Theo SCMP, Douyin - phiên bản TikTok tại thị trường Trung Quốc - đang nỗ lực đẩy mạnh doanh thu thông qua hoạt động bán hàng trực tuyến và các dịch vụ nội địa hóa như đặt đồ ăn. Với những tính năng mới, Douyin dự kiến trở thành đối thủ cạnh tranh với các đối thủ quen mặt như Alibaba hay Meituan.
Ngoài việc tạo doanh thu từ quảng cáo, sự phát triển của Douyin trong lĩnh vực livestream thương mại điện tử hay những khía cạnh khác có thể phản ánh mô hình kinh doanh mà TikTok hướng tới ở thị trường nước ngoài sau này.
Cả Douyin lẫn TikTok đều có chung thuật toán gốc và thuộc sở hữu của ByteDance, có trụ sở ở Bắc Kinh. Mỗi ngày ở Trung Quốc, Douyin chứng kiến khoảng 600 triệu người dùng hoạt động.
Mới đây, nền tảng thương mại xã hội tổ chức sự kiện 921 Goodies Festival nhằm cạnh tranh với Ngày độc thân của Alibaba vào tháng 11 và lễ hội 618 của JD.com vào tháng 6.
Douyin có khoảng 600 triệu người dùng mỗi ngày ở Trung Quốc. Ảnh: KrAsia. |
Theo đó, từ ngày 9/9 đến 21/9, Douyin phát cho người dùng hàng triệu mã giảm giá và phiếu mua hàng để thúc đẩy thói quen chi tiêu trên nền tảng. ByteDance cũng tham vọng biến Douyin thành ông lớn thương mại điện tử sau khi hợp tác với hàng loạt đơn vị chuyển phát nhanh của Trung Quốc như JD Logistics, SF Express và ZTO Express.
Ngoài mua sắm trực tuyến, Douyin còn đẩy mạnh sự hiện diện trong các dịch vụ phong cách sống như giao thực phẩm và hàng tạp hóa, lĩnh vực vốn do Meituan thống trị.
Tháng trước, tập đoàn quyết định hợp tác với nền tảng giao đồ ăn Ele.me của Alibaba để người dùng có thể đặt đồ ăn ngay trong các buổi phát trực tiếp của nhà hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng.
Tháng 7, Douyin cũng thử nghiệm giao thực phẩm ở một số thành phố, bao gồm cả một số thành phố bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bên cạnh phục vụ cho cá nhân, nền tảng cũng hướng tới dịch vụ giao hàng theo nhóm dành cho các doanh nghiệp.
Nửa đầu năm nay, tổng giá trị hàng hóa (GMV) từ hoạt động kinh doanh trực tuyến lẫn ngoại tuyến của Douyin, bao gồm đặt đồ ăn và khách sạn, tăng hơn 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện ứng dụng hoạt động tại hơn 370 thành phố của Trung Quốc tính đến cuối tháng 8, đồng thời liên kết với khoảng 1 triệu doanh nghiệp truyền thống.
ByteDance gần đây được định giá 300 tỷ USD và trở thành kỳ lân giá trị nhất Trung Quốc. Tập đoàn đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn doanh thu khi tốc độ tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.
Mặt khác, kế hoạch IPO của doanh nghiệp vẫn còn trong trạng thái lấp lửng. Tháng trước, Giám đốc tài chính Julie Gao khẳng định công ty không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu.
Năm 2021, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh thu về 58 tỷ USD, tăng 70% so với một năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng lần đầu tiên sụt giảm so với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm là 111% vào năm 2020.