Chi chi trành chành là trò chơi phổ biến của trẻ em đồng bằng châu thổ Bắc kỳ. Nguồn: ALT. |
Trong cuốn Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ của Ngô Quý Sơn, công bố lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1943, ngoài nội dung chính là cung cấp những tư liệu quý về các trò chơi của trẻ em Bắc Bộ, còn có một số bài viết có liên quan của các nhà nghiên cứu nổi tiếng.
Đáng chú ý là 2 bài viết của 2 học giả Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Văn Huyên cùng đưa ra lời giải về những khúc quanh của lịch sử ẩn sau bài Chi chi chành chành - một bài đồng dao thường hát kèm một trò chơi ú tim phổ biến ở đồng bằng châu thổ Bắc Kỳ.
Cuộc trốn chạy của vua Hàm Nghi
Trong bài Về các bài đồng dao và các trò chơi của trẻ em An Nam, học giả Nguyễn Văn Tố cho biết bài Chi chi chành chành có rất nhiều dị bản khác nhau, nhưng không ai ông quen dịch được nó sang tiếng Pháp hoặc giải thích được bằng tiếng An Nam.
Trong tuyển tập Chansons et jeux d’ enfants annamites (Trẻ con hát, trẻ con chơi, xuất bản lần thứ nhất, năm 1935) học giả Nguyễn Văn Vĩnh có chép lại bài Chi chi chành chành nhưng đây vẫn chưa là văn bản gốc bài của đồng dao.
Theo Nguyễn Văn Tố, bản gốc của bài đồng dao này được đăng lại lần đầu trên tờ Tổ quốc An Nam ngày 15/6/1935. Ông cũng cho biết thêm là mình có được bản gốc bài này từ một người sống ở vùng Sơn Tây.
Từ nội dung của bản gốc, Nguyễn Văn Tố đã giải nghĩa và cho rằng bài đồng dao liên quan đến một sự kiện lịch sử, đó là cuộc trốn chạy của vua Hàm Nghi vào tháng 7 năm 1885. Cụ thể:
Chu tri rành rành, nghĩa của nó là chúng tôi ngồi quây tròn ở đây và biết rõ rằng;
Cái đanh thổi lửa: Cái đanh khơi lên ngọn lửa (ám chỉ các sự kiện báo trước sự bi thương);
Con ngựa đứt cương: Con ngựa không còn cương nữa (người dân đã mất vua, tức Tự Đức, 1848-1883);
Ba vương lập đế: Ba vị vua (lần lượt kế tiếp nhau) lên ngôi (Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc);
Chấp chế thượng hạ: Các quan lại và thuộc hạ yêu cầu;
Ba chạ đi tìm: Ba làng (Thanh Lạng, Thanh Cộc và Tha Mặc) phải đi tìm nhà vua (tức vua Hàm Nghi);
Ú tim, ập!: Ngươi hãy mau trốn đi không tôi đóng cửa lại (bắt Hàm Nghi).
Từ việc giải nghĩa trên, Nguyễn Văn Tố cho rằng “không phải bài đồng dao nào cũng mang cùng giá trị thi ca, song tất thảy đều cung cấp lợi ích lịch sử lớn lao và ở đó ta tìm được tiếng vọng của cuộc sống ở xứ An Nam qua một số cách thể hiện trang trọng nhất. Chúng phản chiếu góc nhìn kỳ lạ về những khát vọng của dân tộc…”.
Sách Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ. Ảnh: MC. |
Lời tiên tri về tương lai xứ An Nam khi triều Lê sụp đổ
Trong bài Ghi chú về một bài đồng dao của trẻ em An Nam, học giả Nguyễn Văn Huyên cho rằng bài Chi chi chành chành gồm 6 câu 4 tiếng, mở đầu bằng Chi chi chành chành và kết thúc là Ú tim ù ập.
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra suy nghĩ và cách giải thích riêng về nội dung của bài Chi chi chành chành. Ông viết: “Đồng nghiệp của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tố, đã diễn giải rằng bài đồng dao này có liên quan đến các sự kiện bi thương xảy ra năm 1885, sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), và theo những gì xã hội thuở ấu thơ của tôi vẫn tin thì nó còn là lời tiên tri xưa dự đoán tương lai xứ An Nam khi triều Lê sụp đổ”.
Tiếp đó, Nguyễn Văn Huyên đã đưa ra cách giải thích mà mình từng được nghe, cụ thể:
Chi chi chành chành. Chi = cành cây; chành = chánh / ngành / cành. Câu thơ này đưa ra ý tưởng về sự biến đổi, tương lai, nguyên nhân - hệ quả.
Cái đanh thổi lửa: Cái đanh = cái đinh; thổi lửa = nhóm lửa. Câu thơ này ám chỉ que diêm làm bật ra lửa, khẳng định “sức mạnh phương Tây” vốn đã được biết đến ở An Nam vào cuối thế kỷ 18.
Con ngựa chết trương: Ngựa là con vật biểu tượng năm Ngọ, chết trương = chết mà xác bị bỏ mặc cho đến lúc trương lên. Câu thơ này ám chỉ cái chết của vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng), người băng hà vào ngày Mậu Ngọ (ngày thứ 17), tháng 7 năm Bính Ngọ (1786) sau 47 năm trị vì. Vua băng hà trong bối cảnh hoang mang chung, khi kinh thành bị các toán quân Tây Sơn chiếm đóng, đánh dấu sự mở đầu cho quá trình sụp đổ của nhà Lê (1788).
Ba phương ngụ đế: Ba phương = ba vùng; ngụ = ở tạm thời; đế = vua. Câu thơ này xác định tình hình chính trị An Nam sau khi triều Lê sụp đổ. Ba người xưng đế hợp pháp ở ba vùng đất nước: Nguyễn Văn Huệ (Quang Trung) ở miền Bắc, với thủ phủ đặt tại Thăng Long (hay Bắc Thành) và Phú Xuân; Nguyễn Văn Nhạc ở miền Trung, với thủ phủ đặt ở Quy Nhơn (Đồ Bàn/Chà Bàn/Vijaya); Nguyễn Ánh (vua Gia Long trong tương lai) mang vương miện của chúa Nguyễn ở miền Nam (Ngay từ năm 1789 ông đã lấy lại được Gia Định, tức Nam Kỳ ngày nay).
Cấp kế thượng hải: Cấp = ban cho, cung cấp, nhanh chóng, cấp bách; kế - mưu mẹo, phương tiện, hỗ trợ; thượng hải = biển phía trên, chỉ các nước phương Tây mà ta chỉ có thể đến được nếu băng qua biển lớn. Câu thơ này liên hệ đến chuyến du hành của hoàng tử Cảnh, con trai Nguyễn Ánh, người mà vào năm 1789 đã cùng giáo sĩ Adran đến Pháp yêu cầu viện trợ.
Ú tim ù ập: Ú tim: cách diễn đạt này được dùng để chỉ hành động đi trốn hoặc bịt mắt lại; ù ập = bắt kịp, đuổi kịp. Câu thơ cuối ám chỉ các sự kiện xảy ra sau cái chết của Gia Long, các sĩ quan cũng như lính thủy Pháp, những người từng giúp vị vua này lập nên triều đại. Vô tình hay hữu ý, các thế hệ trẻ nối tiếp các thế hệ thời Nguyễn Ánh đã biến đây thành trò chơi trốn tìm: người An Nam khiêu khích phản ứng của người Pháp bằng các hình thức khủng bố tôn giáo. Kẻ dù không muốn cũng đã mất vương triều; người dẫu không chủ ý lại giành được quyền bính. Cho tới tận phút cuối, tất cả vẫn chơi trốn tìm với nhau.
Trong sách, Nguyễn Văn Huyên cho biết thêm ông đưa ra những lý giải này đơn giản chỉ là có ý noi gương tiền bối Nguyễn Văn Tố, góp phần vào việc tìm hiểu một trong những nét đặc trưng của kho tàng văn hóa dân gian cổ xưa của dân tộc ta, vốn trải qua biết bao tai ương thăng trầm vẫn luôn kiếm tìm qua những lời tiên tri như một sự biện minh và an ủi qua các biến cố lớn lao của đời sống quốc gia.