Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hẩm hiu các 'cá mập' Việt

Nổi tiếng với nhiều thương vụ đầu tư bạc tỷ, hàng loạt "cá mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam liên tiếp dính lùm xùm lừa đảo, nợ lương nhân viên, kinh doanh thua lỗ...

Shark Thủy là một trong những "cá mập" đầu tư rất thoáng tay với các startup. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Shark Tank Việt Nam là chương trình truyền hình thực tế dành riêng cho các startup Việt Nam với "cá mập" (shark) rót vốn là những doanh nhân có tiếng.

Tuy vậy, bên cạnh hào quang từ những thương vụ đầu tư bạc tỷ, nhiều "cá mập" tham gia chương trình này cũng vướng phải ồn ào liên quan đến chuyện kinh doanh, đời tư... Mới nhất là trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy) một trong những "cá mập" rất thoáng tay đầu tư với các startup nhưng đến nay đã vướng vòng lao lý.

Kinh doanh thua lỗ, vướng lao lý

Nổi lên từ Shark Tank trong 3 mùa đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Công ty Giáo dục EGroup - góp mặt trong chương trình Shark Tank Việt Nam với 9 thương vụ đầu tư đình đám như cam kết rót 500.000 USD vào Magic Book; góp vốn 100 tỷ đồng vào chuỗi Soya Garden... Tuy nhiên, hiện chỉ có 3/9 dự án còn hoạt động.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống kinh doanh các trung tâm tiếng Anh của vị "cá mập" này rơi vào tình cảnh khó khăn, phải đóng cửa hàng loạt, tạo áp lực tài chính, đứt gãy dòng tiền.

Ông Thủy sau đó cũng vướng vào một loạt lùm xùm liên quan vấn đề nợ lương nhân viên, nợ tiền học phí phụ huynh và chây ì trả tiền nhà đầu tư.

Đến cuối năm 2022, nợ phải trả của Apax Holdings lên tới gần 3.100 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay và thuê tài chính là hơn 1.900 tỷ đồng.

Dù đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để tái cấu trúc doanh nghiệp, gạt nợ cho phụ huynh và nhà đầu tư bằng nhiều gói đầu tư, khóa học, bất động sản, thậm chí cả đồ gia dụng... nhưng doanh nghiệp của Shark Thủy vẫn không thể trả hết nợ cho nhà đầu tư cũng như phần học phí đã thu từ các phụ huynh.

Đến ngày 26/3 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Apax Leaders - thương hiệu thuộc Apax Holdings - cũng thông báo sẽ tạm dừng xác nhận học phí và hoàn phí cho phụ huynh.

Không riêng Shark Thủy, một vị "cá mập" nổi tiếng khác cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh không mấy khả quan thời gian vừa qua là Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ - CenLand (HoSE: CRE).

LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP SHARK HƯNG CHẠM ĐÁY
Kết quả kinh doanh gần đây của CenLand. Nguồn: BCTC DN.
Nhãn201820192020202120222023
Doanh thu thuần tỷ đồng 168723122117559834761025
Lợi nhuận sau thuế
3203934504501942.5

Cụ thể, năm 2023, lợi nhuận ròng của CenLand chỉ đạt hơn 2,5 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2022 trước đó, công ty này cũng ghi nhận lợi nhuận ròng giảm tới 56%, đạt 198 tỷ đồng.

Kinh doanh lao dốc khiến công ty nơi Shark Hưng làm Phó chủ tịch gặp khó trong việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Cuối năm 2023, CenLand được trái chủ chấp thuận gia hạn 450 tỷ đồng trái phiếu từ 3 năm thành 4 năm 1 tháng.

Hồi đầu năm 2019, Shark Hưng còn gây chú ý khi rót tiền vào CTCP Công nghệ Internet Việt Nam (BBI Việt Nam) - một công ty đa cấp. Các hoạt động nổi bật của BBI Việt Nam khi đó đều chứng kiến sự xuất hiện của Shark Hưng. Sau khi nhận nhiều phản ứng từ nhà đầu tư, Shark Hưng cho biết đã thoái vốn khỏi BBI Việt Nam.

Hàng loạt "cá mập" vướng lùm xùm

Nổi lên khi có mặt trong danh sách "cá mập" tại Shark Tank mùa 3 (năm 2019), ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam… cũng dính hàng loạt lùm xùm liên quan đến nghi vấn sản phẩm Asanzo là "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt".

Dù cơ quan chức năng sau đó đã đưa ra các thông báo về việc hoạt động của Asanzo là “phù hợp quy định”, không lừa dối khách hàng, nhưng việc vướng vào lùm xùm nguồn gốc xuất xứ đã khiến Asanzo tụt lại trên thị trường điện tử.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan còn cho biết công ty của vị "cá mập" này còn có nhiều dấu hiệu trốn thuế hàng chục tỷ đồng. Doanh nghiệp có hành vi để ngoài sổ sách kế toán, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, ghi giá trên hóa đơn cao hơn thực tế... để trốn thuế.

Trước đó, ở mùa 1 chương trình, ông Hoàng Khải (tức Khải Silk) cũng là một nhà đầu tư khách mời của Shark Tank Việt Nam nhưng sau đó đã rút lui vì thương hiệu Khai Silk bị phát hiện bán hàng Trung Quốc đội lốt thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó, công ty còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Đồng thời, một lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty.

shark viet nam anh 1

Dàn "cá mập" tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Cũng vướng nhiều lùm xùm về hoạt động kinh doanh là bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne. Ngoài ra, bà Liên còn nắm giữ vai trò lãnh đạo tại một loạt doanh nghiệp khác như Chủ tịch CTCP Nước Xuân Mai - Hòa Bình, CTCP nước mặt Sông Đuống; Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund); Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm AAA.

Ở thời điểm nổi tiếng khi tham gia Shark Tank, nữ "cá mập" bất ngờ vướng vào "thị phi" liên quan dự án nhà máy nước mặt sông Đuống.

Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 61,5 ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Nhà máy nước Sông Đuống của Shark Liên đi vào hoạt động, song, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Điều này khiến giá nước sạch tạm tính tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, mức giá này khi đó đã khiến dư luận “nổi sóng” bởi đắt gấp đôi so với giá nước thông thường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Shark Liên cũng vướng phải "lùm xùm" bán nước cho người dân khi chưa được nghiệm thu chất lượng.

Nổi tiếng với nhiều thương vụ lớn lên đến 6 triệu USD, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intracom Group cũng là một trong những nhà đầu tư thoáng tay nhất chương trình Shark Tank Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp do Shark Việt làm Chủ tịch là CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom cũng vướng sai phạm.

Cụ thể, năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về loạt sai phạm tại chung cư Intracom 1 Trung Văn (Hà Nội) do công ty Shark Việt làm chủ đầu tư. Theo đó, Intracom đã tự thay đổi về chiều cao các tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, chuyển đổi công năng sử dụng tầng kỹ thuật, tầng áp mái, tầng tum nhằm tăng số căn hộ để bán.

Vị "cá mập" sau đó thừa nhận để xảy ra những sai phạm tại dự án chung cư này là lỗi của ông trong công tác điều hành, quản lý. Shark Việt cũng cam kết chịu trách nhiệm đến cùng và tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương để xử lý các vướng mắc còn lại.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Doanh nghiệp của đại gia sân golf nợ gần tỷ USD

Trong năm 2023, chủ dự án KN Paradise ở Khánh Hòa lãi hơn 170 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã tăng mạnh từ 20.600 tỷ đồng lên gần 24.000 tỷ đồng.

Từ 'cá mập' triệu USD đến vòng lao lý của Shark Thủy

Từ một "cá mập" cực thoáng tay trong việc rót vốn đầu tư hàng triệu USD, ông Nguyễn Ngọc Thủy liên tiếp vướng lùm xùm lừa đảo nhà đầu tư, nợ lương và nay là bị bắt tạm giam.

Công ty 'shark' Hưng chỉ trả 20% gốc lô trái phiếu sắp đáo hạn

Cen Land muốn gia hạn lô trái phiếu trên thêm 13 tháng, tức ngày đáo hạn dời sang 31/1/2025. Trong thời gian gia hạn, lãi suất trái phiếu là 12%/năm.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm