Chỉ huy lực lượng cảnh sát Hàn Quốc Yoon Hee Keun trong một cuộc họp báo sau thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon. Ảnh: Yonhap |
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc đã yêu cầu điều tra đối với ông Lee Im Jae, chỉ huy đồn cảnh sát quận Yongsan, và bà Ryu Mi Jin, sĩ quan giám sát tình hình tại Sở Cảnh sát thủ đô Seoul, do thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, để xảy ra thảm họa giẫm đạp tại khu vực Itaewon.
Theo đó, bà Ryu, sĩ quan giám sát tại Sở Cảnh sát thủ đô Seoul ở thời điểm xảy ra vụ giẫm đạp, bị cho là đã đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của tình hình, dẫn tới không thông báo kịp thời tới chỉ huy lực lượng cảnh sát thành phố Seoul cũng như phòng tình huống khẩn cấp tại Cơ quan Cảnh sát Quốc gia.
Trong khi đó, sĩ quan Lee bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ huy lực lượng an ninh tại khu vực khi tới hiện trường muộn và không báo cáo kịp thời lên các sĩ quan cấp trên.
Cánh sát tại hiện trường vụ giẫm đạp ở Itaewon. Ảnh: Reuters. |
Cả Ryu và Lee bị Cơ quan An ninh Quốc gia đình chỉ công tác trong thời gian diễn ra cuộc điều tra.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lực lượng cảnh sát Hàn Quốc phải hứng chịu chỉ trích do không có biện pháp ngăn ngừa vụ giẫm đạp. Trước khi xảy ra thảm kịch thương tâm tại Itaewon, lực lượng cảnh sát đã nhận được 11 cuộc gọi từ người dân báo động về tình trạng số người tập trung tại khu vực đang vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo Yonhap, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Hàn Quốc nhận được thông tin về vụ giẫm đạp sau khi vụ việc đã diễn ra được 2 tiếng, muộn hơn một giờ so với Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Vào hôm 2/11, đơn vị điều tra đặc biệt đã khám xét và thu giữ tài liệu từ Sở Cảnh sát Seoul, đồn cảnh sát quận Yongsan, văn phòng quận, sở cứu hỏa và các phòng ban khác.
Quan chức cho biết các cuộc điều tra được tiến hành nhằm quyết định liệu các sĩ quan cảnh sát khi nhận được cuộc gọi cảnh báo về vụ giẫm đạp đã thực hiện đúng nhiệm vụ hay chưa, đồng thời đánh giá liệu các sĩ quan chỉ huy đã phản ứng phù hợp tình hình hay không.
Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016. Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc.