Trong một lần đến tiệm thuốc vào ban đêm gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ trích các quan chức về việc chậm trễ giao thuốc. Bên cạnh đó, quân đội Triều Tiên cũng giúp cách ly hàng trăm nghìn ca nghi mắc Covid-19 và kêu gọi những người có các triệu chứng nhẹ uống trà lá liễu hoặc kim ngân hoa, theo AP.
Theo những người đào tẩu ở Hàn Quốc có mối liên hệ với Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng tuyên truyền về một nỗ lực "toàn lực" để chống dịch, người dân nước này có thể vẫn e ngại.
Tập trung cách ly ca nghi mắc
Giới quan sát nước ngoài lo ngại đợt bùng dịch có thể trở nên tồi tệ hơn, khi nhiều người nghèo và chưa tiêm chủng có thể không nhận đủ sự chăm sóc cần thiết và phải vật lộn để có đủ tiền mua những loại thuốc cơ bản.
Kể từ khi báo cáo những ca mắc Covid-19 đầu tiên cách đây một tuần, Triều Tiên đã phải chiến đấu để xử lý một cuộc khủng hoảng sức khỏe khiến người dân lo ngại. Trước đó, nước này tuyên bố chưa từng ghi nhận ca nhiễm nào kể từ khi đại dịch xảy ra.
Triều Tiên đối phó với đại dịch chủ yếu qua việc cách ly những ca nghi mắc, vì nước này hiện thiếu vaccine, thuốc kháng virus, đơn vị chăm sóc đặc biệt và nhiều vật tư y tế chống dịch khác.
Lực lượng quân y Triều Tiên đã được triển khai để giúp phân phát thuốc cho các hiệu thuốc. Ảnh: KCNA. |
Giới chức y tế Triều Tiên hôm 19/5 báo cáo nước này đã có 63 ca tử vong do “sốt” và gần 2 triệu "ca sốt" kể từ cuối tháng 4, trong khi khoảng 740.000 người vẫn bị cách ly.
Đầu tuần này, Triều Tiên đã báo cáo 168 ca mắc Covid-19 giữa lúc số “ca sốt” đang gia tăng. Nhiều chuyên gia nước ngoài hoài nghi số liệu đó và tin rằng quy mô của đợt bùng phát đang được báo cáo không đầy đủ.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết một triệu công nhân đã được huy động để xác định những ca nghi nhiễm. Bên cạnh đó, ông Kim Jong Un cũng triển khai quân đội để hỗ trợ việc vận chuyển thuốc đến các hiệu thuốc.
Triều Tiên cũng sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước như báo chí, đài truyền hình và đài phát thanh, để tuyên truyền các biện pháp đối phó với Covid-19.
“Điều quan trọng là chúng tôi phải tìm ra từng người có các triệu chứng sốt để họ có thể được cách ly và điều trị, nhằm cơ bản ngăn chặn các không gian nơi bệnh truyền nhiễm có thể lây lan”, Ryu Yong Chol, một quan chức tại trụ sở chống dịch của Bình Nhưỡng, cho biết hôm 18/5.
Cụ thể, đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đã phát sóng chương trình về các nhân vật hoạt hình, trong đó khuyên mọi người nên đến gặp bác sĩ nếu gặp vấn đề về hô hấp, khạc ra máu hoặc ngất xỉu. Họ cũng giải thích những loại thuốc mà bệnh nhân có thể dùng, bao gồm cả các phương pháp điều trị tại nhà như trà mật ong.
Khuyến khích dùng thuốc cổ truyền
Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, khuyên những người có các triệu chứng nhẹ nên pha 4-5 gam lá liễu hoặc lá kim ngân trong nước nóng và uống ba lần/ngày.
Theo Kang Mi Jin, một người Triều Tiên đào tẩu đang sống tại Hàn Quốc, các mối liên hệ của cô ở thành phố Hyesan (Triều Tiên) cho biết người dân nước này đang được yêu cầu đọc kỹ các báo cáo của Rodong Sinmun về cách đất nước đang làm để ngăn chặn đợt bùng dịch.
Ông Kim Jong Un đã kêu gọi "chiến đấu toàn lực" để đối phó dịch bệnh Covid-19. Ảnh: AP. |
Kể từ ngày 12/5, Triều Tiên đã cấm đi lại giữa các khu vực, nhưng không cố áp đặt các đợt phong tỏa chặt chẽ hơn như ở Trung Quốc. Theo AP, nền kinh tế của Triều Tiên rất mong manh, một phần do chính sách đóng cửa biên giới trong đại dịch.
Vì vậy, quốc gia này đã khuyến khích đẩy mạnh hoạt động nông nghiệp, xây dựng và các hoạt động công nghiệp khác. Theo cô Kang, người dân ở thành phố Hyesan vẫn đi làm.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc từng bày tỏ lo lắng về hậu quả của các biện pháp kiểm dịch của Triều Tiên. Cơ quan này cho biết việc cách ly và hạn chế đi lại sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho những người vốn đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, bao gồm cả việc có đủ thực phẩm.
“Trẻ em, bà mẹ đang cho con bú, người lớn tuổi, người vô gia cư và những người sống ở các vùng nông thôn và biên giới là những đối tượng dễ bị tổn thương”, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
Những người đào tẩu ở Hàn Quốc cũng cho biết họ lo lắng cho những người thân yêu của mình ở Triều Tiên.
Trong những năm gần đây, ông Kim Jong Un đã cho xây dựng một số bệnh viện hiện đại và cải tiến hệ thống y tế, nhưng theo giới phê bình, chúng chủ yếu dành cho giới tinh hoa cầm quyền của đất nước.
Bên cạnh đó, theo những người đào tẩu khỏi Triều Tiên, có rất nhiều loại thuốc sản xuất trong nước tại các chợ hiện nay, nhưng chúng có vấn đề về chất lượng nên mọi người thường chuộng thuốc của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga hơn. Tuy nhiên, các loại thuốc nước ngoài thường đắt nên những người nghèo, chiếm đa số dân số ở Triều Tiên, không thể mua được.
Giữa đợt bùng dịch lây lan với “tốc độ bùng nổ”, Triều Tiên đã không phản hồi các đề nghị hỗ trợ y tế của Hàn Quốc và Mỹ.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 17/5 cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ dịch lan rộng ở Triều Tiên và việc thiếu thông tin về đợt bùng phát.