Hàng loạt quán karaoke ở Hà Nội đã đóng cửa gần nửa năm. Ảnh: Thụy Trang. |
Công an TP Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó giám đốc Công an TP Dương Đức Hải sau cuộc họp ngày 6/3. Theo đó, lãnh đạo Công an TP đánh giá việc xây dựng các mô hình an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn còn mang tính hình thức, chạy theo số lượng chỉ tiêu.
Vẫn còn tình trạng các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn lén lút hoạt động, điển hình như quận Hà Đông, 4 cơ sở karaoke có dấu hiệu này.
"Tại một số địa bàn, khi có tồn tại vi phạm thì lãnh đạo, chỉ huy 'né tránh đùn đẩy'. Cán bộ cơ sở khi giải quyết công việc thì 'nhận định đánh giá qua loa, hướng dẫn chung chung, không đầy đủ' cụ thể cho người dân rất đến tình trạng người dân bức xúc khiếu kiện vượt cấp...", Phó giám đốc Công an TP nêu rõ.
"Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp làm việc với cơ sở"
Để kịp thời chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, Phó giám đốc Công an yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quyết liệt hơn nữa trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, để chính quyền cùng vào cuộc, chỉ đạo, xử lý những nhiệm vụ mang tính liên ngành cũng như nâng cao trách nhiệm của cấp xã trong công tác quản lý về PCCC tại địa phương.
"Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, trong thời gian chờ Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn về PCCC, giao phòng PC07 khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn các cơ sở khắc phục theo từng nhóm tồn tại, nhóm cơ sở", ông Hải chỉ đạo.
Công an các quận, huyện, thị xã làm việc, kiểm tra, hướng dẫn những cơ sở đã xác nhận điều kiện bằng biên bản kiểm tra.
Nhiều quán chi tiền tỷ để sửa sang nhằm đáp ứng yêu cầu PCCC. Ảnh: Thụy Trang. |
"Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp làm việc với cơ sở, quá trình thực hiện phải đánh giá đầy đủ các tồn tại về PCCC theo đúng quy định; đồng thời hướng dẫn cụ thể cơ sở khắc phục từng nội dung tồn tại (phải thể hiện trong biên bản làm việc hoặc biên bản kiểm tra). Hoàn thành xong trước 20/3", lãnh đạo Công an TP yêu cầu.
Khi cơ sở khắc phục xong, lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, mời đại diện cơ quan chức năng phụ trách văn hóa tiến hành kiểm tra ngay và đề xuất phục hồi hoạt động cho cơ sở.
Đối với các cơ sở không thể khắc phục được, phải sử dụng nghiệp vụ công an và giải thích để chủ cơ sở hiểu rõ, tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Loạt đề xuất của Hà Nội với Thủ tướng
Ngày 7/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng báo cáo và đề xuất áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cơ sở kinh doanh karaoke.
Cụ thể, về vướng mắc trong việc thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.
UBND TP đề xuất 2 phương án với cơ sở trước đây đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và 2 phương án cơ sở trước đây không thuộc diện kiểm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Về cách thức xác nhận của cơ quan Cảnh sát PCCC sau khi cơ sở khắc phục xong các tồn tại về PCCC, Hà Nội đề xuất phương án cơ quan PCCC có văn bản kèm hồ sơ gửi đơn vị quản lý Nhà nước về PCCC để tổ chức hướng dẫn kiểm tra.
Giao Công an TP phân công các đơn vị trực thuộc tổ chức, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và xác nhận việc khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC của cơ sở bằng biên bản kiểm tra; có mời đại diện UBND cấp huyện, xã cùng tham gia.
Đối với những nội dung phải thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC thì lập hồ sơ cải tạo và tiến hành thẩm duyệt, nghiệm thu. Đối với các cơ sở đang bị tạm đình, đình chỉ hoạt động thì làm thủ tục phục hồi hoạt động theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP chỉ ra các vướng mắc khi chưa có quy định cụ thể về việc xác định "gian phòng tập trung đông người" và yêu cầu một số gian phòng phải đáp ứng vật liệu không cháy, khó cháy.
Nhiều cơ sở khác vẫn đang trong tình trạng đóng cửa, mặt trước trở thành nơi đỗ xe. Ảnh: Thụy Trang. |
Cơ quan này đề xuất vật liệu trang trí, vật liệu cách âm, cách nhiệt, vật liệu hoàn thiện, trang trí tường, trần, vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn (bao gồm cả các gian phòng có diện tích từ 50 m2 trở lên trong mọi trường hợp) bắt buộc phải đảm bảo các yêu cầu không cháy, khó cháy theo quy chuẩn.
"Toàn bộ hệ thống đường dây dẫn điện xoay chiều lắp đặt tại công trình phải được đi trong ống không cháy, khó cháy hoặc ống chịu nhiệt. Hệ thống báo cháy của công trình được kết nối liên động với hệ thống điện của dàn âm thanh tại phòng hát (áp dụng đối với các cơ sở thuộc diện phải trang bị hệ thống báo cháy tự động)", UBND TP đề xuất.
Đồng thời, công trình phải có đủ số lối thoát nạn, đồng thời tại mỗi tầng nhà phải bố trí lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, gian phòng phía trước, được trang bị căng dây ống tụt hoặc thang thẳng đứng...
Trước đó, theo ghi nhận của Zing, hàng loạt quán karaoke phải đóng cửa nhiều tháng qua do không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Nhiều chủ cơ sở "kêu cứu" vì loại hình này kinh doanh đã phải chịu ảnh hưởng suốt 2 năm dịch Covid-19, giờ phải tiếp tục đóng cửa trong thời gian dài.
Đồng thời, các chủ kinh doanh gặp khó khi cải tạo, sửa chữa cơ sở karaoke do không được hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn PCCC.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...