Việc giới chức Na Uy an tử hải mã Freya đã gây làn sóng trái chiều. Nhiều người coi đây là quyết định "quá vội vàng" và không thỏa đáng.
Giới chức trách lý giải rằng việc người dân bỏ ngoài tai những khuyến cáo từ các nhà chức trách Na Uy là một phần khiến chính quyền phải chọn cách an tử con hải mã Freya. Con vật đã thu hút sự chú ý suốt thời gian qua khi nằm trên các con thuyền tại vịnh Oslo, thủ đô Na Uy như đang tận hưởng kỳ nghỉ hè.
Quyết định an tử đã được thực hiện vào ngày 15/8 đang vấp phải nhiều phản ứng từ phía công chúng, khi nhiều người cho rằng giới chức Na Uy có thể đưa ra những giải pháp nhân đạo hơn.
Freya, với biệt danh được đặt theo nữ thần sắc đẹp và tình yêu Bắc Âu, đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của đám đông từ ngày 17/7 khi lần đầu tiên xuất hiện ở vùng biển thủ đô Na Uy.
Tổng cục Thủy sản Na Uy - chịu trách nhiệm với việc an tử Freya - bị chỉ trích gay gắt. Hồi tháng trước, cơ quan này còn nói rằng việc an tử là "không thể xảy ra" và chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, do hải mã là loài được bảo vệ ở Na Uy, NBC News cho hay.
Chuyến di cư "một chiều"
Hải mã thường sống thành đàn ở Bắc Cực, do đó việc Freya xuất hiện đơn độc ở bến cảng Frognerkilen là điều hiếm thấy, nhưng không phải chưa từng xảy ra.
Trước Freya, một con hải mã với tên Wally từng gây tiếng vang với chuyến “du lịch xuyên quốc gia” tới những vùng biển ở Ireland, Wales, Pháp và Tây Ban Nha.
Freya từng được phát hiện tại Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, trước khi chọn Na Uy làm "nơi nghỉ hè" và nổi tiếng tại đây. Lần gần nhất một con hải mã xuất hiện tại biển Bắc được ghi nhận đã từ năm 2013, theo CNN.
Các loài động vật biển có vú như hải mã di cư dọc theo bờ biển để ăn các loài không xương sống như nhuyễn thể tôm, cá nhỏ, ở những vùng nước nông.
Thông thường, những loài này luôn cảnh giác với con người và sẽ ở ngoài bờ biển Na Uy, thay vì vào sâu trong đất liền, theo ông Rune Aae, người dạy môn sinh học tại Đại học Đông Nam Na Uy và theo dõi các địa điểm Freya thường xuất hiện.
"Hải mã sẽ xuất hiện ở một số hòn đảo, nhưng sẽ sớm rời đi do nó sợ con người", ông Aae nói, cho biết Freya lại có biểu hiện ngược lại: "Tôi nghĩ nó thích con người".
Trước khi nổi tiếng ở Na Uy, Freya cũng từng gây chú ý khi xuất hiện tại Hà Lan. Nhà khoa học Jeroen Hoekendijk đã bắt gặp Freya đang phơi mình trên một tàu ngầm của hải quân Hoàng gia Hà Lan. Điều trùng hợp là con tàu ngầm này thuộc lớp Walrus - tên tiếng Anh của loài hải mã, theo Guardian.
Hải mã Freya từng phơi mình trên tàu ngầm lớp Walrus của hải quân Hà Lan hồi tháng 10/2021. Ảnh: Jeroen Hoekendijk. |
Trong khi đó, Kathrine Ryeng, nhà khoa học thú y thuộc Viện Hải dương học Na Uy, nói rằng Freya chọn những con thuyền trống để ăn và ngủ do các con thuyền khiến nó nghĩ đến đang nằm trên những tảng băng ở Bắc Cực.
Người dân Na Uy đã đổ xô để xem Freya ăn, tắm nắng, và phần lớn thời gian là ngủ trên thuyền trong nhiều ngày. Song nhiều con thuyền lại không thể chịu được cân nặng 600 kg của Freya.
Dù biết việc trèo lên các con thuyền là bản tính tự nhiên của loài hải mã, các chủ thuyền cũng không khỏi lo lắng khi những con thuyền của mình có thể bị hư hại, trong khi nhiều chiếc thuyền không có bảo hiểm nếu bị hải mã làm hỏng.
Quyết định vội vàng?
Giới chức Na Uy đã nhiều lần cảnh báo người dân giữ khoảng cách và tránh làm phiền Freya, nhưng vô ích. Ngày càng có nhiều người tiếp cận con hải mã, bơi bên cạnh và đôi khi quấy rầy giấc ngủ của Freya.
"Loài hải mã thường không gây nguy hiểm miễn là bạn giữ khoảng cách an toàn. Nhưng nếu nó bị con người quấy rầy và không nghỉ ngơi đủ giấc, nó sẽ cảm thấy bị đe dọa và sẽ tấn công", Tổng cục Thủy sản Na Uy thông báo hồi tháng 7.
Hôm 14/8, người đứng đầu Tổng cục Thủy sản Na Uy Frank Bakke-Jensen tuyên bố: “Quyết định an tử được đưa ra trên cơ sở đánh giá toàn cầu về mối đe dọa lâu dài đối với sự an toàn của con người”, AFP đưa tin.
Trong khi đó, Olav Lekver, người phát ngôn cơ quan thủy sản nước này, nói rằng Freya đã “đuổi theo những người chèo thuyền”.
Mặc dù vậy, quyết định từ giới chức Na Uy đã vấp phải làn sóng chỉ trích.
Freya nằm nghỉ trên một con thuyền ở vịnh Oslo hồi tháng 7. Ảnh: AFP. |
Trong bài đăng trên Facebook sau thông tin Freya đã chết, ông Rune Aae cho rằng quyết định an tử con hải mã là “quá vội vàng”.
"(Freya) sớm hay muộn thì cũng sẽ rời vịnh Oslo, dựa trên kinh nghiệm quan sát những gì đã xảy ra trước đây. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc an tử là điều không cần thiết", ông Aae nói. "Thật hổ thẹn".
Tương tự phản ứng của ông Aae, nhiều người dùng Twitter cũng bất bình trước quyết định an tử Freya từ phía Na Uy. Nhiều người cho rằng việc giết con hải mã vì "con người tiến đến gần nó" là không thỏa đáng.
Trước đó, giới chức Na Uy cho biết đã cân nhắc nhiều giải pháp, bao gồm đưa Freya ra khỏi vịnh, nhưng ông Bakke-Jensen nói rằng đó không phải lựa chọn khả thi do "rủi ro cao".
"Chúng tôi hiểu rằng quyết định này sẽ tạo ra nhiều phản ứng trong công chúng, nhưng tôi chắc chắn rằng đây là quyết định đúng đắn. Chúng tôi coi trọng quyền lợi động vật, nhưng tính mạng và sự an toàn của mọi người phải được ưu tiên", ông Bakke-Jensen nói sau khi giới chức an tử Freya.