Trong báo cáo tài chính quý I của công ty CP Tập đoàn FLC, hãng bay thành viên của doanh nghiệp là Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ khoảng 692 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Mức lỗ cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 lên ngành hàng không chở khách tại Việt Nam.
Một hãng bay khác cũng ghi nhận lỗ là Vietravel Airlines. Tính theo khoản chia lỗ trên báo cáo tài chính quý I của Vietravel, hãng bay thành viên của doanh nghiệp lỗ khoảng 137 tỷ đồng trong quý.
Hãng bay Việt duy nhất có lãi trong quý I là Vietjet Air với lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ. Tuy nhiên phần lãi này chủ yếu đến từ doanh thu tài chính của doanh nghiệp, nếu tính riêng hoạt động vận chuyển hành khách, hãng ghi nhận khoản lỗ gộp 256,8 tỷ đồng.
Chở hàng sống khỏe, chở khách vẫn khó | ||||||||||
Lợi nhuận trước thuế của nhóm các doanh nghiệp ngành hàng không Việt quý I | ||||||||||
Nhãn | Vietjet Air | Bamboo Airways | Vietravel Airlines | ACV | Sasco | ASG | Masco | Noibai Cargo | Saigon Cargo | |
Lợi nhuận trước thuế | 249 | -692 | -137 | 1088 | 2 | 25 | -2 | 75 | 36 |
Lượng khách qua các sân bay thấp cũng khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không gặp khó dù có ghi nhận phục hồi. Dẫn đầu về kết quả kinh doanh của nhóm này là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 2% lên 1.088 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp cùng ngành là công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) và công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 85% và 14% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác như Taseco Airs (AST), công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco) hay Nội Bài Catering vẫn ghi nhận lỗ lần lượt 24 tỷ đồng, 2 tỷ đồng và 6 tỷ đồng trong quý I, mức lỗ của các doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Trái ngược với hàng không chở khách và dịch vụ hàng không, nhóm doanh nghiệp logistic hàng không vẫn đang "sống khỏe" trong dịch khi công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) và công ty CP Tập đoàn ASG đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế lần lượt là 75 tỷ đồng, 202 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.
Xu hướng giá vé máy bay giảm mạnh sát cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 sau khi đạt đỉnh trước đó khoảng 2 tuần cho thấy nhu cầu di chuyển hàng không của khách bay Việt đã phục hồi mạnh mẽ trở lại, tuy nhiên chưa thể về mức như trước dịch Covid-19. Bên cạnh đó các hãng hàng không cũng đối mặt với việc giá nhiên liệu lên cao do căng thẳng tại Ukraine, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí vận hành.