Cứ rình khi nào mẹ có một chiếc nón cũ hỏng thì gỡ bỏ hết phần lá nón là có được một chiếc vòng mây tròn xoe. Cất kỹ đi để đến mùa Trung thu sẽ lôi ra.
Giấy màu xanh đỏ tím vàng có thể mua được, nhưng giấy bóng kính thì phải gom. Khi nào có ai biếu bánh khảo gói trong những miếng giấy bóng kính xanh đỏ, tôi phải canh đến khi hết bánh sẽ phủi sạch vụn bánh đi, ép miếng giấy vào trong sách cho phẳng, rồi cất vào hộp.
Giấy bạc thì lấy từ những bao thuốc lá Du lịch đỏ bố hay hút. Còn giấy vàng hiếm hơn, thỉnh thoảng lấy được từ mấy bao Vinataba hoặc Ba số sang xịn.
Khi nào rảnh tay lại tách mấy tờ giấy vở học sinh làm đôi sẽ có được tấm giấy như lụa mỏng làm cánh sao, để khi thắp đèn ánh sáng mới lung linh tỏa ra.
Tất cả đều phải được tích lũy cho mùa Trung thu
Trước Trung thu nửa tháng thì náo nức lắm rồi. Cuối tuần trẻ con trong xóm tụ tập nhau lại làm khung đèn. Tre tươi quanh xóm rất sẵn, chẻ mấy ống ra vót những nan dẹt và dài.
Tôi lấy chiếc vành nón giắt trên mái bếp xuống, hì hục buộc các đầu nan thành hình ngôi sao. Chẻ thêm năm que ngắn chống phía bên trong, làm ngôi sao phồng lên cứng cáp. Từ khi có khung, công cuộc trang trí mới bắt đầu.
Tôi rất mê môn thủ công và luôn tự hào là đứa làm thủ công rất giỏi. Những ngày này, mỗi chiều đi học về chỉ muốn quăng cặp sách lao ngay tới ông sao, nhưng ghét là lúc nào cũng phải nấu cơm trước đã.
Có bữa tôi nhóm bếp than xong rồi đặt nồi cơm lên, tranh thủ lúc cơm chưa sôi chạy lên nhà lôi đống giấy màu ra cắt tỉa hoa lá.
Thế giới hình họa sắc màu hiện ra dưới bàn tay trẻ thơ cứ y như cổ tích. Nhưng cổ tích vụt tan biến khi một mùi khét lẹt xộc vào mũi! Tôi rụng rời chân tay lao xuống bếp.
Mở vung nồi đã thấy cơm xung quanh cháy đen sì mà ở giữa vẫn sống nhăn. Bố mẹ về bây giờ thì toi đời, vì tôi làm cháy cơm không biết bao nhiêu lần rồi.
Vội vàng hất hết chỗ cơm khê xuống mé ruộng sau nhà để phi tang, lấy cát đánh thật lực đáy nồi cho sạch, rồi hối hả nấu nồi cơm mới. Vừa làm chân tay vừa run bần bật. May sao hôm ấy bố mẹ đều đi làm về muộn.
Ăn cơm xong lại phải học bài. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác náo nức phát sốt lên khi phải làm toán làm văn mà ông sao vẫn đang dang dở. “Đợi tao nhé sao ơi!”. Cố học bài thật nhanh, xếp sách bút cẩn thận, rồi lao tới ngôi sao với tất cả say mê.
Trên chiếc giường sát cửa sổ mở ra cánh đồng rộng thơm mùi lúa, mỗi ngày tôi hoàn thành một chút ông sao. Cánh sao dán mỗi cánh một màu; xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, phần ngũ giác ở giữa là giấy bóng kính mặt này xanh mặt kia đỏ.
Cắt những bông hoa xinh xinh bằng giấy bạc giấy vàng dán vào giữa các cánh sao cho lấp lánh. Phần khung tròn thì phải quấn tua rua, chỉ phối hai màu trắng và tím. Đầu tiên cắt những dải giấy dài, bề rộng chừng ba phân, dùng mũi kéo cắt các tua rua nhỏ theo chiều rộng.
Thế rồi phết hồ vào một đầu dải giấy tua rua và bắt đầu quấn chéo trên vành sao, hết dải màu tím lại đến dải màu trắng, cho đến khi kín trọn cả vành. Quấn xong thì vuốt ngược các tua cho bông xù lên.
Tiếp đến làm hai cuộn tua rua bằng giấy trang kim màu bạc, đấy là đồ rất hiếm, vốn là vỏ hộp bánh mẹ được biếu. Cuộn tua rua lấp lánh dài cỡ một gang tay buộc lúc lắc ở hai bên cánh sao trông y như cánh tay đang múa.
Ngôi sao lúc này đã trở nên tuyệt mỹ, chắc chắn nó là ngôi sao đẹp nhất trong tất cả ngôi sao của bọn trẻ con trong xóm. Thực ra không phải lúc rước đèn, chính lúc làm chiếc đèn mới là quãng thời gian hạnh phúc nhất.
Việc tra cán làm cuối cùng, hơi khó nên phải nhờ bố. Tất cả đã sẵn sàng cho đêm Trung thu!
Những chiếc đèn trở nên lung linh hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: Việt Linh |
Trung thu ở xứ trung du
Trung thu ở một xứ trung du buồn cũng không có gì nhiều, nhưng với đám trẻ con nghèo thèm khát đồ ngọt ngày xưa chẳng khác nào đại tiệc.
Ăn tối xong, lũ trẻ đã í ới rủ nhau tụ tập khoe đèn ở sân phơi thóc của nhà ông Thiện, nhà làm nông duy nhất ở cái xóm ven đường nhựa này. Các nhà khác đã góp bánh trái cho trẻ con ở đó.
Rào một cái, bánh trái đã hết bay. Lũ trẻ con bắt đầu rước đèn đi men con đường nhựa nhỏ. Buổi tối đường rất vắng, nhà cửa thưa thớt nên chỉ đi qua cái lều cuối xóm của bà Lang là màn đêm đã vây tỏa, hai bên đường là cánh đồng rộng thênh khiến cho những chiếc đèn trở nên lung linh hơn bao giờ hết.
Gió hiu hiu đưa đẩy và trăng vằng vặc trên đầu. Cả đám dừng lại trên cây cầu bé xíu, soi ngôi sao xuống suối và mê mải ngắm những bóng sáng in trên mặt suối mà dường như đêm Trung thu bỗng chảy lặng hơn.
Giờ nhớ lại, thấy những Trung thu ngày xưa thơ mộng biết mấy.
Rước đèn chán, mỗi đứa mang đèn về nhà cất để rảnh tay chơi trốn tìm, chơi rồng rắn lên mây, chơi bắn “bòm”, rồi cười nắc nẻ dưới ánh trăng rạng ngời trên nền trời trong veo.
Chừng mười rưỡi tối tôi trở về nhà, nhìn lên bức vách treo ngôi sao xinh đẹp, giật thót: Ngôi sao không còn ở đó!!! Tôi thảng thốt hỏi mẹ, ngôi sao của con đâu?
Mẹ vẫn đang cặm cụi trên chiếc máy khâu, không ngẩng lên, nói:
- Mẹ bán rồi.
Tôi đờ người ra kinh ngạc. Trung thu qua đêm nay là hết nhưng tôi sẽ còn ôm ấp cái đèn một thời gian lâu nữa, tôi đã dành bao công sức cho nó, và tôi đã yêu nó đến thế nào. Một cơn nghẹn từ bụng cuộn trào lên cổ. Mắt tôi bắt đầu ầng ậng nước:
- Sao mẹ… bán… của con?
- Ban nãy lúc mười giờ có một cô đạp xe vào, hỏi có bán đèn ông sao không. Cô ấy nói hôm nay bận làm quá tối mịt mới về nhà, không còn hàng nào bán đèn ông sao nữa. Cả tối con cô ấy khóc, nên cô ấy đạp xe đi lòng vòng xem có nhà nào có ông sao để mua lại. Mẹ thấy thương quá nên bán rồi.
Ồ… Thế là thôi tôi không khóc nữa. Dù hơi tiếc một chút nhưng lại thấy vui khi nghĩ một đứa trẻ nào đó đang hạnh phúc với chiếc đèn tôi làm, dù đêm Trung thu đã gần tàn.
Cho đến bây giờ mới nhận ra, đó là món tiền đầu tiên tôi kiếm được trong đời, từ một chiếc đèn ông sao…