đưa tiền trước cho em gái của G là Trần Thị T 35 triệu đồng để làm visa. Khi nào hoàn tất giấy tờ, thủ tục thì đóng thêm 15 triệu đồng. Dự kiến trong tháng 5 hoặc tháng 6/2023 sẽ bay sang Hàn Quốc. Nhận thấy thời gian đi làm chỉ có 6 tháng, nhưng nếu cố gắng, tiết kiệm thì sau khi trừ chi phí, hai vợ chồng sẽ kiếm được gần 200 triệu đồng, nên gia đình chị Chức đã vay mượn khắp nơi 70 triệu đồng đưa cho T cùng với các giấy tờ để làm thủ tục.

Theo bà Phạm Thị Công - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, hàng năm, địa phương liên tục tuyên truyền cho người dân rất nhiều lần về vấn đề xuất khẩu lao động và cảnh báo người dân để tránh bị lừa đảo. Đồng thời chính quyền sẽ làm cầu nối với các đơn vị của Nhà nước trong công tác đưa người đi làm việc nước ngoài khi người dân cần. Tuy nhiên, chẳng rõ từ đâu mà bà con lại tin tưởng vào thông tin xuất khẩu lao động đó để rồi bị lừa, chiếm đoạt số tiền rất lớn.

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, chờ mãi không thấy T gọi hay thông báo gì, chị Chức lo lắng nên liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi thăm. Sau nhiều lần hứa hẹn, tháng 6/2023, bà T đưa cho chị Chức một mẫu giấy có chữ nước ngoài và thúc giục chị nộp đủ tiền để có visa.

“Tờ giấy toàn chữ nước ngoài nên hai vợ chồng không biết là gì, nhưng có thấy hình ảnh và một số thông tin cá nhân nên tin tưởng đó là thủ tục để đi nước ngoài. Do đó, tôi đã tiếp tục đưa cho T thêm 30 triệu đồng và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để bay sang Hàn Quốc. Quá hạn cam kết nhưng chưa đi được, gia đình lo lắng, hỏi han thì được bà T trấn an là chịu khó chờ đợi thêm thời gian nữa... Nhưng chờ mãi không thấy gì nữa. Tiền thì không đòi lại được”, chị Chức nói.

Cũng theo chị Chức, trước đây gia đình từng làm ăn khấm khá nhờ nghề biển nên gia đình đã vay ngân hàng tiền tỷ để đóng tàu mới. Nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ, anh chị bị tịch thu tài sản thế chấp là ngôi nhà bao năm gắn bó. Hiện cả gia đình chị đang phải ở tạm nhờ nhà người thân. “Nợ nần chồng chất nên khi nghe thông tin đi xuất khẩu với mức lương cao như thế, hai vợ chồng rất mừng xem như cái phao cứu sinh… nhưng không ai ngờ lại bị lừa”, chị Chức buồn bã nói.

Tương tự vợ chồng anh Đinh Văn Chu (SN 1989) và chị Lê Thị Bé Sương (SN 1991, trú thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An) cũng đã đưa cho bà Trần Thị T với số tiền 55 triệu đồng, nhưng “đợi dài cổ” vẫn chưa được sang Hàn Quốc làm việc, nhiều lần liên lạc với bà T nhưng không được. Vợ chồng anh đã gửi đơn lên xã và Công an tỉnh với hy vọng pháp luật đòi lại sự công bằng cho những người bị hại.

“Nhiều người khác cùng xã cũng chung cảnh ngộ trên. Phần lớn đàn ông trong xã thì đi biển, phụ nữ ở nhà làm thuê, làm mướn, cuộc sống rất khó khăn. Nên khi nghe những lời hứa hẹn của chị em bà T ai cũng tin. Trung bình mỗi người đã gửi cho bà T từ 35-50 triệu đồng và hầu hết người bị hại đều có hoàn cảnh khó khăn”, chị Sương cho hay.

Cầu cứu chính quyền

Sau khi biết mình bị lừa, nhiều người dân xã Nghĩa An đã phải tìm việc khắp nơi để làm thuê trả lãi, trả gốc đã vay mượn. Đồng thời, nhiều người liên tục kéo đến nhà bà T để đòi lại tiền nhưng bị chồng bà T xua đuổi, còn bà T thì tránh mặt, không thấy ở địa phương. Không biết phải làm sao, họ đã gửi đơn tố cáo lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, với hy vọng được trả lại tiền. Tuy nhiên, đến nay đã hơn nửa năm nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo thống kê, có khoảng 100 người dân ở xã Nghĩa An đã đưa tiền cho bà Trần Thị T, với tổng số tiền khoảng 4,5 tỷ đồng. Tập trung nhiều nhất ở các thôn Tân Thạnh, Tân Mỹ, Tân An, Phổ Trường, Phổ Trung…

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công xác nhận, có sự việc người dân làm đơn tố cáo bị lừa tiền để đi sang Hàn Quốc lao động ngắn hạn. Tháng 8/2023 chính quyền tiếp nhận thông tin, tuy nhiên, do số người bị hại và số tiền bà T nhận quá lớn nên vụ việc được Công an xã chuyển lên Công an tỉnh Quảng Ngãi.

“Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi (PC02) cũng đã về xã Nghĩa An để trực tiếp nghe phản ánh, trình bày của người dân ở đây. Hiện vụ việc đang được công an thụ lý, làm rõ”, bà Công nói.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Bài liên quan

https://tienphong.vn/quang-ngai-hang-tram-nguoi-dan-sap-bay-lua-post1637812.tpo

Nguyễn Ngọc/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm