Chị Vi Thị Hoa (áo trắng, con dâu ông Long) kể lại những ngày tháng gian khổ nơi đất khách quê người. Ảnh: Hải Dương. |
"Sập bẫy" người lạ ở nước ngoài
Từ một gia đình khá giả, có của ăn của để tại địa phương, gia đình ông Vương Văn Long (SN 1977, trú tại thôn 19, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút) đang phải sống chen chúc trong căn nhà tồi tàn mượn của một người quen ở thôn 20, xã Đắk Drông.
Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định do ông Long bị kẻ xấu lừa phỉnh bán hết đất đai, nhà cửa, ruộng vườn để sang Thái Lan sống sung sướng, làm "việc nhẹ, lương cao".
Mọi chuyện bắt nguồn từ khoảng tháng 6/2023, thông qua mạng xã hội Facebook, một đối tượng người Việt Nam đang ở Bangkok (Thái Lan) kết bạn làm quen với ông Long.
Qua các lần nói chuyện, người này cho biết bên Thái Lan có nhiều việc làm và vẽ ra viễn cảnh "việc nhẹ, lương cao", nhanh chóng làm giàu và nếu ở lâu sẽ được đi định cư ở nước thứ ba.
Đến tháng 11/2023, gia đình ông Long và người con trai đầu bán hết nhà cửa tài sản, ruộng vườn được gần 1,2 tỷ đồng. Sau đó gia đình ông Long cả già lẫn trẻ gồm 12 người (trong đó có người con dâu đang mang bầu) thuê xe ra tỉnh Hà Tĩnh rồi làm các thủ tục xuất cảnh sang Thái Lan.
Ông Vương Văn Long kể lại, sau khi sang đến Thái Lan, cả gia đình phải thuê phòng trọ chật chội với giá 6 triệu đồng/tháng.
Theo ông Long, cuộc sống rất khổ sở, cả gia đình không ai dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái Lan bắt, cứ 3 ngày mới được đi chợ 1 lần và lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ.
"Cuộc sống cứ thế trôi đi, số tiền bán nhà, tài sản cũng sắp hết nhưng việc làm vẫn chưa có, chúng tôi bị các đối tượng bỏ rơi. Đầu năm 2024 gia đình đã quyết định quay về Việt Nam để làm lại cuộc đời. Chúng tôi muốn cảnh báo những ai đang bị dụ dỗ thì đừng có mắc lừa như gia đình tôi", ông Long nói.
Bà Hoàng Thị Tăng (vợ ông Long) cho hay, hiện tại gia đình có 7 người được về Việt Nam, còn gia đình người con trai đầu vẫn mắc kẹt tại Thái Lan…
Theo bà Tăng, vợ chồng bà rất ân hận khi nghe lời kẻ xấu xúi giục, đẩy các thành viên vào hoàn cảnh ngặt nghèo, gia đình ly tán, con cháu chịu cảnh khổ cực, bơ vơ, sống chui, sống lủi ở nơi xứ người. Gia đình mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ để các con các cháu về quê hương.
"Sau khi trở về gia đình chúng tôi nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp chính quyền, nhất là lực lượng công an và người thân trong việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm và cho mượn nhà để ở, giúp gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống. Chúng tôi rất biết ơn", bà Tăng nói.
Chị Vi Thị Hoa (con dâu ông Long) chia sẻ, sau khi trở về quê hương mọi người trong gia đình phải làm thuê để mua gạo và thức ăn, còn căn nhà này mượn của một người quen. Gia đình rất muốn chuộc lại nhà để ở nhưng không còn đủ tiền.
Anh Vương Văn Phình (con trai ông Long) cho biết, khi còn ở Thái Lan các đối tượng tuyên truyền, hù dọa nếu hồi hương sẽ bị chính quyền bắt bớ, bỏ tù. "Lúc này cả gia đình chúng tôi suy nghĩ phải quyết tâm tìm mọi cách trở về quê hương vì chắc chắn sẽ không giống như lời hù dọa của kẻ xấu", anh Phình nói.
Bên trong căn nhà chật chội của gia đình ông Long hiện tại. Ảnh: Hải Dương. |
Chính quyền giúp đỡ
Sau khi gia đình ông Long về lại quê nhà Cư Jút, người thân và chính quyền đã mở rộng vòng tay đón nhận, giúp đỡ để cuộc sống gia đình ổn định.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nông Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đắk Drông cho biết, trước đây gia đình ông Vương Văn Long thuộc hàng khá giả trong thôn.
Khi gia đình ông Vương Văn Long bán ruộng rẫy, chính quyền có biết và xuống vận động gia đình không nên đi nhưng lúc này gia đình nói là sang huyện Ea Súp (Đắk Lắk) làm ăn, sinh sống chứ không nói qua Thái Lan.
Gia đình ông Vương Văn Long có sang huyện Ea Súp sống được 1 tháng, sau đó cả 12 thành viên bắt xe ra Hà Tĩnh rồi xuất cảnh sang Thái Lan.
Cuối tháng 1/2024, gia đình ông Vương Văn Long trở về, do không còn nhà cửa nên phải ở nhờ nhà của một người quen.
"Hiện nay gia đình ông Vương Văn Long có 7 người đã trở về, còn gia đình con trai gồm 6 người đang bị mắc kẹt bên Thái Lan vì một cháu nhỏ mới sinh chưa có giấy tờ.
Khi gia đình ông Vương Văn Long trở về, chúng tôi đã xuống hỏi thăm rồi động viên gia đình cố gắng làm lại từ đầu", Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đắk Drông cho hay.
7 người trong gia đình ông Long đang ở nhờ trong ngôi nhà này. Ảnh: Hải Dương. |
Ông Ngô Bá Gôn, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông thông tin, các tổ chức đoàn thể của địa phương đã xuống hỏi thăm, giúp đỡ gia đình ông Long, đồng thời đang nghiên cứu cho họ tiếp cận các nguồn vốn để xây dựng lại từ đầu.
Theo ông Gôn, gia đình ông Long không còn ruộng đất, tới đây nếu họ có nhu cầu làm việc địa phương sẽ liên hệ xin cho họ vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Tâm Thắng.
Trung tá Nguyễn Trung Hữu, Trưởng Công an huyện Cư Jút xác nhận, thời gian qua có một số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin, nhận thức thấp, còn ảo vọng "sính ngoại" để hưởng cuộc sống giàu sang nên đã bị kẻ xấu xúi giục, lừa phỉnh bán hết đất đai, nhà cửa, ruộng để vườn xuất ngoại, trong đó có gia đình ông Long.
"Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình cụ thể để hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho bố con ông Long thông qua mô hình giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Hữu cho hay.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.