Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hải mã Freya bị an tử gấp rút dù chẳng làm hại ai

Một số người cho rằng quyết định an tử hải mã Freya là "quá vội vàng" và không thỏa đáng, số khác lại nhận định sự an toàn của người dân phải được ưu tiên.

an tu hai ma Freya anh 1

Tuần trước, dưới ánh nắng Mặt trời, vịnh hẹp Oslo - nơi chật kín người bơi lội, chèo thuyền và trẻ em tận hưởng tuần cuối cùng của kỳ nghỉ hè - đã đón vị khách đặc biệt: Một con hải mã nặng gần 600 kg tên Freya.

Tuần này, mọi thứ đã khác. Không chỉ trường học mở cửa trở lại và thời tiết thay đổi, mà con hải mã - “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của đám đông - đã chết.

Quyết định an tử hải mã Freya của giới chức Na Uy đang gây ra làn sóng trái chiều. Cái chết của con vật khiến công chúng phẫn nộ và làm dấy lên những lo ngại lâu nay về cách đất nước Bắc Âu đối xử với động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên, theo NBC.

Hải mã Freya, với biệt danh được đặt theo nữ thần sắc đẹp và tình yêu Bắc Âu, khiến công chúng say mê trong nhiều tháng khi đi khắp bờ biển đất nước.

Nhưng cuộc sống của Freya đã bất ngờ kết thúc khi các nhà chức trách quyết định an tử nó vào ngày 14/8, vì lo ngại rủi ro đối với đám đông đang đổ xô đến xem hải mã ở vùng vịnh Oslo, theo Tổng cục Thủy sản Na Uy.

Giới chức cho biết họ lo sợ con vật có thể làm bị thương một trong số rất nhiều người đang tụ tập cách đó không xa để chụp ảnh và thậm chí bơi trong vùng nước gần Freya khi nó tắm nắng hoặc ngủ.

“Tôi chắc chắn rằng đây là quyết định đúng đắn. Chúng tôi rất coi trọng quyền lợi của động vật, nhưng tính mạng và sự an toàn của con người phải được ưu tiên”, người đứng đầu Tổng cục Thủy sản Na Uy Frank Bakke-Jensen cho biết.

an tu hai ma Freya anh 2

Freya nằm nghỉ trên một con thuyền ở vịnh Oslo hồi tháng 7. Ảnh: NTB Scanpix.

“Con vật chưa làm hại ai cả"

Hôm 15/8, truyền thông Na Uy đã bày tỏ sự kinh ngạc trước quyết định này.

"Cơn thịnh nộ sau cái chết của Freya" là tiêu đề trên trang nhất của tờ báo nổi tiếng Dagbladet. Trong khi đó, đài truyền hình TV2 chỉ trích con hải mã đã bị chính khán giả của mình "đẩy vào chỗ chết".

“Tóm lại, đó là kiểu Na Uy”, Rune Aae, một nhà sinh vật học tại Đại học Đông Nam Na Uy, nói. "Chúng tôi thường xuyên giết con vật mà chúng tôi không thích hoặc không thể xử lý được. (Điều đó đã gây ra) sự phẫn nộ ở Na Uy về cách đối xử với những loài động vật này”.

Tổng cục Thủy sản Na Uy hồi tháng 7 từng cảnh báo nếu bị con người quấy rầy và không nghỉ ngơi đủ giấc, hải mã sẽ cảm thấy bị đe dọa và tấn công.

Nhưng theo ông Aae, Freya không có dấu hiệu căng thẳng, mà thay vào đó nó có vẻ tò mò về con người.

Trine Tandberg, 62 tuổi, người điều hành một nhà hát thiếu nhi ở Oslo, chia sẻ với New York Times rằng con vật chưa làm hại ai cả.

“Đó là điều khiến rất nhiều người trong chúng tôi tức giận về toàn bộ quyết định trên”, bà nói.

Ông Dan Jarvis, giám đốc phúc lợi và bảo tồn tại British Divers Marine Life Rescue, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Anh, thừa nhận mối đe dọa đối với con người bởi những loài động vật hoang dã như vậy. Nhưng theo ông, đó không phải là lý do đủ để giết Freya.

“Chúng tôi không đi giết tất cả cá mập trắng lớn chỉ vì một trong số chúng tại một thời điểm có thể tấn công ai đó”, ông Jarvis nói.

an tu hai ma Freya anh 3

Freya từng xuất hiện ở Vương quốc Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và đã chọn dành một phần mùa hè ở Na Uy. Ảnh: AFP.

Quyết định khó khăn

Ông Aae chỉ trích các nhà chức trách vì đã không phong tỏa những khu vực mà hải mã xuất hiện nhiều nhất hoặc cố gắng di dời con vật.

​​Các chuyên gia cho biết còn những lựa chọn khác như kiểm soát đám đông đến xem Freya, hoặc phạt tiền những người mạo hiểm đến quá gần hải mã.

Theo ông Dan Jarvis, các biện pháp khác bao gồm tạo ra tiếng động lớn dưới nước hoặc phát tán mùi của động vật săn mồi để ngăn Freya lại.

Nhưng những lựa chọn đó không hề đơn giản. Điều này có thể ảnh hưởng đến các động vật khác trong vịnh hẹp và khiến chúng sợ hãi, Fredrik Myhre, nhà sinh vật học biển của World Wide Fund for Nature, cho biết.

Các quan chức cũng cho hay việc di chuyển hải mã ra khỏi khu vực có "quá nhiều rủi ro".

Ông Bakke-Jensen cho biết Viện Nghiên cứu Biển của Na Uy đã cân nhắc việc chuyển Freya ra khỏi khu vực, nhưng “sự phức tạp của một hoạt động như vậy khiến chúng tôi kết luận rằng đây không phải là lựa chọn khả thi”.

Di chuyển một động vật có vú nặng gần 600 kg không dễ dàng, vì kế hoạch yêu cầu tính toán lượng thuốc an thần cẩn thận để tiêm cho con vật, nhằm đảm bảo con vật không bị chết đuối trong quá trình nó được di chuyển.

Một số chuyên gia đồng ý rằng an tử là một quyết định đúng đắn, mặc dù gây ra ý kiến trái chiều.

Per Espen Fjeld, nhà sinh vật học và cựu cố vấn của tổ chức Thanh tra Tự nhiên Na Uy, cho biết việc kiểm soát mọi hành động, tương tác giữa hải mã và người dân vùng Oslo là nhiệm vụ bất khả thi.

"Con hải mã không cư xử như một loài động vật hoang dã thông thường. Nó dường như tìm kiếm con người, điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn", ông nói. "Một cú va chạm ‘thân thiện' của hải mã với đứa trẻ đang bơi trong nước cũng có thể gây tử vong".

an tu hai ma Freya anh 4

Quyết định an tử hải mã Freya của giới chức Na Uy đã gây làn sóng trái chiều. Ảnh: AFP.

Ông cho biết thêm cái chết đơn lẻ của con vật sẽ không ảnh hưởng đến số hải mã rộng lớn hơn ở Bắc Cực - nơi chúng thường sống thành đàn và số lượng đang tăng lên sau nhiều thập kỷ nỗ lực phục hồi.

Thay vào đó, sự chú ý xung quanh Freya có khiến công chúng bỏ quên các chính sách môi trường thực sự khiến toàn bộ loài gặp nguy hiểm. Đó là quyết định hồi tháng 3 của chính phủ Na Uy về việc cung cấp giấy phép mới cho các công ty dầu khí để khoan ở biển Barents, gần với nơi quần thể hải mã sinh sống.

"Không ai nói về điều đó. Đó là thách thức và mối đe dọa thực sự đối với quần thể hải mã”, ông Fjeld nói.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã khẳng định việc an tử hải mã Freya là "đúng đắn".

“Tôi không ngạc nhiên khi điều này dẫn đến những phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Nhưng Na Uy là một quốc gia hàng hải, đôi khi chúng tôi phải đưa ra những quyết định không được lòng dân”, ông nói với đài truyền hình NRK đầu tuần này.

Dù vậy, một số người đặt câu hỏi tại sao việc an tử con vật không thể chờ thêm vài ngày nữa. Kỳ nghỉ hè ở Na Uy sắp kết thúc và mưa đã tràn về khu vực này, vì vậy đám đông có thể sẽ giảm bớt.

“Hầu hết người dân Na Uy đều yêu thích Freya. Họ muốn bảo vệ nó”, Ingrid Liland, phó lãnh đạo đảng Xanh, nói.

Bà đã gửi câu hỏi cho bộ trưởng Thủy sản để thăm dò xem những biện pháp thay thế nào đã được xem xét trước khi Freya được an tử, và tại sao chúng không được thông qua.

“Tôi hy vọng chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao họ không thể để con vật sống cho đến khi mùa hè kết thúc ở Na Uy”, bà Liland nói thêm.

Chiến dịch dựng tượng hải mã Freya

Một chiến dịch vận động đang diễn ra tại Na Uy nhằm vận động nguồn tài chính để xây dựng bức tượng Freya, con hải mã bị giới chức Na Uy an tử hôm 14/8, theo AP.

Dân Na Uy dậy sóng vì hải mã Freya bị an tử

Từng di cư đến nhiều quốc gia, hải mã Freya có lẽ không biết trước rằng những con tàu tại vịnh Oslo (Na Uy) lại là nơi nghỉ chân cuối cùng của nó.

Minh An

Bạn có thể quan tâm