Báo Times of London nghi các em bị các đường dây buôn người đưa vào Anh nhờ thị thực sinh viên do các trường tư bảo trợ. Các em đa phần là nữ, có em chỉ 15 tuổi, và sau khi biến mất sẽ đứng trước nhiều nguy cơ bị bóc lột ở các tiệm làm móng, trại trồng cần sa và nhà chứa.
Cuộc điều tra của tờ báo này phát hiện ít nhất 21 trẻ em Việt Nam biến mất như vậy trong vòng bốn năm nay. Điều này làm dấy lên lo ngại những đường dây buôn người đang lợi dụng visa học sinh để đưa trẻ em vào Anh. Trong đó, một em gái 16 tuổi đã mất tích ba năm nay.
Phát hiện này được công bố giữa lúc dư luận vẫn đang dõi theo các diễn biến mới trong vụ 39 người di cư tử nạn trên xe tải đông lạnh ở Essex, Anh ngày 23/10. Cảnh sát Essex ngày 1/11 nói họ tin rằng những nạn nhân trong vụ này là người Việt Nam.
Tổ chức chống buôn người ECPAT UK cho biết số trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của buôn người đã tăng từ 135 năm 2012 lên 704 vào năm ngoái.
Một loạt vụ mất tích của các học sinh Việt Nam ở Anh bị nghi là có bàn tay của đường dây buôn người. Ảnh: Times of London. |
8 trẻ Việt Nam mất tích từ trường Chelsea Independent College ở phía tây London, nơi có mức học phí 25.000 bảng/năm. Một cựu nhân viên trường cho biết một em đã bỏ trốn qua lối thoát hiểm vào một buổi tối. Vụ việc đã khiến cả trường hoang mang, theo Times of London.
Một em gái 15 tuổi Việt Nam bắt đầu học Abbey College ở Worcestershire tháng 9/2017, nhưng sau kỳ nghỉ Giáng sinh thì không quay lại. Em gái từ tỉnh Quảng Ninh này được tìm thấy một năm sau, ở một tiệm làm móng ở Yorkshire.
Ba em gái Việt Nam mất tích không lâu sau khi bắt đầu năm học ở DLD College, London, bao gồm một em 15 tuổi.
Bốn em khác người Việt Nam mất tích từ năm 2016 ở trường Cambridge Tutors College (CTC) ở Croydon, nam London, bao gồm một em 16 tuổi, bỏ trốn khỏi gia đình Anh mà em được sắp xếp ở cùng (homestay).
Ba học sinh Việt Nam khác, theo học dự bị đại học và học tiếng, đã mất tích khỏi các trường thuộc nhóm trường Bellerbys ở London và Brighton. “Đó là lỗ hổng. Có ai đó đã nhận ra đây là cách đưa các em gái Việt Nam sang Anh”, một cựu giáo viên của trường nói.
Hai sinh viên khác người Việt Nam cũng trốn khỏi trường Brooke House College ở Leicestershire.
Pat Saini, luật sư di trú từ công ty Penningtons Manches Cooper, từng được nhiều trường tham vấn, nói về những vụ biến mất này: “Có nhiều người của các trường đi khắp nơi tìm kiếm các em. Họ phải nhờ tới cảnh sát. Phụ huynh thì lo ngại, (tự hỏi) chuyện gì xảy ra với các em 15 tuổi”.
Một hiệp hội các trường nội trú Anh viết cho các thành viên vào năm 2017 và cảnh báo các trường hãy “cẩn trọng” khi tuyển học sinh Việt Nam.
Các trường có tên trong điều tra của Times of London đều theo đúng quy trình, báo cáo hiện tượng học sinh mất tích cho cảnh sát và Bộ Nội vụ. Tất cả các em đến Anh qua visa Tier 4, loại visa do các trường bảo trợ và không đòi hỏi trình độ tiếng Anh.
Các em đều ở nội trú hoặc ở với gia đình người Anh (host family), và trả 5.000-10.000 bảng (6.500-13.000 USD) rồi biến mất trong vòng vài tuần.
Con số 21 em mất tích là con số đáng kể nếu so với số lượng các em học sinh Việt Nam được nhận visa Tier 4. Năm 2017, có 220 học sinh Việt Nam được nhận visa này.
“Đây thực sự là phát hiện gây sốc”, Yvette Cooper, quan chức Bộ Nội vụ Anh nói với Times of London. “Học sinh vượt nghìn dặm để sang đây học nhưng lại bị rơi vào cảnh nô lệ ở Anh là điều không thể tưởng tượng nổi”. Bà nói các trường cần phải có trách nhiệm với việc tuyển sinh của mình.