Nhiều cơ sở karaoke vẫn cửa đóng then cài suốt 7 tháng qua vì không được thẩm định PCCC. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dịch vụ karaoke hoạt động lành mạnh, an toàn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức sáng 7/4, Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt, Phó trưởng Công an quận 1 thừa nhận những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực karaoke trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, ông cũng mong muốn các cơ sở chia sẻ với các khó khăn của cơ quan quản lý trong quá trình thẩm định PCCC, cấp phép cho karaoke hoạt động trở lại.
Quy chuẩn không sai nhưng còn nhiều bất cập
Theo ông Nhứt, quy chuẩn đối với các cơ sở karaoke thay đổi liên tục. Tại các cơ sở, nhiều hạng mục đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động nhưng khi có quy định mới thì phải nghiệm thu lại, gây mất thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp.
“Việc có nhiều quy định cũng bắt nguồn từ thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chưa kể, một số cơ sở thiếu ý thức, kinh doanh nhiều loại hình cấm, khi có sự cố xảy ra thì thiệt hại rất nghiêm trọng”, Thượng tá Nhứt nhìn nhận.
Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, ông cũng cho rằng rất khó để các cơ sở karaoke đáp ứng đầy đủ quy chuẩn hiện nay. Thực tế, ông dẫn chứng trên địa bàn quận 1 có 10 cơ sở đăng ký hoạt động karaoke, nhưng đến nay 4 nơi đã bị đình chỉ hoạt động, 6 cơ sở còn lại thì tạm ngưng sửa chữa.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt nhìn nhận quy chuẩn về PCCC hiện còn nhiều bất cập, hệ thống karaoke gặp khó nhưng đơn vị quản lý cũng khó không kém. Ảnh: SGGP. |
Ông cho rằng các quy chuẩn không sai nhưng còn nhiều bất cập, chính cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện cũng phải cân đong đo đếm kỹ lưỡng. Với đặc thù của TP.HCM, ông kiến nghị các cấp nên nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ, nhất là khi TP đang đề xuất có những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Gò Vấp cũng nhìn nhận khi doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động sẽ mất việc, ngừng việc và phía sau đó là cả gia đình của họ. Hơn nữa, dịch vụ karaoke vừa đóng góp lớn vào ngân sách địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân.
Do đó, theo ông, cơ quan chức năng cần có lộ trình, thời gian để các cơ sở karaoke khắc phục những tồn tại hiện nay. Đặc biệt, với những đơn vị trước đây đã được thẩm định PCCC và cấp phép hoạt động, ông cho rằng chỉ nên kiểm tra và yêu cầu khắc phục một số hạng mục, tránh cảm giác quy định chồng quy định.
Mặt khác, với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khi phải chuyển đổi công năng tòa nhà từ loại hình nhà ở sang thương mại dịch vụ, ông kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn và cân nhắc thực hiện sao cho phù hợp với đặc thù của TP.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bình Thạnh đề xuất trong quá trình yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, nếu có nội dung nào không phù hợp, cơ quan quản lý cần mạnh dạn tháo gỡ, đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các bộ ngành điều chỉnh.
Lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho karaoke
Cũng tại tọa đàm, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 một lần nữa khẳng định đặc thù các cơ sở karaoke chứa nhiều vật liệu, thiết bị dễ gây cháy nổ, do đó đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn PCCC mới được hoạt động.
Theo ông, hiện TP vẫn có 53 cơ sở karaoke đủ điều kiện an toàn hoạt động, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ và ở ngoại thành. Những cơ sở đã sửa chữa nhưng chưa được hoạt động trở lại là do chưa tuân thủ quy định về thẩm duyệt thiết kế, hoặc có trường hợp thiết kế không đạt yêu cầu.
"Ngoài ra, do yêu cầu quy chuẩn cao nên thực hiện theo quy định hiện nay rất khó. Chưa kể khi thay đổi, cải tạo phải thẩm định lại, công trình đã hoạt động nhưng có thay đổi nhỏ cũng vẫn phải nghiệm thu lại, rất mất thời gian", ông Tâm nói.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhìn nhận do yêu cầu quy chuẩn PCCC cao nên thực hiện theo quy định hiện nay rất khó. Ảnh: SGGP. |
Dù vậy, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp karaoke và đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ. Trong đó, Phòng PC07 đã tổ chức toạ đàm, mời các doanh nghiệp. Giám đốc Công an TP.HCM cũng chỉ đạo thành lập các tổ gồm chỉ huy công an quận, huyện xuống trực tiếp từng cơ sở để phân loại, hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở thực hiện theo quy định.
"Trước mắt PC07 thành lập tổ đặc biệt, sẽ mời các cơ sở karaoke thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC để hướng dẫn chi tiết và cụ thể", ông cho hay.
Đối với những khó khăn, vướng mắc về tiêu chuẩn quy định, Công an TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị C07 Bộ Công an áp dụng việc thẩm duyệt lại các cơ sở, với tiêu chí cơ sở đưa vào hoạt động ở thời điểm nào thì áp dụng quy định ở thời điểm đó. Đối với cơ sở thay đổi nhỏ, đã được thiết kế nghiệm thu rồi thì không phải thẩm duyệt lại.
Công an TP.HCM cũng đang tham mưu để tổng hợp các khó khăn vướng mắc để Công an TP.HCM tham mưu Chủ tịch UBND TP kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các bộ ngành chức năng.
Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện chỉ đạo các bộ ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay, đồng thời cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC.
Thủ tướng yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát, từ đó chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC. Những việc này cần hoàn thành trước 30/4.
Đồng thời, lãnh đạo các địa phương xác định vai trò, trách nhiệm và có giải pháp cụ thể, chi tiết để xử lý dứt điểm những vi phạm và khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Các địa phương tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về PCCC ngoài thẩm quyền để kiến nghị Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.