Trong quý đầu năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo trang tin Nikkei Asia, đây là một bước tiến lớn sau khi GDP nước này giảm 0,4% trong quý cuối cùng của 2022.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng này cũng lớn hơn một chút so với mức dự báo trung bình của Reuters là 0,2%.
Nếu tính cả năm, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự báo rằng GDP nước này sẽ tăng khoảng 1,6% - cao hơn một chút so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 1,5%, nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2022.
Cảng biển lớn nhất của Hàn Quốc tại tỉnh Busan. Ảnh: STEVEN BOROWIEC. |
Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tăng trưởng GDP trong quý vừa qua chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng xuất khẩu 3,8%, mà phần lớn là xuất khẩu ôtô. Ngoài ra, khu vực tiêu dùng tư nhân với mức tăng trưởng 0,5% cũng có đóng góp phần nào.
Được biết, trong những năm gần đây, nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu vì bối cảnh tiêu dùng trong nước đang rất trì trệ. Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 3 của nước này cũng đã giảm tới 13,6% do nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu dần yếu đi.
Ngay cả khi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất đồng thời là điểm đến chính của các mặt hàng xuất khẩu nước này - đã mở cửa trở lại sau thời kỳ đại dịch thì tình hình cũng không khá lên bao nhiêu. Tháng 2/2023, nền kinh tế Hàn Quốc đã gặp khó khăn khi sản lượng chip trong nước tụt tới 17,1% - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Đầu tháng này, Chính phủ Hàn Quốc đã phải mở một cuộc họp khẩn cấp và triệu tập đầy đủ các bộ trưởng nhằm tìm kiếm những chiến lược thúc đẩy xuất khẩu mới. Đối với các chính trị gia tại Hàn Quốc, xuất khẩu là "huyết mạch" của nền kinh tế nước này.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Lee Chang-yang đã nhận xét rằng "việc mở cửa lại của Trung Quốc có tác động chậm hơn nhiều so với dự đoán", ngoài ra, "những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu" cũng đang cản trở sự phục hồi.
Theo đó, ông kêu gọi các quan chức hãy tận dụng mối quan hệ "ấm lên" gần đây giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để thúc đẩy tăng trưởng, thay vì chỉ chăm chăm vào Trung Quốc. Đối với ông, việc các công ty nội địa xuất hiện tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này cũng có ý nghĩa quan trọng không kém gì Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vẫn luôn đau đầu với bộ đôi lạm phát cao và tăng trưởng thấp.
Sau báo cáo về GDP tăng chậm và lạm phát giảm sâu ngày 24/4, chính quyền Tổng thống Yoon đã tuyên bố sẽ không thực hiện chi tiêu chính phủ bổ sung để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhận xét về điều này, ông Sung Won Sohn - Giáo sư Kinh doanh tại Đại học Loyola-Marymount - cho biết: "Có thể nói rằng chính quyền của ông Yoon đã tất cả có thể để hạ nhiệt lạm phát đồng thời giữ cho nền kinh tế tăng trưởng, dù mức tăng không đáng kể".
Tuy nhiên, Giáo sư Sohn cho rằng việc dừng chi tiêu chính phủ để dồn cho nền kinh tế "chưa chắc đã là sự đánh đổi tốt".
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.