Tại phiên họp về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 31/5, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ lo ngại những vướng mắc trong quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với doanh nghiệp.
"Tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy hiện nay không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, cũng chưa tính đến tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn", đại biểu nhìn nhận.
Theo đó, vị đại biểu đề nghị cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định này. Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn ông cho rằng sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở buộc phải đóng cửa.
Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng triển khai vẫn chậm
Tương tự, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cũng cho biết sau khi điều chỉnh các quy chuẩn an toàn cháy nổ, nhiều công trình, cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện đã buộc phải tạm dừng hoạt động.
"Trước ý kiến này, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhưng việc triển khai vẫn chậm. Do vậy, đề nghị các bộ ngành rà soát thực hiện Công điện của Chính phủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp", đại biểu đề nghị.
Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, phá sản. Đến nay, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Hàng loạt quán karaoke phải đóng cửa nhiều tháng qua vì quy định PCCC. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Cử tri bức xúc cho rằng một số quy định phòng cháy chữa cháy không phù hợp thực tế, tiêu chuẩn quá cao. Không phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy nên rất khó khăn cho doanh nghiệp, song để khắc phục thì chi phí rất lớn", ông Hải nói.
Đại biểu cho rằng cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý PCCC theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về PCCC để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.
9 quy chuẩn và 28 tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết hiện nay có 9 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi các Bộ: Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn số 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để PCCC cho công trình và bộ phận công trình.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Phạm Thắng. |
"Theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng và các sở xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về PCCC", Bộ trưởng Xây dựng nêu rõ.
Theo bộ trưởng, các yêu cầu an toàn cháy của quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm, theo quy mô tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng. Nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của quy chuẩn 06 không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp.
"Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đòi hỏi nghiên cứu khảo nghiệm thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu", ông Nghị đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ trân trọng lắng nghe cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện quy chuẩn; xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06 nhằm đáp ứng yêu cầu về PCCC, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.