Lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản. Ảnh: Michael Carr. |
Theo CNN, số công ty vỡ nợ trên toàn cầu trong quý đầu năm nay đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuối 2020 - thời điểm các doanh nghiệp trên khắp thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Trích dẫn một báo cáo ngày 18/4 của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s, CNN cho biết có tới 33 công ty trong danh sách xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này hiện đã rơi vào cảnh phá sản. Đây là con số lớn nhất kể từ quý IV/2020 - khoảng thời gian có 44 công ty vỡ nợ.
Đặc biệt, chỉ trong riêng tháng 3 vừa qua, khoảng một nửa số này - tức 15 doanh nghiệp - đã buộc phải đóng cửa vì không còn đủ tiền để hoạt động.
Trong số những doanh nghiệp vỡ nợ hồi quý I, có ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) - đơn vị đỡ đầu của nhiều kỳ lân công nghệ - và một ngân hàng khác là Signature Bank. Việc hai ngân hàng Mỹ này sụp đổ liên tiếp đã gây chấn động thị trường tài chính, đồng thời khiến giới đầu tư mất đi niềm tin vào hệ thống ngân hàng toàn cầu.
“Trong 33 doanh nghiệp kể trên, các vụ vỡ nợ ngân hàng luôn gây chú ý hơn cả, nhưng may mắn là số doanh nghiệp tài chính vỡ nợ không quá nhiều”, báo cáo của Moody’s cho biết.
Theo báo cáo này, vụ phá sản lớn nhất là của công ty phát thanh thể thao Mỹ Diamond Sports Group với số tiền lên tới 9 tỷ USD.
Cũng theo các nhà phân tích tại Moody's, trong năm vừa qua, phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường lãi suất tăng, giá năng lượng tăng và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Tại Anh, số công ty vỡ nợ trong tháng 3 đã tăng tới 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt xa con số hàng tháng trong thời kỳ đại dịch. Nguyên nhân là Chính phủ Anh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp đứng vững trong đại dịch, nhưng hiện tại thì không.
Tình hình thậm chí còn trở nên khó khăn hơn khi lãi suất càng tăng thì nhà đầu tư càng dè chừng với trái phiếu doanh nghiệp.
Chẳng hạn, một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) của iShares chuyên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tín nhiệm cao đã giảm tỷ lệ đầu tư tới 20% trong năm 2022. Từ đầu năm đến nay, vốn hóa quỹ này chỉ tăng khiêm tốn 3%.
Theo dự báo của Moody's, sự kết hợp giữa lãi suất vay vốn tăng lên và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống sẽ đẩy tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu đầu cơ (speculative grade) lên mức 4,6% vào cuối năm nay - gấp rưỡi con số 2,9% của tháng 3.
Các vụ vỡ nợ của ngân hàng và tổ chức tài chính luôn gây chú ý mạnh. Ảnh: Reuters. |
Tương tự, một tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn khác là S&P Global, mới đây cũng đưa ra dự báo rằng khoảng 4% số trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu cơ ở Mỹ sẽ vỡ nợ nếu tính đến cuối năm nay.
Nguyên nhân khiến con số này tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ 1,7% của năm 2022 là “do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, doanh thu èo uột, áp lực chi phí dai dẳng, và các điều kiện tài chính thắt chặt khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn”.
Đặc biệt, một trong những lĩnh vực dễ tổn thương nhất sẽ là bất động sản thương mại. Hiện tại, hầu hết tòa nhà văn phòng ở Mỹ đang trong tình trạng giảm giá mạnh do nhiều doanh nghiệp ưu tiên làm việc từ xa để giảm bớt tiền thuê hoặc chuyển sang chỗ rẻ tiền hơn.
Kết quả là một loạt văn phòng ở các khu phố trung tâm phải chịu cảnh bỏ trống, trong khi các chủ đầu tư gồng mình chịu lỗ và có thể vỡ nợ do không tìm được người thuê.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.