Trong suốt nhiều năm trời, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn hai chàng trai Larry Page và Sergey Brin.
Anh chàng nào là Larry Page? Có phải Sergey Bin là người có giọng địa phương không?
Sở dĩ có sự nhầm lẫn trên cũng là điều dễ hiểu bởi hai chàng trai này có chiều cao gần bằng nhau, cùng có phong cách nhẹ nhàng và cả hai đều thuộc tuýp người nội tâm nhưng sống có đam mê - kiểu tính cách đặc trưng của những người đam mê công nghệ.
Trong nhiều năm, họ nhận được nhiều lời cảm ơn vì đã trở thành hai ngôi sao trong cuộc báo thù đỉnh cao của những người mọt sách - họ không chỉ chinh phục được các cô gái mà thực sự họ đã làm chủ thế giới; thế giới thông tin mà họ đã chọn làm đích đến ngay từ những ngày đầu.
Khi cả hai gặp nhau lần đầu tại Đại học Stanford vào tháng 3 năm 1995. Page, khi đó 22 tuổi, đến tham quan trường để đưa ra quyết định đăng ký nhập học. Còn Brin lúc đó mới 21 tuổi, đang là sinh viên cao học tài năng, được phân công đưa Page đi một vòng quanh trường.
Trong buổi gặp đầu tiên ấy, người ta đồn thổi rằng họ đã bất đồng về mọi thứ. Bất chấp điều đó, ngay sau khi Page đăng ký chương trình tiến sĩ, cặp đôi này bắt đầu hợp tác trong một dự án về công cụ tìm kiếm tên là BackRub.
Page muốn tải toàn bộ nội dung trên mạng về máy tính để nghiên cứu phục vụ cho bài tiểu luận của mình. Anh tự tin nói với giáo sư của mình rằng anh chỉ cần một tuần để làm được việc đó. Tính toán sai lầm này (cho tới cuối năm đó, anh mới chỉ tải được một phần rất nhỏ) đã dẫn tới sự ra đời của Google - một trong những công ty sáng tạo và “phá cách” nhất trên thế giới. Cùng lúc đó, Sergey Brin cũng đang thu hút sự chú ý của mọi người với việc sáng tạo ra chương trình phần mềm để định dạng ngôn ngữ đánh dấu.
Larry Page (phải) và Sergey Brin (trái). Nguồn: forbes. |
Tự nhận mình là “đứa trẻ học đại học”, Page thực sự đã được nuôi lớn trong môi trường đại học. Ông Carl, cha của anh, là một giáo sư chuyên ngành Khoa học vi tính tại Đại học Michigan. Cả cha mẹ anh đều có niềm đam mê với công nghệ và máy tính, riêng cha anh sau đó đã có ba tấm bằng từ Đại học Michigan cho bộ môn này. Do vậy, con trai của hai người hiển nhiên đã trưởng thành trong một thế giới mà máy tính hiện hữu ở khắp nơi. Page nhớ lại: “Máy tính đặt ở khắp nơi trong nhà và tôi là đứa bé đầu tiên trong lớp nộp bài tập được gõ trên máy tính”.
Cùng lúc đó, ở một nơi cách bang Michigan nửa vòng trái đất, chàng trai Sergey Brin cũng bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình trong lĩnh vực máy tính. Được sinh ra ở Nga trong một gia đình gốc Do Thái, cha của Sergey là ông Michael Brin luôn có ước mơ trở thành nhà du hành vũ trụ nhưng ông đã bị các trường đại học danh tiếng nhất từ chối vì nạn bài Do Thái.
Ông chuyển sang nghiên cứu toán học tại Đại học Moscow. Họ sống trong một căn hộ gồm có ba phòng với diện tích chỉ hơn 30 m2, cùng với bà nội của Sergey. Vào năm Sergey lên sáu tuổi, cả gia đình di cư đến Mỹ. Khi lấy thị thực để rời khỏi Nga, cả cha và mẹ của Sergey đều bị mất việc.
Năm 1979, gia đình anh chuyển đến Maryland. Ông Michael Brin trở thành giáo sư khoa toán trường Đại học Maryland. Giống như cha của Page, ông luôn hun đúc tình yêu toán học cho cậu con trai. Brin là một sinh viên giỏi và tốt nghiệp với tấm bằng danh dự của Đại học Maryland. Khi tình yêu với khoa học máy tính của anh lớn dần, anh nghĩ tới việc chuyển đến California ở bờ Tây, nơi ngành công nghiệp máy tính phát triển mạnh mẽ nhất.
Sau khi cả hai gặp nhau ở Đại học Stanford, họ nhanh chóng trở thành những người bạn. Dự án “Tổ chức lại thông tin trên thế giới, tăng cường tiếp cận thông tin ở cấp độ toàn cầu và khiến thông tin trở nên hữu dụng” của Page nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khoa Máy tính. Brin tham gia dự án này cùng với bạn và đến mùa thu năm 1977, họ đặt tên công cụ tìm kiếm đầu tiên là BackRub.
Cái tên tất nhiên không tồn tại lâu. Sau vài ngày thảo luận ý tưởng, họ quyết định chọn tên Google, được đặt theo thuật ngữ số học googol, có nghĩa là số 1 với một trăm số 0 đứng sau nó. Với cái tên mới, Google được sử dụng trước hết bởi những người ở Đại học Stanford và lịch sử được bắt đầu từ đấy. Một năm sau, họ chuyển công ty tới nhà để xe của một người bạn, theo sau bước chân của hai nhà doanh chủ xuất thân từ Stanford cũng rất nổi tiếng là Bill Hewlett và Dave Packard (hai nhà đồng sáng lập Công ty Máy tính HP).
Page và Brin thực sự là những người tự tay làm nên tất cả. Họ vay hết ba khoản tín dụng, gom góp thêm ít tiền mượn của bạn bè và mọi người trong khoa để mua ba máy chủ đặt đằng sau một chiếc xe tải. Sau đó, họ được người đồng sáng lập Hãng Sun Microsystems để ý tới và viết cho một ngân phiếu trị giá 100 nghìn đôla.
Có ít nhất năm công cụ tìm kiếm nổi bật vào thời điểm đó. Nhưng điểm khiến Google trở nên khác biệt và giúp nó nhanh chóng cho ra kết quả chính xác là phương thức hoạt động: Page và Brin đã viết một thuật toán để xử lý cấu trúc các đường liên kết của mạng Internet dựa trên nguyên lý là thông tin càng có nhiều đường dẫn liên kết vào thì trang thông tin trong đó càng quan trọng.
Từ năm 1998 đến năm 2001, Page giữ chức CEO của Google cho tới khi Eric Schmidt, cựu kỹ sư trưởng của Sun Microsystem và cựu CEO của Novell, được tuyển về để nắm giữ chức vụ này. Schmidt đã đưa Google trở thành công ty đại chúng vào năm 2004 và giúp công ty phát triển nhanh đến chóng mặt.
Vào năm cuối cùng trong cương vị CEO của Schmidt, lợi nhuận của Google vượt mốc 29 tỷ đôla và lợi nhuận ròng là 8,5 tỷ đôla. Với hơn 28 nghìn nhân viên, Google là một trong những câu chuyện khởi nghiệp thành công nhất. Đầu năm 2011, Page trở lại Google với vai trò CEO, trong khi Brin tiếp tục tập trung vào việc phát triển sản phẩm.