Một ngày tháng tám, cận kề đêm Trung thu. Trời trong, nắng vàng như rót mật khiến tôi bất giác mỉm cười. Mong rằng tối mai, ông trời cũng sẽ vì bầy con trẻ đang háo hức phá cỗ mà chiều lòng người. Lũ nhóc sẽ được ngắm mặt trăng tròn vành vạnh, tỏa sáng lung linh giữa trời quang đãng không gợn mây. Tiếng trống, tiếng nhạc cùng những ánh nến lung linh sẽ khiến cho ngày vui trở nên náo nhiệt và rực rỡ hơn.
Ngày nhỏ, cứ vào thu, tôi lại hỏi sao mưa nhiều đến thế. Tháng ngâu, mưa lê thê lết thết. Từng mảng rêu xanh mượt cứ thế tươi tốt nơi góc sân rập rạp. Có khi ba bốn ngày không thấy được ánh sáng mặt trời. Sang tháng tám, lại là mùa bão. Nắng được mấy ngày, cơn áp thấp lại về. Ban sáng, tan sương là nắng đượm, nhưng đến chiều, trời lại xầm xì, không một chút khí sắc như người đi đòi nợ.
Mưa mấy hôm đầu tháng thì không sao, nhưng qua mùng mười mà còn mưa, hay nghe tin đài báo sắp có cơn áp thấp là bọn trẻ con lo ngay ngáy, như thể nhà giàu sống giữa phường trộm cắp. Người lớn vẫn thường ví von với nhau như vậy, rồi cười hỉ hả. Biết đâu trong lòng chúng tôi đang nóng như lửa đốt. Cả năm, mới có một ngày Tết Trung thu, mưa thì còn chơi bời vào đâu được nữa. Không buồn mới là lạ!
Rước đèn, niềm vui của con trẻ đêm trung thu. |
Hôm chợ phiên, tôi năn nỉ để được theo chân bà. Đến cổng chợ, đã thấy mấy đứa bạn đứng đó từ bao giờ. Cái Hiên đang chờ mẹ bán hết mấy mớ rau, cái Nga nhấp nhổm đứng đợi mẹ nhặt dăm quả cà. Xa xa, tôi thấy tiếng mẹ thằng Duy đang gọi tên nó vang khắp chợ. Sắp Trung thu có khác, chẳng đứa nào chịu ngồi yên, một mực phải đi chọn cho mình cái đèn ông sao đẹp nhất, hay một cái mặt nạ thật ưng ý, không sứt sẹo chỗ nào.
Vừa nghe thấy tôi đòi mua đèn, bà liền bảo: “Nom trời thế này, kiểu gì chả mưa, không đi chơi được đâu. Cháu mua đèn làm gì. Để bà mua thêm cho cái bánh nướng”. Tôi liền phụng phịu, sắp khóc đến nơi, bà đành chịu thua. Từ hôm đấy, cứ thấy trời nắng là mặt mũi đứa nào cũng tươi như hoa. Chỉ cần trời vừa kéo mây, lũ chúng tôi rầu như thể vừa mất sổ gạo.
Đèn ông sao bà cũng mua rồi. Tôi nhờ ông treo lên cái đinh cao tít gần chỗ người lớn hay mắc màn, vì để rơi một cái là hỏng đèn ngay. Thằng Duy sát vách nhà tôi đã làm hỏng đèn từ mấy hôm trước. Sang chơi, thấy cái đèn còn mới cóng, nó khích tôi lấy xuống chơi cho bằng được. Cũng may là tôi không nghe lời nó, chứ lấy đèn xuống cho nó phá thì mấy hôm nữa lấy gì chơi.
Đèn ông sao, món đồ chơi không thể thiếu trong đêm trung thu. Ảnh: Bestie.vn. |
Giữ gìn đèn ông sao đến hôm rằm đã khó. Tới lúc đó, thắp nến sao cho khéo để cái đèn không bị cháy cũng chẳng dễ dàng gì. Ông tôi phải loay hoay một lúc lâu, mới gắn được cây nến ngay ngắn trên thanh tre nhỏ, rồi nhẹ nhàng châm lửa. Thế nhưng, tôi vừa ra đến ngoài sân thì ngọn nến đã bị gió thổi tắt mất. Chưng hửng, đang định quay vào trong nhà nhờ ông châm lại, thì lũ bạn đã ý ới gọi ở đầu ngõ. Cứ thế, tôi hăm hở chạy đi, mặc cây đèn bé nhỏ chẳng có ánh nến lung linh.
Sáng ngày rằm, các chú, các bác đã căng phông bạt, để dựng một cái sân khấu nhỏ cho chúng tôi vui Trung thu. Nhìn trời có gợn mây, mọi người vẫn hăng say chuẩn bị, vì sợ “bọn con nít chúng nó buồn”. Người lớn bảo nhau: “Tạnh ráo thì để cho chúng nó ra sân chơi, mưa kiểu gì chẳng biết tìm chỗ trú, không phải lo xa!”. Tan học, đứa nào cũng tranh thủ chạy ngang qua sân nhà văn hóa, xem người lớn chuẩn bị đến đâu rồi. Chưa thấy mâm cỗ trông trăng, nhưng đứa nào cũng vui trong lòng.
Niềm vui đêm rằm bắt đầu từ khi được ngắm vầng trăng tròn vành vạch. Ảnh: Picstatio.vn. |
Đêm Trung thu thời ấy, toàn tiết mục “cây nhà lá vườn” là chính. Mấy anh chị trong ở Đoàn thanh niên mượn được mấy bộ trang phục biểu diễn để hóa thân thành chị Hằng và Chú Cuội khiến chúng tôi thấy Trung thu xóm mình “hoành tráng”quá, đẹp không thua gì trên ti vi. Chẳng mấy khi có loa và mic, nên cả bọn tranh nhau lên hát cho vui. Kể cả đứa nhút nhát như cái Hiên bạn tôi cũng phải “tranh phần” văn nghệ cho bằng được.
Nhiều năm xa nhà, lâu lắm rồi tôi không được trông trăng ở cái sân nhà văn hóa cùng đám bạn. Hít một hơi căng lồng ngực, tận hưởng bầu không khí mát dịu, thơm đẫm mùi rơm, pha chút ngai ngái của đất ẩm. Đám trẻ ngày xưa đã lớn, phần nhiều lập nghiệp xa xứ. Chúng tôi dựng vợ gả chồng, rồi sinh con đẻ cái ở những nơi không phải là quê mẹ, khiến ngôi làng bé nhỏ trở nên quạnh hiu, thưa vắng tiếng trẻ con. Thèm biết mấy cái cảnh bầy con nít rồng rắn kéo nhau đi chơi trong đêm rằm tháng tám.