Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tiếng hét trong cuộc gọi trước thảm kịch Itaewon

Cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên báo cáo về sự cố tại Itaewon, Hàn Quốc được ghi nhận vào đầu buổi tối ngày 29/10, vài giờ trước khi thảm kịch khiến ít nhất 156 người thiệt mạng diễn ra.

giam dap o Itaewon anh 1

"Cảnh tượng lúc này trông rất ớn lạnh", người phụ nữ nói trong cuộc gọi khi mô tả lại khung cảnh hỗn loạn trên những con phố chật hẹp của khu phố đêm Seoul.

Tổng cộng, cảnh sát Hàn Quốc đã nhận được 11 cuộc gọi khẩn đến đường dây nóng 112 để yêu cầu họ kiểm soát đám đông tụ tập trong lễ Halloween trước khi xảy ra vụ giẫm đạp chết người, theo BBC.

Cuộc gọi đầu tiên diễn ra vào khoảng 4 giờ trước vụ giẫm đạp, khiến nhiều người tin rằng thảm kịch này hoàn toàn có thể tránh được.

Thế nhưng, CNN dẫn lời các nhân chứng, cho biết có rất ít hoặc không có biện pháp kiểm soát đám đông ở Itaewon vào đêm xảy ra vụ việc.

Trong bối cảnh những lời kêu gọi nhận trách nhiệm ngày càng tăng lên, cảnh sát Hàn Quốc đã mở một cuộc điều tra.

Bloomberg đưa tin Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (NPA) đã khám xét 8 địa điểm hôm 2/11 để xem xét liệu các sĩ quan nhận cuộc gọi có biện pháp ứng phó thích hợp hay không. Trong các địa điểm này, nhóm điều tra đặc biệt của NPA đột kích vào trụ sở Cảnh sát Seoul, đồn cảnh sát quận Yongsan, văn phòng quận, sở cứu hỏa và các văn phòng khác.

Cảnh sát cũng đã thực hiện một động thái bất thường là công bố bản ghi của 11 cuộc gọi khẩn cấp.

Từ những lời cảnh báo lo lắng cho đến những tiếng la hét kinh hoàng, nội dung trong các bản ghi đã vẽ nên một bức tranh về tình cảnh ngày càng nguy cấp lúc bấy giờ.

giam dap o Itaewon anh 2

Ít nhất 156 người đã thiệt mạng và 172 người khác bị thương sau thảm kịch. Ảnh: Reuters.

Không có ai kiểm soát khu vực

Trong cuộc gọi khẩn cấp đầu tiên vào lúc 18h34 (theo giờ địa phương) - vài giờ trước khi xảy ra thảm kịch - một người phụ nữ họ Park - đã mô tả cảnh đám đông rời khỏi ga tàu điện ngầm Itaewon, đi lên con hẻm hẹp của khách sạn Hamilton và trung tâm mua sắm.

Nhiều người cố gắng chen vào dòng người đang rời khỏi địa điểm này để vào các câu lạc bộ.

"Hiện tại không có ai kiểm soát khu vực. Cảnh sát phải đứng ra kiểm soát đám đông này. Nên cho người ra trước rồi mới cho người vào. Nhưng người ta vẫn cứ tràn vào trong khi không có ai ra được", cô nói.

Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh địa phương CBS hôm 2/11, Park cho biết cô đã gọi điện đến 112 sau khi đi dạo cùng con gái và chồng, nhưng bị lạc mất họ bởi đám đông quá lớn. Cuối cùng họ cũng tìm được nhau và nhanh chóng chạy về nhà.

giam dap o Itaewon anh 3

Hình ảnh một con phố ở Itaewon chật cứng người trong hôm xảy ra vụ giẫm đạp. Ảnh: Yonhap

Cô mô tả nỗi kinh hoàng của mình khi bị cuốn vào đám đông lớn hơn nhiều so với những gì thường thấy trong khu vực vào ngày cuối tuần, đồng thời bày tỏ tiếc nuối khôn nguôi vì sự việc xảy ra bất chấp lời cảnh báo sớm.

"Trên đường về nhà, tôi nghĩ tình hình sẽ khác nếu tôi đứng đợi ở đó cho đến khi cảnh sát tới, bằng cách tạo thành một (hàng rào nhân tạo) với những người khác và để giới trẻ biết rằng tình hình đang rất nguy hiểm. Tôi rất tiếc", cô nói.

"Nếu cảnh sát biết rằng có nhiều người đến, họ có thể đã kiểm soát tình hình tốt hơn bằng cách chặn các con đường hoặc kiểm soát tàu điện ngầm. Nhưng không có cảnh sát nào (trên mặt đất) có thể đưa ra quyết định hoặc hành động như vậy lúc bấy giờ".

Người phụ nữ cho biết sau cuộc gọi, cô không nhận được tin nhắn xác nhận, thông báo cảnh sát sẽ hành động tức thì, theo thông lệ. Đây là điều bất thường bởi cảnh sát Hàn Quốc luôn tự hào về việc theo dõi, xử lý các vụ việc một cách nhanh chóng và cẩn thận.

Theo báo cáo của cảnh sát mà Yonhap thu được, họ đã huy động các sĩ quan sau cuộc gọi khẩn đó, nhưng không biết bao nhiêu người đã được cử tới Itaewon và họ đã làm gì.

"Làm ơn giúp chúng tôi"

Một số cuộc gọi tiếp theo bắt đầu tới trong khoảng hai giờ sau đó, từ 20h09 trở đi.

Tuy nhiên, đến lúc đó, tình hình rõ ràng đã xấu đi nhiều. Những người gọi điện mô tả họ đã thấy mọi người vấp ngã sau khi bị xô đẩy, và bị thương.

"Nhiều người đang ngã và mọi thứ đang mất kiểm soát vì đường ở đây bị chặn ở ngã ba", người gọi thứ 3 cho biết.

Lúc 20h53, người gọi thứ 4 đã mô tả một tình huống tồi tệ gần hộp đêm Bronze.

"Tôi cảm thấy như mình sắp bị nghiền nát… Nhiều người đang bị đè bẹp... Thật hỗn loạn", người này nói với tiếng chập chờn qua điện thoại. Họ liên tục cầu xin "làm ơn giúp chúng tôi".

giam dap o Itaewon anh 4

Hình ảnh hiển thị nơi 11 cuộc gọi đến dịch vụ khẩn cấp được thực hiện trong khoảng thời gian từ 18h34 đến 22h11 (giờ địa phương). Sau các cuộc gọi 1,2, 5 và 6, cảnh sát đã được huy động. Đồ họa: BBC.

Nhân viên trực điện thoại sau đó bảo đảm với người gọi rằng họ sẽ cử cảnh sát đến hiện trường. Nhưng báo cáo của cảnh sát cho thấy họ không làm như vậy.

Trên thực tế, mặc dù nhận được 11 cuộc gọi khẩn, cảnh sát chỉ huy động người trong 4 cuộc gọi.

Họ không cử thêm bất cứ ai sau bất kỳ cuộc gọi nào nhận được từ 21h07 trở đi - giờ dẫn đến thảm kịch giẫm đạp.

Các nhà chức trách cho biết họ có 137 sĩ quan túc trực tại Itaewon vào đêm hôm đó. Nhưng rõ ràng, con số này không là gì khi so với khoảng 100.000 người đổ về khu vực này.

Trong một clip lan truyền trên mạng xã hội, chỉ có một sĩ quan cảnh sát được nhìn thấy đang cố gắng đưa mọi người ra ngoài, trong đám đông lớn la hét đầy tuyệt vọng.

Giờ cuối cùng

Vào tối 29/10, các cuộc gọi tiếp tục đổ về, trở nên nhanh hơn và gấp gáp hơn.

"Tôi nghĩ sắp có một vụ tai nạn thực sự. Mọi thứ thật điên rồ", người gọi thứ 6 nói.

Cuộc điện thoại thứ 8 lúc 21h10 được gọi trước nhà hàng Manam-e Kwangjang, cách Hamilton Hotel khoảng 100 m, đã minh họa lại cảnh đám đông ngày càng lớn như thế nào.

Sau 40 phút tạm lắng, các cuộc gọi cuối cùng đổ đến với tần suất dày đặc, chủ yếu từ hiện trường thảm kịch - con hẻm bên phải Hamilton.

giam dap o Itaewon anh 5

Cảnh sát tại hiện trường vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul hôm 30/10. Ảnh: Reuters.

Người gọi thứ 10 hoảng loạn đến mức không thể nói rõ.

"Vâng, tuy nhiên, ở đây, trời ơi, đi xuống con hẻm, tôi sợ, mọi người xô đẩy và tôi nghĩ rằng tôi sẽ bị đè bẹp, xin hãy kiểm soát", người này nói.

Trong cuộc gọi cuối cùng lúc 22h11 - một trong những cuộc gọi ngắn nhất được thực hiện - người gọi dường như đang chuẩn bị cấp cứu cho nạn nhân. Ngay sau khi cảnh sát nghe máy, người này cấp bách nói: "Tôi có cảm giác như người ta có thể bị đè bẹp ở đây".

Cảnh sát hỏi đi hỏi lại chính xác họ đang ở đâu, nhưng không thể nhận được câu trả lời rõ ràng. Sau đó, cuộc đối thoại dưới đây đã diễn ra.

Sĩ quan: Tôi sẽ theo dõi vị trí của bạn. Đúng. Bạn có ở gần ga Yongsan, ga Itaewon không?

Người gọi: Ahhh (la hét), ahhh (la hét). Con đường phía sau Itaewon.

Sĩ quan: Vâng. Cảnh sát sẽ đến đó.

Cuộc gọi đột ngột kết thúc. 4 phút sau, vụ giẫm đạp chết người bắt đầu.

Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.

Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.

Người đàn ông leo tường tránh đám đông ở Itaewon Video ghi lại cảnh một người đàn ông đã bám vào tường ngoài của một cửa hàng khi ở trong đám đông tại Itaewon tối 29/10.

Hàng loạt điện thoại rơi trong hẻm tử thần ở Itaewon

Sau nhiều ngày xảy ra vụ giẫm đạp ở Itaewon, Hàn Quốc, những đôi giày thất lạc vẫn đang nằm ở nhà thi đấu đa năng Wonhyoro và chờ đợi chủ nhân của chúng đến nhận về.

Nhân chứng thảm kịch Itaewon: 'Cảnh tượng như địa ngục'

Một số nhân chứng đã mô tả lại cảnh tượng lực lượng cứu hộ cố gắng hô hấp nhân tạo cho người đang hấp hối, trong khi nhạc vẫn phát ra từ các câu lạc bộ xung quanh.

Minh An

Bạn có thể quan tâm