Trò chọi gà đã có từ lâu. Ngay trong Hịch tướng sĩ, Hưng Đạo Vương đã có đề cập "cựa gà chắc không đâm thủng áo giáp giặc" để răn tướng sĩ ham mê thú vui mà quên nghĩa vụ quốc gia. Trò chọi gà thu hút đông đảo sự quan tâm của người xem. Các miếng đánh của gà thu hút sự tò mò đoán định của khán giả. Để chọi gà lại phải biết nuôi gà chọi, biết trông tướng gà "Đầu công, mình cốc, cảnh vỏ trai,/Đùi dài, ngắn quản chẳng thua ai"... |
Đánh bài tam cúc là cách nói trại của đánh bài tam quốc, là loại bài hình chữ nhật gồm 32 quân chia đều hai bên có tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt. Chơi bài tam cúc có thể chơi từ 2 người đến 4 người. Thú chơi tam cúc có từ lâu ở nước ta và được những người phong lưu ưa chuộng. |
Đi cà kheo đòi hỏi sự khéo léo. Cà kheo được làm từ hai đoạn tre đực hoặc gỗ cứng có đóng then ngang để làm điểm tì vào nách, phía chân kheo có đóng chốt để đặt chân. Đi cà kheo phải giữ thăng bằng tốt để không bị ngã. Trò chơi này thường diễn ra trong các dịp lễ hội hoặc có thể tiến hành thi chạy cà kheo xem ai nhanh hơn, đấu cà kheo xem ai ngã trước... |
Chơi kéo co là trò chơi tập thể và không phân biệt độ tuổi. Trò này chơi tập thể, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ cũng như có sức khỏe dẻo dai. Dụng cụ chơi là sợi dây thừng bền chắc, ở giữa buộc mảnh vải đánh dấu. Sân để chơi thường rộng và khi chơi có đánh dấu vạch ngăn hai đội chơi. Khi thi kéo co đội nào bị kéo qua vạch ngăn cách sẽ là đội thua. |
Chơi pháo đất phổ biến ở các hội làng miền Bắc trước đây và cũng là trò chơi quen thuộc của trẻ em thôn quê. Để chơi pháo đất thì phải chon loại đất sét dẻo mềm, có độ kết dính cao. Làm pháo đất phải biết vê pháo đất hình tròn hay bầu dục có đáy như chiếc nong và có thành pháo. Pháo đất phải nặn không được để hở nếu không khi đập úp xuống đất sẽ bị xịt. Người chơi tốt phải làm sao để khi đập úp pháo đất thì tạo ra tiếng nổ lớn và thành pháo bị đứt tạo thành hai râu pháo. |
Trò chơi thả diều đến nay vẫn còn nhiều người chuộng và nâng lên thành nghệ thuật thành những cuộc thi thả diều rất quy mô. Còn thả diều thông thường là trò chơi của trẻ em với những con diều giấy tự làm, thiết kế với nhiều hình thù khác nhau tùy vào sự sáng tạo, cùng với đuôi diều cũng bằng giấy. Để giữ diều bay phải dùng sợi chỉ dày hoặc sợi cước. Diều làm tốt, no gió sẽ bay cao. |
Rồng rắn lên mây là trò chơi tập thể phổ biến của trẻ em đi liền với bài đồng dao "Rồng rắn lên mây/Thấy cây núc nác/Hỏi nhà thầy thuốc ở đâu?"... Khi chơi sẽ có một người đóng vai thầy thuốc, một người làm đầu rồng rắn, và một người chốt hậu làm đuôi, người sau cầm gấu áo người trước và không được buông. Khi hát đồng dao sẽ diễn ra trò đuổi bắt của thầy thuốc làm sao cắt được đuôi và để đối phó lại, đầu rồng dang hai tay để cản... |
Thi nấu cơm trước đây phổ biến trong nhiều lễ hội ở miền Bắc nước ta. Có nhiều cách thi nấu cơm, thậm chí là vừa đi vừa nấu, hoặc ăn mía lấy bã nấu cơm... Thông thường thi nấu cơm là thi tập thể với mỗi đội từ hai người trở lên để phân việc phối hợp với nhau sao cho nhịp nhàng, đồng bộ từ việc gánh nồi cơm thi, giữ lửa, làm sao cho cơm chín ngon... |
Các trò chơi dân gian truyền thống khắp ba miền rất phong phú và những miêu tả ở trên chỉ là một vài dẫn chứng nhỏ. Nhiều trò chơi dân gian, thú vui mang tính phong lưu được miêu tả, trình bày tường tận trong tác phẩm Đồng dao và trò chơi truyền thống do Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành, và tác phẩm Phong lưu cũ mới của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển, do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản. |