Bắt đầu từ ngày 1/10, ứng dụng gọi xe công nghệ be của Be Group chính thức thay đổi logo. Theo thông báo, việc thay đổi bộ nhận diện của thương hiệu sẽ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển dịch từ ứng dụng gọi xe thông thường sang nền tảng công nghệ đa dịch vụ.
Trên thực tế, việc các hãng xe công nghệ thay đổi bộ nhận diện thương hiệu diễn ra tương đối phổ biến và thường gắn với sự kiện, dấu mốc của công ty. Không chỉ be, một số đối thủ lớn trên thị trường gọi xe công nghệ như Grab hay Gojek cũng từng trải qua các đợt “thay áo”.
Đổi tên để lột xác
Ngày 28/1/2016, ứng dụng đặt xe GrabTaxi thay đổi bộ nhận diện thương hiệu thành Grab. Kể từ thời điểm ra mắt vào năm 2012 đến ngày đổi tên, Grab nhanh chóng phát triển thành công ty dịch vụ vận tải lớn nhất Đông Nam Á với mạng lưới 200.000 đối tác tài xế. Ứng dụng cũng ghi nhận hơn 11 triệu lượt tải về và cài đặt trên điện thoại di động.
Grab bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam từ tháng 2/2014 với dịch vụ ban đầu đơn thuần là kết nối với các hãng taxi. Tháng 10, nền tảng tiếp tục cho ra mắt dịch vụ xe 2 bánh GrabBike.
Dẫu vậy, phải đến mãi năm 2015, Grab và đối thủ lúc bấy giờ là Uber mới có thể triển khai dịch vụ xe hợp đồng 4 bánh riêng nhờ hành lang pháp lý từ Đề án 24. Đây cũng là khoảng thời gian đánh dấu sự bùng nổ cuộc đua thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Logo, tên gọi cũ và mới của Grab. Ảnh: New York Times. |
Đến nay, Grab đã mở rộng sang nhiều dịch vụ khác như giao hàng (GrabExpress), giao đồ ăn (GrabFood), đi chợ hộ (GrabMart) bên cạnh 2 dịch vụ truyền thống là GrabBike và GrabCar. Theo cập nhật gần nhất, ứng dụng đang sở hữu hơn 200.000 đối tác tài xế, hoạt động trên khắp 46 tỉnh/thành phố lớn trong nước.
Suốt giai đoạn hoạt động tại Việt Nam, Grab trải qua 3 lần thay tướng, lần lượt là ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Jerry Lim và bà Nguyễn Thái Hải Vân. Sau khi bà Vân rời khỏi vị trí giám đốc điều hành vào cuối tháng 4, chức vụ này nay do bà Lý Thụy Bích Huyền đảm nhiệm.
Trong 3 cựu lãnh đạo Grab Việt Nam chỉ có ông Jerry Lim vẫn làm việc tại công ty. Mặt khác, ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Hải Vân đều đã rời khỏi Grab.
Một ông lớn khác trong ngành gọi xe công nghệ cũng trải qua quá trình thay đổi tên gọi là Gojek. Trước khi thống nhất bộ nhận diện thương hiệu với công ty mẹ vào giữa năm 2020, Gojek từng hoạt động ở Việt Nam dưới cái tên GoViet.
GoViet gia nhập cuộc đua xe công nghệ Việt Nam vào tháng 9/2018, chỉ vài tháng sau khi Uber rời khỏi Việt Nam và bị Grab thâu tóm hoạt động tại Đông Nam Á.
Những chiếc áo đỏ nhanh chóng biến mất trên phố sau khi GoViet đổi tên thành Gojek. Ảnh: Gojek. |
Giai đoạn khởi sự, GoViet cung cấp 3 dịch vụ chính gồm GoBike (xe 2 bánh), GoFood (giao đồ ăn) và GoSend (giao hàng) tại Hà Nội và TP.HCM. Tính đến khi thay đổi tên thương hiệu, hãng tuyên bố sở hữu khoàng 150.000 tài xế, liên kết với 80.000 nhà hàng.
Hậu đổi tên, quy mô tài xế của Gojek Việt Nam đã tăng lên 200.000 người. Ứng dụng nay cũng bổ sung thêm dịch vụ đặt xe 4 bánh GoCar từ cuối năm 2021.
Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế GoViet được chuyển từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng.
Gojek đồng thời công bố ông Phùng Tuấn Đức đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Gojek Việt Nam. Ông Đức là đồng sáng lập, trước đó giữ chức giám đốc vận hành của GoViet.
Hai CEO trước ông Tuấn Đức là ông Nguyễn Vũ Đức và cựu Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang.
Đánh dấu quá trình thâu tóm
Kể từ ngày 18/8/2021, ứng dụng giao hàng Now quyết định đổi thương hiệu thành ShopeeFood. Không chỉ tên, đồng phục của các shipper cũng chuyển từ gam đỏ, xanh dương sang màu cam của hệ sinh thái Shopee.
Now (trước đây là Delivery Now) là dịch vụ giao hàng trực tuyến được Công ty Cổ phần Foody ra mắt từ năm 2016. Đây là một trong những ứng dụng giao hàng sớm xuất hiện tương đối sớm ở Việt Nam, tập trung chủ yếu ở mảng giao đồ ăn.
Theo số liệu của Foody thời điểm tháng 7/2017, Now có gần 10.000 đơn hàng/ngày. Ứng dụng sau đó tiếp tục mở rộng sang các mảng giao thực phẩm, rượu bia, hàng tiêu dùng nhanh, thuốc…
Now đổi tên và tích hợp vào hệ sinh thái Shopee từ tháng 8/2021. Ảnh: Thanh Thương/ShopeeFood. |
Dù có mạng lưới hệ thống đối tác nhà hàng, quán ăn lớn, Now vẫn tiếp tục tung chiến dịch khuyến mại dành cho khách hàng để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành hiện nay như GrabFood, Baemin, GoFood…
Foody - chủ sở hữu ứng dụng Now - được thành lập vào tháng 6/2012 bởi ông Đặng Hoàng Minh (sinh năm 1984, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện trên phương diện pháp luật).
Tháng 9/2017, nguồn tin từ DealStreetAsia tiết lộ thương vụ thâu tóm 82% cổ phần Foody trị giá 64 triệu USD của Tập đoàn Sea (công ty mẹ của Shopee). Dẫu vậy, hồ sơ năm 2018 của Foody cho thấy Sea sở hữu 99% doanh nghiệp này thay vì con số được tiết lộ trước đó.
Sea từng là nhà đầu tư cho Foody trong giai đoạn gọi vốn series B hồi năm 2015. Tài liệu của Sea cũng cho biết việc mua lại cổ phần của Foody sẽ giúp củng cố hệ sinh thái cho AirPay, dịch vụ thanh toán trực tuyến của Sea. Tháng 6, ví điện tử AirPay chính thức đổi tên thành ví ShopeePay.
Tuy nhiên, do tình trạng kinh doanh thiếu hiệu quả dưới bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, Shopee đang tiến hành cơ cấu lại nhân sự tại một loạt thị trường, bao gồm cả Việt Nam. Mảng thương mại điện tử của Sea cũng rút khỏi một số thị trường khác ở châu Âu và Mỹ Latinh.
Theo nguồn tin của Zing, hầu hết nhân sự Shopee nhận được thông báo ngừng hợp tác làm việc hoạt động trong mảng giao đồ ăn, tức ShopeeFood, và thanh toán điện tử, tức ShopeePay.
Ngoài các ông lớn trên, một ứng dụng gọi xe công nghệ khác là Ahamove đầu năm 2022 cũng thay đổi diện mạo logo, hay startup giao hàng của Việt Nam có tên Săn Ship đổi thương hiệu thành HeyU.