Cứ 9h30 mỗi ngày trong tuần qua, một vị quan chức với giọng nói nhẹ nhàng lại xuất hiện trên đài truyền hình Triều Tiên để báo cáo số "ca sốt" và tử vong, cũng như để giải thích các biện pháp ngăn chặn đợt bùng dịch đầu tiên của nước này.
Tên vị quan chức này là Ryu Yong Chol.
Là gương mặt công chúng của cuộc chiến chống dịch tại Triều Tiên, ông Ryu có thể được ví với người đứng đầu công tác chống Covid-19 của Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci hay Giám đốc cơ quan ngăn ngừa dịch bệnh của Hàn Quốc, ông Jeong Eun Kyeong.
Ông Ryu Yong Chol trong một lần xuất hiện trên truyền hình để cung cấp thông tin cập nhật về đợt dịch của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Gương mặt của công chúng
Trong hơn hai năm qua, Triều Tiên đóng cửa biên giới và không ghi nhận bất cứ ca mắc Covid-19 nào. Nhưng rất ít chuyên gia y tế tin rằng Bình Nhưỡng đã hoàn toàn kiểm soát được đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 nhờ các biện pháp phong tỏa biên giới nghiêm ngặt, theo Bloomberg.
Kể từ khi xác nhận đợt bùng dịch đầu tiên và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước, Triều Tiên dường như đang học tập kinh nghiệm của nhiều nước khác. Nhà chức trách tại đây đã bắt đầu công bố chi tiết về mức độ lây lan cũng như khuyến cáo cách phòng tránh Covid-19.
Ông Ryu là một phần trong nỗ lực ấy. Theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên, ông làm việc cho trụ sở phòng tránh dịch bệnh khẩn cấp quốc gia của Triều Tiên. Cơ quan này có vẻ mới được thành lập để ứng phó Covid-19.
Tương tự cơ quan ở Hàn Quốc, cơ quan ứng phó Covid-19 của Triều Tiên cũng tổ chức các buổi cập nhật hàng ngày do ông Ryu phụ trách, với một điểm khác là không có phóng viên đặt câu hỏi.
Binh sĩ Triều Tiên cấp phát thuốc cho người dân tại một nhà thuốc giữa đại dịch Covid-19 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters. |
Trong trang phục áo vest cùng cặp kính gọng sừng, ông Ryu tạo cảm giác mình là người đáng tin và thẳng thắn.
“Chúng ta nên tăng cường nỗ lực kiểm soát và tách biệt mọi trường hợp mắc bệnh mà không có ngoại lệ, nhằm loại bỏ triệt để không gian lây nhiễm của căn bệnh này”, ông Ryu nói hôm 20/5. Ngoài ra, ông cũng thúc giục người dân “cảnh giác trước lỗ hổng”.
Triều Tiên tới nay đã ghi nhận hơn 2,2 triệu trường hợp "có triệu chứng sốt” và 65 ca tử vong. Quốc gia này còn thiếu cơ sở hạ tầng xét nghiệm và không nêu cụ thể bao nhiêu người trong số "các ca sốt" bị mắc Covid-19.
Chiến lược truyền thông mới của Triều Tiên
Chi tiết về ông Ryu còn nhiều điều chưa được công bố, bao gồm thông tin về bằng cấp y tế.
Trong một bản tin hồi tháng 7/2017, một vị cục trưởng thuộc Bộ Y tế Triều Tiên có cùng tên Ryu Yong Chol từng cáo buộc Hàn Quốc “có âm mưu tấn công khủng bố hóa sinh học” nhằm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hàn Quốc phủ nhận cáo buộc này.
Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất của Hàn Quốc cho biết ông Ryu cũng từng giữ chức cục trưởng, nhưng hiện chưa rõ liệu ông và vị quan chức được trích dẫn trong bản tin trên có phải cùng một người hay không.
Biển báo cấm xe cộ qua lại ở một con đường tại Bình Nhưỡng ngày 18/5. Ảnh: Reuters. |
Động thái minh bạch thông tin về Covid-19 được coi là chiến lược truyền thông mới của Triều Tiên. Chiến lược này phù hợp với việc ông Kim muốn thúc đẩy thiết lập “trạng thái bình thường” bằng cách tăng độ minh bạch và thừa nhận khuyết điểm, ông Yang Moo Jin, giáo sư thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nói.
“Ông Kim có thể sẽ còn khuyến khích người dân báo cáo triệu chứng và cùng chung tay khuất phục đại dịch vì mấu chốt để dập dịch là sự tham gia của người dân”, ông Yang nói.
Một quan chức khác từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên công bố số liệu là một phần trong nỗ lực nhằm “huy động mọi phương tiện có thể”, nhất là khi đợt dịch lần này rất bức thiết.
Giới quan sát nước ngoài lo ngại đợt dịch ở Triều Tiên có thể gây ra hậu quả lớn vì nước này hiện thiếu thốn vaccine, thuốc điều trị, và nhiều vật tư y tế.
Tuy dân số trẻ có thể làm giảm nguy cơ Triều Tiên xuất hiện nhiều ca triệu chứng nghiêm trọng, các chuyên gia y tế vẫn lo ngại về khả năng xuất hiện biến chủng mới tại đây.
“Nguy cơ xuất hiện biến chủng mới cao hơn ở những nơi không kiểm soát sự lây lan”, Michael Ryan, Giám đốc y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói hôm 17/5.