Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo được Chính phủ ban hành có nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Theo đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thực hiện quy định trên, Bộ TTTT công bố danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật (cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng…) để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo lưu ý không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử này.
48 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nguồn: Bộ TTTT. |
Đáng chú ý, bên cạnh các website liên quan đến cờ bạc, cá độ còn có nhiều website phát sóng trái phép, vi phạm bản quyền các chương trình thể thao, đặc biệt là bóng đá, như xoilac3.com; 91phutz.tv; vebo2.tv… Những website này thường xuyên được người dùng tìm đến thay vì sử dụng các dịch vụ xem nội dung được cấp bản quyền chính thức.
Trước bối cảnh vài tháng nữa World Cup 2022 sẽ khởi tranh, tình trạng các website vi phạm bản quyền kết hợp quảng cáo cá độ có thể khiến những đơn vị mua bản quyền phát sóng giải đấu chịu thiệt hại khi thu không đủ chi.
Để sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022, Việt Nam dự kiến phải trả công ty Infront Sports & Media (ISM) 15 triệu USD, tương đương 350 tỷ đồng. Con số này cao hơn gần 30% so với bản quyền World Cup 2018.