Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đang điều tra vụ đối tượng giả danh công an lừa đảo bà P. (68 tuổi, ở quận Hà Đông) để chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.
Sau mỗi yêu cầu chuyển tiền của vị công an giả danh, bà P. lại tìm cách bán cổ phần, cổ phiếu. |
Theo cơ quan công an, vào ngày 5/4, khi đang ở nhà một mình, bà P. nhận được cuộc điện thoại từ số 0818387xxx, người đầu dây tự xưng là nhân viên Viettel. Người này báo bà P. sử dụng căn cước công dân số 034156004xxx của mình để đăng ký sim và đang nợ cước hơn 3,9 triệu đồng.
Bà P. nói không dùng căn cước công dân để đăng ký sim và sử dụng, nên đối tượng thông báo sẽ liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Không lâu sau, có số điện thoại 0855927xxx gọi đến, một người tự xưng cán bộ công an quả quyết nói rằng có ai đó dùng căn cước công dân số 034156004xxx để lập tài khoản ngân hàng A. rồi bán lại cho đối tượng tên là Nguyễn Viết Long với giá 200 triệu đồng.
Theo người tự xưng công an, Long đã bị bắt và khai báo điều hành đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền được hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng. Vị công an giả danh nói bà P. có liên quan vụ việc này, sẽ bị bắt trong vài ngày tới.
Suốt quá trình nói chuyện, vị công an giả danh yêu cầu bà P. phải di chuyển ra khu vực vắng người, tuyệt đối không hé lộ thông tin với bất kỳ ai. Do lo sợ nên bà P. đã làm theo.
Tiếp đến, vị công an giả danh cung cấp tài khoản Zalo tên “Vinh Vinh” cho bà P. liên hệ. Các đối tượng yêu cầu bà P. chuyển tiền vào cho chúng nhằm mục đích “xác minh số tiền vi phạm pháp luật”.
Nghe vị công an giả danh yêu cầu chuyển tiền và không được kể với người nhà, bà P. hoang mang rồi nhớ đến số cổ phần, cổ phiếu chứng khoán mà vợ chồng bà mua được trước đây.
Hơn chục năm qua, bà P. không giao dịch và cũng chẳng biết số cổ phần, cổ phiếu ấy giá trị bao nhiêu. Nhưng vì bí bách nên bà P. quyết định dùng đến nó.
Trong ngày 5/4, cứ sau mỗi yêu cầu chuyển tiền của vị công an giả danh, bà P. lại tìm cách bán cổ phần, cổ phiếu.
Bà P. đã chuyển tổng cộng 32 lần, gồm: 1 lần 213 triệu đồng, 6 lần chuyển 290 triệu đồng, 9 lần chuyển 490 triệu đồng, tổng cộng hơn 6,3 tỷ đồng vào số tài khoản của NGUYEN THANH DUONG tại ngân hàng B.
Tiếp đó, bà P. có 6 lần chuyển mỗi lần 490 triệu đồng, tổng cộng hơn 2,9 tỷ đồng vào số tài khoản NGUYEN TIEN DUNG tại ngân hàng V.
Bà P. có 10 lần chuyển mỗi lần 490 triệu đồng, tổng là 4,9 tỷ đồng vào tài khoản TRAN DINH DUC tại ngân hàng V.
Bà P. còn có một lần chuyển 490 triệu đồng và một lần chuyển 400 triệu đồng, tổng số là 890 triệu đồng vào số tài khoản HO THUY HONG tại ngân hàng B.
Khi tổng số tiền bà P. chuyển vào các số tài khoản do các đối tượng cung cấp lên tới hơn 15 tỷ đồng, cũng là lúc số cổ phần, cổ phiếu đã bán sạch. Lúc này, bà P. mới biết bị lừa đảo nên đến cơ quan công an trình báo.
Sau vụ việc, người thân và chính bà P. mới biết mình có số tài sản lớn như vậy.
Nhiều cảnh báo đã được cơ quan chức năng phát đi, thủ đoạn của tội phạm không mới, nhưng đáng tiếc là danh sách các nạn nhân vẫn nối dài…
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.