Sở dĩ nói vậy, bởi vào dịp tết Trung thu hàng năm, xen giữa những hoạt động trông trăng, phá cỗ, rước đèn trung thu, là múa rồng, múa lân, là cổ tích, thần thoại được kể. Và qua đó, hình ảnh những con vật linh như rồng, kỳ lân, cóc (thiềm thừ) thỏ ngọc, cá chép được có mặt, làm tăng thêm vẻ mê hoặc cho cái Tết ngắm trăng.
Múa rồng đêm trăng
Khi nghiên cứu về Tết Trung thu, Hội hè lễ tết của người Việt của GS. Nguyễn Văn Huyên giải thích cặn kẽ hình tượng rồng xuất hiện trong dịp này và cho rằng tư tưởng tôn vinh rồng trong dịp Trung thu “chắc hẳn đó là tư tưởng chủ trì của tết Trung thu từ thời thượng cổ”. Theo tìm hiểu của tác giả Hội hè lễ tết của người Việt, rồng mang ý nghĩa ban phát ân huệ và hạnh phúc. Và tục múa rồng trong Tết Trung thu là bảo vệ vụ gặt vào dịp tháng mười. Chính vì thế “Đêm rằm tháng tám ta, người ta long trọng rước rồng qua các phố, đi trước là những lá cờ ngũ sắc, những đèn lồng hình hoa quả, tôm cá hay những vật quý, những tấm biển sáng với hàng chữ “Hoàng Long Thịnh Thế (mong rồng vàng làm cho cuộc sống phồn thịnh) hay “Thiên Hạ Thái Bình”.
Tranh dân gian múa rồng Tết Trung thu. |
Cảnh múa rồng dịp Tết Trung thu nửa đầu thế kỷ 20, được học giả họ Nguyễn kể lại. Để làm được rồng đem múa trong dịp này, vật liệu sẽ là tre để đan đầu rồng, phủ giấy và vải. “Người ta cho nó một cái mình đầy vảy và gai màu lam hoặc xanh, một cái đuôi lởm chởm, cái đầu có râu ria rậm rạp, mắt sáng quắc liếc đi liếc lại, bốn chân lủng lẳng với móng vuốt khủng khiếp. Nó được lắp trên những chiếc sào để cho những người khiêng nó, bản thân cũng ăn mặc sặc sỡ, lượn vòng để làm cho mình rồng cũng uốn lượn như rắn. Người ta làm cho nó biểu diễn và múa theo tiếng chiêng, tiếng trống trước mặt “hòn ngọc”, xung quanh là mây và ánh chớp, được vác ở đầu một cái gậy tre bởi một người phủ đầy mình những tấm băng nhiều màu. Thấy nó đi qua, những nhà giàu có sung túc đốt pháo để mừng nó và để lấy khước nhờ sự có mặt của rồng”. Đi theo đám rước rồng là một con kỳ lân, mà nhiều nơi nhầm là sư tử.
Kỳ lân nhún nhảy
Tết Trung thu, một trong những hoạt động, thú vui thu hút trẻ con, đó là múa lân cùng với múa, rước rồng. Ở đây ta chú ý thêm một chút. Nhiều nơi, nhất là miền Bắc, có vẻ nhầm nên gọi múa lân là múa sư tử. Cụ Phan Kế Bính khi viết Việt Nam phong tục, trong phần về Tết Trung thu, có ghi: “Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử”. Xem Đất lề quê thói của Nhất Thanh cũng thấy sự nhầm lẫn này và không chỉ thế, dân gian đã truyền “Sư hí cầu, Long tranh châu” cho thấy sự sai khác đã thành nếp.
GS. Nguyễn Văn Huyên trong tác phẩm Hội hè lễ tết của người Việt cũng có miêu tả rất chi tiết về múa sư tử trong đám rước rồng. Tuy nhiên, tác giả cũng đã đặt ra nghi vấn là phải chăng, điệu múa của rồng và sư tử “ghi lại truyền thuyết cuộc giao tranh giữa mặt trời và mặt trăng với con kỳ lân mà ở nước ta mọi người đã nhầm lẫn với con sư tử, được coi là chúa tể sơn lâm”. Thực chất của múa sư tử mà ta quen miệng, chính là múa lân.
Theo đó giai thoại kể lại mặt trăng và mặt trời trong khi vân du đã bị kỳ lân vồ, trái đất chìm trong tăm tối, hiện tượng nguyệt thực, nhật thực từ đó mà ra (sách vở ghi chép của các triều đại ở Việt Nam thì hay phổ biến trường hợp “gấu ăn trăng” để chỉ nguyệt thực). Để cứu thoát mặt trăng, mặt trời, người ta đánh trống và bắn tên. Và hoạt động cho rồng đi diễn và múa kỳ lân “là để cho thế giới thái bình, và để bằng cách đó, tránh cho con vật hoang đường khỏi ăn thịt mất các vì tinh tú lớn điều chỉnh chu kỳ vũ trụ của thời gian”.
Múa lân. |
Hiểu biết còn lẫn lộn giữa múa sư tử và múa (kỳ) lân còn duy trì đến nay. Thế nên trong Kiến thức ngày nay số 100, ra ngày 15/1/1993, học giả An Chi cũng đã phải phân biệt cho độc giả cặn kẽ vấn đề. Khởi nguyên, kỳ là tên con đực, lân là tên con cái, nhưng qua thời gian, lân hay kỳ lân chỉ cả con đực và con cái. Lân là con vật có tên trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Thân hình của kỳ lân được miêu tả là thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng, lông trên lưng ngũ sắc, dưới bụng màu vàng. Kỳ lân là con vật hiền lành, không đạp lên cỏ tươi, không hại vật sống. Trong sử Việt, cũng đã có miêu tả việc có thời xuất hiện kỳ lân, nhưng đó thực tế chỉ là con vật tưởng tượng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Palus Của cho biết lân là “con thú giống con sư tử”. Vì thoạt trông thì hình dáng của sư tử có đôi phần giống kỳ lân. Bởi vậy nên mới có chuyện nhầm múa lân thành múa sư tử.
Trong múa lân dịp này, đầu lân được đan bằng tre, phết giấy quét hồ cho cứng rồi vẽ màu, đầu nối với một tấm vải dài màu đỏ. Cái đầu lân được một người nâng lên đầu và dùng hai tay lắc lư giả làm điệu múa lân. Phía sau có thể là một hoặc nhiều người cầm tấm vải, múa theo động tác của người cầm đầu lân sao cho nhịp nhàng, ăn khớp và vui nhộn.
Cóc cung Quảng Hàn
Cóc được xem là có một vị trí lớn trong truyền thuyết về mặt trăng. “Mọi người nhìn thấy nó ở mặt trăng và gọi nó là thiềm thừ. Chính do đấy mà bản thân mặt trăng được gọi trong thơ là Thiềm cung (cung con cóc)”, Hội hè lễ tết của người Việt đã ghi chép lại tín ngưỡng này liên quan đến tết Trung thu.
Thiềm thừ được cho là có tuổi đời đến ba nghìn tuổi, thường ăn thịt những khách đi đường nên sau để cải hóa thiềm thừ, Ngọc Hoàng đưa nó lên mặt trăng gác cung Quảng Hàn. Theo lời Phan Kế Bính trong bài viết “Tết trung thu” đăng trên Đông Dương tạp chí số 26 (năm 1925) ghi lại truyền thuyết khác cho rằng thiềm thừ có ba chân, hai chân trước, một chân sau, sống ở trái đất trong hình dạng một người đàn bà, vợ của cung thủ Hậu Nghệ, tức là nàng Thường Nga, hay Hằng Nga. Vì uống trộm thuốc trường sinh, Hằng Nga bay lên trời đến cung trăng và biến thành con cóc ba chân. Bởi vậy nên Tết Trung thu khi mặt trăng tròn vành vạnh, người ta ăn bánh, thưởng trăng, ngắm lên vầng nguyệt, giữa những huyền ảo hư thực, lại hình dung ra hình ảnh con cóc trên cung Quảng Hàn. Cung Quảng Hàn cũng gợi lại cho ta về thuyết vua Đường Minh Hoàng bên Trung Hoa nằm mộng được lên chơi mặt trăng thăm cung Quảng, nghe khúc Nghê Thường; trong thi ca, hình tượng này cũng thường bắt gặp, như lời thơ của Phan Mạnh Danh trước 1945 có câu:
Quảng Hàn lạnh lẽo bao la lắm,
Giấc ấy êm không, hỡi chị Hằng?
Không chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng, trong truyền thuyết liên quan đến Tết Trung thu, thiềm thừ dần được hiện thực hóa khi trong dịp này, như miêu tả của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan qua hồi ký Những năm tháng ấy có cho biết trong mâm cỗ cho trẻ em chơi “bày những đồ chơi bằng giấy mua ở Hàng Gai như đình, đèn kéo quân, ông tiến sĩ, voi, ngựa, con thiềm thừ…”.
Thỏ ngọc tâm thiện
Ngắm trăng tròn và sáng nhất trong năm trong dịp Tết Trung thu, trí tưởng tượng bay bổng cùng truyền thuyết hòa quyện, mắt người dõi lên mặt trăng và tìm đến hình ảnh thỏ ngọc mà theo tác giả Hội hè lễ tết của người Việt là biểu tượng của người có đức thiện theo quan niệm Phật giáo.
Hình ảnh thỏ ngọc, thực chất được cho là gắn bó chặt chẽ với nàng Hằng Nga ở trên mặt trăng và được cho là con vật dùng chày giã thuốc trường sinh, coi sóc cung Quảng.
Trần tục và kinh nghiệm dân gian hơn “lại có người cho rằng những con thỏ này thụ thai trong khi ngắm trăng. Vì vậy, người ta căn cứ vào ánh trắng thu sáng như thế nào để đoán thỏ sẽ đẻ nhiều hay ít con”. Và cũng chính vì thế ở đây, hình tượng thỏ lại trở thành biểu tượng cho khả năng sinh sản nhiều.
Cá chép
Dịp Tết Trung thu không thể thiếu tục rước đèn. Tục này theo Phan Kế Bính xuất phát từ thời vua Nhân Tông nhà Tống. Dạo đó, truyền rằng có con cá chép thành tinh, cư đêm trăng là hóa thành con gái đi hại người trần. Ông Bao Công liền lệnh cho nhân gian làm đèn cá chép giống như hình nó mà đem giong chơi ngoài đường. Con cá chép thành tinh sợ không dám hại người nữa. Truyền thuyết là vậy, còn Nguyễn Văn Huyên trong bài viết đăng trên báo Indochine số ra ngày 24/9/1942 cho rằng cá chép đuổi bắt cái bóng mặt trăng phản chiếu dưới nước, đó là hình ảnh ám chỉ cuộc chiến giữa âm (mặt trăng) và dương (cá chép).
Cửa hàng bán đèn Trung thu xưa trong đó có đèn cá chép |
Trên tạp chí Dân Việt Nam số 4, tháng 5/1948 cho rằng “dân gian trong rằm tháng tám có tỏ ý trợ lực sự sinh trưởng của một thời tiết tốt và bố trận để khỏi “Dương” hoành hành. Vì nếu “Dương” thắng trong thời buổi đó trong năm thì sẽ có sự hỗn loạn to trong thời tuần hoàn”. Dương là cá chép, âm là mặt trăng, tỏ ra sự dung hòa trong thời điểm tháng tám. Và về mặt tín ngưỡng phương Đông như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, cá chép còn gắn với sự mạnh mẽ, trí tuệ, và cả truyền thuyết cá chép hóa rồng khi vượt vũ môn. Thế nên trong dịp Trung thu, hình ảnh đèn cá chép trở nên quen thuộc với trẻ em thôn quê hay phố thị.