Cảnh sát tại hiện trường thảm kịch Itaewon. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) cho biết đơn vị điều tra đặc biệt đã khám xét và thu giữ tài liệu từ Sở Cảnh sát Seoul, đồn cảnh sát quận Yongsan, văn phòng quận, sở cứu hỏa và các văn phòng khác, AP đưa tin ngày 2/11.
NPA cũng đình chỉ cảnh sát trưởng của đồn cảnh sát Yongsan - một trong những đồn cảnh sát gần nhất với hiện trường vụ việc.
“Cảnh sát trưởng Lee Im Jae không thể thực hiện nhiệm vụ trong tình hình hiện nay”, NPA thông báo và cho biết thêm người kế nhiệm sẽ được công bố vào cuối ngày 2/11.
Các cuộc khám xét diễn ra một ngày sau khi NPA thừa nhận cảnh sát Seoul không hành động trong nhiều giờ, dù nhận được ít nhất 11 cuộc gọi khẩn cấp từ người đi đường cảnh báo về đám đông tụ tập trong con hẻm ở Itaewon.
Các quan chức và cảnh sát địa phương cũng phải đối mặt với những câu hỏi gay gắt về lý do không sử dụng biện pháp kiểm soát đám đông hoặc không triển khai đủ nhân lực trên khu phố Itaewon, dù dự đoán khoảng 100.000 người sẽ đổ về đây.
Theo các nhân chứng, có rất ít hoặc không có biện pháp kiểm soát đám đông ở Itaewon vào đêm xảy ra vụ việc, mặc dù cảnh sát đã nhận được cảnh báo từ trước, CNN đưa tin.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol rất tức giận vì cảnh sát không hành động dù nhận được 11 cuộc gọi cảnh báo đêm 29/10, theo Yonhap.
Một quan chức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon nhận được danh sách các cuộc gọi đến đường dây nóng 112 của cảnh sát vào tối 29/10 ngay trước khi ông chủ trì cuộc họp với nội các chính phủ hôm 1/11.
Ngay sau đó, tổng thống đã ra lệnh xác định rõ ràng các tình huống liên quan đến phản ứng của lực lượng thực thi pháp luật và cho biết những người đó "sẽ chịu trách nhiệm xử lý nghiêm minh theo pháp luật và quy định", quan chức giấu tên dẫn lời Tổng thống Yoon chia sẻ với Yonhap.
Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.
Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.