Bình luận
Sáng 12/6, hãng We Globe thống kê tuyển Việt Nam có 99% khả năng vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Nếu thua UAE, các học trò của HLV Park Hang Seo vẫn có lợi thế lớn trong cuộc đua với nhóm các đội nhì bảng. Nếu một trong 4 đội Jordan, Trung Quốc, Iran và Uzbekistan có kết quả không tốt ở lượt cuối, tuyển Việt Nam nghiễm nhiên vượt vòng loại thứ 2.
Tuy nhiên, tuyển Việt Nam không muốn rơi vào tình cảnh hồi hộp chờ đợi như vòng bảng Asian Cup 2019. Không thua UAE, toàn đội sẽ hiên ngang đi tiếp với ngôi đầu bảng. Để có ít nhất một điểm, nhiệm vụ tiên quyết của Quế Ngọc Hải cùng đồng đội là phải khống chế hàng tấn công rất mạnh của UAE.
Sức mạnh đáng gờm
Hàng tấn công UAE từng bị đặt dấu hỏi sau 4 trận đầu tiên. Đội bóng của HLV Bert van Marwijk ghi 8 bàn, nhiều nhất bảng G, nhưng 5 trong số này trút vào lưới đội cuối bảng Indonesia. 3 trận gặp Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, UAE ghi 3 bàn, đều được thực hiện bởi Ali Mabkhout.
Số lượng bàn thắng khiêm tốn ở trận gặp các đối thủ trực tiếp khiến UAE rơi xuống vị trí áp chót. Tháng 12/2019, HLV Van Marwijk bị sa thải. Lần lượt Ivan Jovanovic và Jorge Luis Pinto được bổ nhiệm, nhưng thành tích không khả quan. Trước khi giải đấu tái khởi động, HLV Van Marwijk tái xuất.
Lima (vòng tròn đỏ) cầm bóng xâm nhập vòng cấm, Ali Mabkhout (vòng tròn xanh) lập tức giật lùi để đón lõng ở tuyến 2, còn Caio di chuyển về phía cột xa. Khả năng di chuyển linh hoạt của tiền đạo giúp UAE có nhiều giải pháp tấn công. |
Tuy nhiên, lần trở lại của Van Marwijk đi kèm chiến lược rõ ràng: UAE phải nhập tịch. Dàn “công thần” như Omar Abdulrahman, Ali Saleh bị loại bỏ. Số lượng tiền vệ bản địa co lại, nhường chỗ cho 2 ngôi sao tấn công Fabio Lima và Caio trên hàng tiền đạo.
UAE từ bỏ sơ đồ 4-5-1 kiểu giăng ngang để chơi 4-2-3-1, với 3 tiền vệ tấn công hỗ trợ cho trung phong Ali Mabkhout. Khi dồn ép đối thủ, UAE chuyển sang sơ đồ 4-3-3. Bộ đôi Lima - Caio được đẩy lên đá như tiền đạo cánh.
Cải tổ của Van Marwijk phát huy tác dụng. Nếu 4 trận đầu vòng loại, UAE thường kiểm soát thế trận nhờ tuyến tiền vệ đông đảo, rồi chờ đợi ở khả năng săn bàn của Ali Mabkhout, cầu thủ ghi 75% tổng số bàn của đội bóng Tây Á, thì ở giai đoạn sau, Ali Mabkhout có đồng đội đủ đẳng cấp để phối hợp và chia lửa.
Trong trận trận gặp Malaysia, mũi đinh ba của UAE cho thấy sự lợi hại khi Ali Mabkhout thường lùi xuống, di chuyển linh hoạt giữa 2 tuyến tiền vệ và hậu vệ Malaysia nhằm lôi kéo sự chú ý của trung vệ đối thủ. Caio và Lima được giao nhiệm vụ tấn công vào khoảng trống, dùng tốc độ, kỹ thuật để loại bỏ các trung vệ chậm chạp của đối thủ.
Bàn nâng tỷ số lên 2-0 của UAE xuất phát từ pha đột phá của Lima, nhưng nếu chân sút gốc Brazil không thực hiện cú cứa lòng vào góc cao, anh cũng có nhiều lựa chọn chuyền bóng khi trung vệ UAE chiếm lĩnh cột gần, Caio chờ đợi ở cột xa, còn Ali Mabkhout chờ đợi ở tuyến 2, tất cả đều ở vị trí thuận lợi để tung cú dứt điểm.
Khi tiền đạo số 9 cầm bóng, các mũi tấn công UAE lập tức di chuyển vào khoảng trống giữa 2 lớp phòng ngự Thái Lan, khiến trung vệ và tiền vệ bối rối trong khâu kèm người. Lima đã di chuyển cắt mặt hậu vệ Thái Lan để đánh đầu ghi bàn ở tình huống này. |
Mấu chốt trong sự chuyển đổi từ 4-5-1 cổ điển sang 4-3-3 của HLV Van Marwijk nằm ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, với Caio, Lima và Ali Mabkhout, UAE luôn tạo được quân số áp đảo ở các pha tấn công trực diện. Khi Lima và Caio chưa được nhập tịch để lên tuyển, UAE thường sử dụng những quả tạt biên hoặc chọc khe để Ali Mabkhout thoát ra sau lưng trung vệ đối phương ghi bàn. Lối đá này có thể đánh gục những hàng thủ yếu ở khâu tổ chức như của Malaysia hay Indonesia, nhưng gặp các đội bóng có cấu trúc phòng ngự tốt như Việt Nam hay Thái Lan, UAE nhanh chóng bị vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của bộ đôi gốc Brazil giúp HLV Van Marwijk giải quyết triệt để vấn đề. Caio và Lima di chuyển khôn ngoan ở khu vực hành lang trong (không gian giữa đường biên và trung lộ), mở ra khoảng trống ở biên để hậu vệ UAE dâng cao kiến tạo. Khi hậu vệ UAE tạt bóng, Caio và Lima dâng cao như tiền đạo để tạo ra điểm cắt, còn Ali Mabkhout lùi xuống tuyến 2 để đón lõng những đường chuyền ngược.
Thứ hai, tốc độ, kỹ thuật và đẳng cấp đồng đều của bộ ba Caio - Lima - Ali Mabkhout khiến hàng thủ đối phương khó bắt chặt. Các mũi tấn công UAE phối hợp nhuần nhuyễn, di chuyển thông minh và biết cách giải phóng không gian cho nhau. Dù xử lý cá nhân hay phối hợp nhóm, hàng tiền đạo UAE đều cho thấy đẳng cấp cao.
Đặc biệt, tiền đạo UAE rất ít khi chơi ở thế quay lưng nhận bóng làm tường, mà thường chạy luồn lưng trung vệ để khai thác khoảng trống sau lưng. Ngăn cản một trong 3 cầu thủ này đã khó, tạo ra hệ thống vô hiệu hóa cả hàng tiền đạo UAE là bài toán khó với mọi đối thủ. Đội bóng của HLV Van Marwijk đã ghi 12 bàn vào lưới các đối thủ ở những trường phái khác nhau, từ phòng ngự bê tông (Indonesia), áp sát và tốc độ (Malaysia) đến kỹ thuật (Thái Lan).
Hiệu suất 4 bàn mỗi trận của UAE sẽ tạo ra thách thức với hàng phòng ngự 5 người của HLV Park Hang-seo.
Khi Lima (vòng tròn xanh) tung đường chuyền, Ali Mabkhout (vòng tròn trắng) lập tức chạy luồn lưng trung vệ Indonesia để đón quả tạt. Ý thức vị trí của cầu thủ UAE là cực tốt. |
Tuyển Việt Nam hóa giải thế nào?
Một trong những vấn đề của tuyến phòng ngự 5 người nằm ở khâu tổ chức vị trí, trong đó có phân công kèm người, bắt việt vị. HLV Park Hang-seo từng nhấn mạnh trong một cuốn sách: Sơ đồ 3 trung vệ cho phép các trung vệ lao vào những cuộc đấu 1 đối 1 hiệu quả hơn so với sơ đồ 4 hậu vệ. Dù vậy, để ngăn cản hàng tiền đạo UAE, thắng ở những cuộc đấu tay đôi là chưa đủ, khi các cầu thủ phối hợp đa dạng và ít khi sa đà vào biểu diễn kỹ thuật như tiền đạo Malaysia.
Ở trận gặp Malaysia, hàng thủ Việt Nam cũng lộ ra nhiều vấn đề. Khi tổ chức tấn công, HLV Tan Cheng Hoe bố trí trung phong Guilherme de Paula thường xuyên lùi sâu ở vùng không gian 30 m trước khung thành. Khi đội trưởng Quế Ngọc Hải băng lên áp sát, khoảng trống sau lưng anh lập tức mở ra.
Chia sẻ với Zing, BLV Vũ Quang Huy cho rằng ở trận gặp Malaysia, mối liên hệ giữa Đoàn Văn Hậu và Bùi Tiến Dũng lỏng lẻo, tạo điều kiện cho đối thủ tấn công triệt để vào khoảng trống. Ở trận tới, gần như chắc chắn Ali Mabkhout sẽ chơi giống De Paula khi lùi thấp để kéo một trung vệ Việt Nam lên cao, mở ra không gian cho Lima và Caio tấn công.
Ali Mabkhout (vòng tròn đỏ) chạy chỗ kéo theo 2 cầu thủ Indonesia, tạo điều kiện cho Lima thoát xuống phía sau ghi bàn. Ảnh: Chụp màn hình. |
Đáng lo cho tuyển Việt Nam khi Ali Mabkhout ở đẳng cấp cao hơn nhiều so với De Paula. Anh không chỉ giỏi ở nhiệm vụ “chim mồi”, mà còn nhạy bén trong khâu dứt điểm (ghi 10 bàn, chỉ kém 1 bàn so với tổng số pha lập công của cả đội Việt Nam). Caio và Lima cũng kỹ thuật, và khôn ngoan hơn Safawi Rasid và Mohamadou Sumareh - những cầu thủ chỉ thuần túy sử dụng tốc độ để qua người.
Để đứng vững, tuyển Việt Nam buộc phải tổ chức lại đội hình phòng ngự. Sợi dây liên lạc giữa 5 cầu thủ phòng ngự phải được duy trì. Các bước di chuyển của trung vệ cánh và hậu vệ biên cần đồng bộ để che chắn các đường chuyền, đồng thời tránh trường hợp bị chạy chỗ luồn ra sau lưng ở các pha bóng dâng cao. Nên nhớ, UAE mạnh trong những pha tấn công ở hành lang trong, mà đây lại là vùng không gian tuyển Việt Nam dễ tổn thương nhất ở trận đấu vừa qua.
Chúng ta hy vọng 3 ngày nghiên cứu đối thủ là đủ để HLV Park Hang-seo và cộng sự tìm được sách lược đối phó. Nhưng chiến thuật là một chuyện. Ở cuộc đấu với đối thủ ở đẳng cấp cao, hậu vệ Việt Nam cần tỉnh táo và tập trung. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, tuyển Việt Nam cũng cần tiếp cận khôn ngoan, tránh đua sức với đối thủ.
“Tuyển Việt Nam có 2 cửa đá với UAE: Một là chơi tấn công phủ đầu chớp nhoáng, ghi bàn thắng sớm rồi lại lùi về phòng ngự phản công, nhưng cách đá này không phù hợp với tính cách của HLV Park Hang Seo. Chiến lược gia Hàn Quốc thích cách chơi thứ hai, đó là đá chắc chắn, không thủng lưới trước.
UAE sẽ đá tấn công, nhưng họ chỉ cần 1 bàn, nên nhiều khả năng đối thủ sẽ dìu chúng ta vào cuộc đua thể lực. Đơn cử cầu thủ Việt Nam cầm bóng, UAE sẽ pressing để phá sức, phá lối đá, buộc Việt Nam phải chơi với cường độ cao để đối phó, mà thể lực hiện tại của cầu thủ khó đáp ứng được điều này. Do đó, Việt Nam cần cách đá khéo léo hơn”, cựu HLV CLB Ninh Bình phân tích.
Tuyển UAE là thử thách đủ khó để trả lời cho câu hỏi: Chúng ta thực sự đang đứng ở đâu.