Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hàng không Việt Nam và năm 2020 đầy sóng gió

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến 2020 trở thành năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng Việt Nam với những khoản lỗ kỷ lục của các hãng bay.

hang khong viet nam lo vi covid anh 1

Trong nhiều năm liền, hàng không Việt luôn tăng trưởng ở mức 2 con số và Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng hấp dẫn nhất thế giới.

Các chỉ số của ngành như lượng khách, số máy bay, số chuyến bay, doanh thu và lợi nhuận của các hãng hàng không đều chỉ ghi nhận tăng trong 6 năm trở lại đây. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành và đẩy hàng không Việt vào khủng hoảng.

"Khủng hoảng" cũng là từ mà lãnh đạo Vietnam Airlines dùng để miêu tả về ảnh hưởng mà Covid-19 gây ra cho hãng hàng không quốc gia. Sau nhiều năm kinh doanh hiệu quả và ghi nhận lợi nhuận ổn định, dịch bệnh đã đốt sạch tích lũy nhiều năm của doanh nghiệp.

Tại đại hội cổ đông bất thường sáng 29/12, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay đến cuối tháng 12, doanh thu hợp nhất của hãng ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt doanh thu gần 33.000 tỷ. Trong đó, số lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng.

hang khong viet nam lo vi covid anh 2

Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến 2020 trở thành năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng Việt Nam với những khoản lỗ kỷ lục của các hãng bay. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhiều năm tích lũy bị quét sạch

Để hình dung, khoản lỗ này còn lớn hơn lợi nhuận lũy kế của hãng hàng không quốc gia từ năm 2011 tới nay. Tám năm kinh doanh tích lũy của hãng bị quét sạch trong năm 2020 vì dịch bệnh.

Với Vietjet Air, tính từ đầu năm, hãng hàng không giá rẻ này ghi nhận số dư tiền mặt giảm từ 6.000 tỷ đồng xuống 2.500 tỷ vào cuối quý II và giảm tiếp xuống 2.300 tỷ đồng đến cuối quý III. Điều này có nghĩa hãng đã chi 200 tỷ từ số dư tiền mặt trong quý III và 3.700 tỷ sau 9 tháng từ đầu năm cho hoạt động kinh doanh.

Theo đánh giá từ các chuyên gia của SSI Research, tốc độ chi tiền mặt của Vietjet đã chậm lại trong quý III nhờ một số khoản đóng góp từ các hoạt động không cốt lõi như bán tài sản (1.300 tỷ trong 9 tháng). Nếu không có khoản thu nhập này, tỷ lệ chi tiền mặt của hãng sẽ cao hơn nhiều.

Cũng trong quý III, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietjet ghi nhận số âm 1.200 tỷ đồng. Mức này rất đáng báo động khi cân đối với lượng dự trữ tiền mặt 2.300 tỷ của công ty.

Sau 9 tháng từ đầu năm, hãng hàng không này mới ghi nhận 13.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Hãng ghi nhận khoản lỗ trước thuế 2.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu 2020 (cùng kỳ lãi 4.100 tỷ đồng).

hang khong viet nam lo vi covid anh 3

Thời điểm khó khăn nhất, hơn 90% lượng phản lực thương mại của các hãng hàng không Việt Nam phải nằm sân, bọc động cơ để bảo quản. Ảnh: Khánh Huyền.

Thậm chí, khoản lỗ nói trên có được là nhờ được bù đắp một phần bởi khoản thu nhập bất thường 1.800 tỷ đồng, bắt nguồn từ việc bán tài sản và nhận bồi thường từ Airbus do giao máy bay muộn. Nếu loại trừ khoản thu nhập này, lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air sẽ âm tới 4.400 tỷ đồng sau 9 tháng từ đầu năm.

Bamboo Airways cũng không tránh khỏi thiệt hại vì Covid-19 khi chịu ảnh hưởng của dịch ngay trong năm thứ 2 cất cánh. FLC, công ty mẹ của hãng bay Bamboo Airways, ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế trong 6 tháng đầu 2020. Khoản lãi từ hoạt động chính trong quý III chỉ giúp FLC giảm lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng còn 2.213 tỷ đồng.

Bên cạnh đó trên báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.857 tỷ đồng cho các khoản đầu tư, tăng 4,2 lần so với đầu năm. Trong đó, khoản góp vốn vào Bamboo Airways được FLC trích lập dự phòng nhiều nhất, ở mức 1.145 tỷ đồng.

Những ngày bầu trời không có máy bay

Khó khăn của các hãng bay còn thể hiện qua lượng chuyến bay thực hiện, sản lượng khách và hàng hóa của các hãng bay. So với năm 2019, tổng lượt hành khách của các hãng hàng không Việt chỉ đạt 66 triệu lượt, giảm 43,5%.

Tổng lượng chuyến bay mà các hãng hàng không Việt Nam thực hiện trong năm 2020 tính đến cuối tháng 11 cũng chỉ ở mức 196.600 chuyến bay, giảm 36,1% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa của các hãng đạt tổng 1,3 triệu tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ dù các hãng đã có nhiều phương án cấu hình lại máy bay để chuyển từ chở khách sang chở hàng.

Đỉnh điểm của khủng hoảng là thời điểm tháng 4 khi theo số liệu của Cục Hàng không, trong giai đoạn 19/3-18/4, tổng cộng 5 hãng chỉ khai thác chưa tới 5.000 chuyến bay. Đây là con số thấp kỷ lục của ngành hàng không Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. So với giai đoạn tháng 3, số lượng chuyến bay của hàng không Việt đã giảm hơn 4 lần, từ mức gần 21.000 chuyến.

Riêng đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội, trong giai đoạn 16/4 -22/4, các hãng chỉ khai thác tổng cộng 14 chuyến, đồng nghĩa mỗi ngày chỉ có khoảng 2 chuyến bay trên đường bay nhộn nhịp nhất Việt Nam và nằm trong top những đường bay nhộn nhịp nhất thế giới. Không thể khai thác quốc tế và thị trường nội địa bất ổn mỗi khi dịch tái bùng phát, đội bay của các hãng chỉ có thể "nằm sân".

Thời điểm đỉnh dịch, Vietnam Airlines chia sẻ 100 trong tổng số 106 máy bay của hãng nằm sân không thể khai thác vì dịch bệnh. Theo Planespotter, có thời điểm Bamboo Airways chỉ còn 2 trong số 12 chiếc vận hành, số còn lại buộc phải nằm sân.

hang khong viet nam lo vi covid anh 4

Trong năm 2020 đầy khó khăn, tân binh Vietravel Airlines chính thức cất cánh. Ảnh: Chí Hùng.

Theo tính toán của Zing, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu về khoảng hơn 12 tỷ đồng/tháng từ việc cho thuê chỗ đỗ máy bay tại các sân bay của doanh nghiệp. Đây là con số chưa tính giảm giá đậu đỗ tại sân bay căn cứ.

Nếu một nửa số máy bay này được đậu đỗ tại các sân bay căn cứ của hãng, ACV vẫn sẽ thu khoảng 10 tỷ đồng/tháng từ hoạt động cho thuê chỗ đỗ. Con số này cho thấy một phần bức tranh chi phí của các hãng bay khi máy bay không thể khai thác.

Chi phí đậu đỗ máy bay chỉ là phần nhỏ khi máy bay nằm sân, trong khi phần lớn nằm ở chi phí thuê, thuê mua (sale and leaseback), chi phí bảo trì và "rã đông" máy bay khi muốn khai thác trở lại.

Chen chúc trong thị trường nội địa

Không thể khai thác quốc tế đồng nghĩa 5 hãng bay Việt phải "ăn chung" chiếc bánh thị trường hàng không nội địa. Việc các hãng đổ tải, tăng chuyến mạnh tại thị trường nội địa khi máy bay không thể khai thác quốc tế đã khiến giá vé giảm sâu, liên tục ở mức sàn.

Suốt giai đoạn những tháng cuối năm, giá vé khứ hồi trên đường bay TP.HCM - Hà Nội chỉ ở mức hơn 900.000 đồng - 1,3 triệu đồng, đã bao gồm thuế phí. Các hãng bay còn sẵn sàng tặng miễn phí thêm hành lý ký gửi hay nhiều dịch vụ gia tăng khác để cạnh tranh dòng tiền từ khách nội địa.

Giá vé rẻ, nhận thêm lợi ích là điều mà hành khách mong muốn, tuy nhiên đây lại là nước đi làm khó lẫn nhau của các hãng hàng không. Hồi tháng 6, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã hồi phục 120% số lượng chuyến bay nội địa so với cùng kỳ 2019.

Bên cạnh mở lại các đường bay tạm dừng khai thác do giãn cách xã hội, Vietnam Airlines cũng đã mở thêm nhiều đường bay nội địa mới, kết nối các sân bay địa phương với nhau.

Tuy nhiên vị này cũng nhận định dù số chuyến bay tăng ấn tượng, doanh thu mà doanh nghiệp ghi nhận lại chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019 do cạnh tranh khốc liệt về giá vé. Sau dịch Covid-19, giá vé máy bay nội địa đang ở mức đáy khi các hãng hàng không đều giảm mạnh giá để kích cầu du lịch nội địa.

Năm 2021 dự kiến sẽ còn tiếp tục khó khăn với hàng không Việt khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thị trường hàng không thế giới tiếp tục đóng cửa. Tuy nhiên, năm 2020 vẫn sẽ đi vào lịch sử của hàng không Việt Nam khi toàn ngành đối mặt với khủng hoảng chưa từng có mà nhiều chuyên gia nhận định "như mũi dao đâm vào tim của ngành".

Gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng

Với khó khăn của các hãng bay hiện hữu, các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cũng đã xuất hiện. Vietnam Airlines sau khi đề xuất đã được Quốc hội phê duyệt gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, bao gồm 8.000 tỷ đồng tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu với cổ đông hiện hữu và 4.000 tỷ đồng bay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng.

Gói cứu trợ cho Vietnam Airlines mở ra hi vọng cho các hãng bay tư nhân khác được tiếp cận hỗ trợ tài chính thông qua hình thức vay ưu đãi. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án để hỗ trợ hàng không vực dậy sau dịch, tranh thủ cơ hội khi trật tự hàng không khu vực đang biến động mạnh.

"Tay chơi" mới

Cũng trong năm khó khăn nhất của hàng không Việt, ngành bất ngờ đón thêm người chơi mới là Vietravel Airlines, hãng bay hybrid của Vietravel. Hãng đã có chuyến bay charter (bán chuyến) đầu tiên vào cuối tháng 12 và dự kiến chính thức bán vé thương mại vào đầu tháng 1 với khởi điểm 3 chiếc máy bay thân hẹp A321ceo, thực hiện 40 đường bay nối 8 điểm đến nội địa.

Về đường bay mới, có thể kể đến việc lần đầu tiên sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) đã đón máy bay phản lực khu vực do Bamboo Airways khai thác, mở đường bay thẳng nối Côn Đảo và nhiều điểm đến phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng hay Vinh.

'Nếu Vietravel Airlines thất bại, mấy chục năm xây dựng coi như bỏ'

Chủ tịch Vietravel Airlines, Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định ông cùng đội ngũ đã rất nỗ lực và tâm huyết để ra được một hãng bay mang đậm những trải nghiệm văn hóa.

Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm