Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Triều Tiên đối mặt với 'thách thức kép'

Giới phân tích cho biết tình hình Covid-19 tại Triều Tiên khiến an ninh y tế và lương thực nước này ngày càng nghiêm trọng, trong thời điểm Triều Tiên bước vào vụ gieo cấy lúa.

covid19 bung phat tai trieu tien anh 1

Chia sẻ với Zing, các chuyên gia đồng tình với quan điểm hệ thống y tế Triều Tiên hiện nay gặp nhiều bất lợi, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Bên cạnh đó, việc từ chối tiếp nhận vaccine từ quốc tế trong hơn 2 năm qua khiến chương trình tiêm chủng gặp hạn chế.

Triều Tiên hôm 20/5 báo cáo thêm 2 trường hợp tử vong và hơn 263.370 ca nghi mắc Covid-19 mới, qua đó nâng tổng số “ca sốt” lên hơn 2,2 triệu trường hợp.

Dân số Triều Tiên khoảng 25 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, với độ tuổi trung bình là 35. Do vậy, Triều Tiên ít có nguy cơ xuất hiện nhiều ca triệu chứng nghiêm trọng so với các quốc gia có dân số già hơn, theo Washington Post.

Dù vậy, các chuyên gia y tế trên thế giới vẫn lo ngại về khả năng xuất hiện biến chủng mới từ Triều Tiên. “Nguy cơ xuất hiện biến chủng mới cao hơn ở những nơi không kiểm soát sự lây lan”, Michael Ryan, Giám đốc y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói hôm 17/5.

Thách thức với hệ thống y tế

Năm 2020, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng một phần ba dân số Triều Tiên “hạn chế tiếp cận với các dịch vụ y tế đầy đủ”.

"Theo thông tin từ hàng nghìn người tị nạn ở Triều Tiên mà chúng tôi đã giúp đỡ trong 26 năm qua, tôi có thể nói rằng hệ thống y tế ở Triều Tiên mỏng manh và không đủ trang thiết bị để đối phó với đợt bùng phát lớn", Tim Peters, Giám đốc Helping Hands Korea - Tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Seoul hỗ trợ những người Triều Tiên - nói với Zing.

Một chuyên gia khác có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về hệ thống y tế Triều Tiên cho biết nước này có nhiều bệnh viện và phòng khám, nhưng chất lượng chăm sóc và trang thiết bị khác nhau ở mỗi khu vực.

"Ở nhiều khu vực ngoại ô, dịch vụ chăm sóc rất hạn chế, thiếu thốn những thứ cơ bản như thực phẩm, chăn, giường, nước sạch, vệ sinh và hệ thống điện. Nhân viên được đào tạo, nhưng thiếu nguồn lực và kỹ năng. Những điều đó làm hạn chế dịch vụ y tế", chuyên gia này nói, yêu cầu ẩn danh với lý do bảo mật.

covid19 bung phat tai trieu tien anh 2

Biển báo cấm xe cộ qua lại ở một con đường tại Bình Nhưỡng ngày 18/5. Ảnh: Reuters.

David Hong - bác sĩ phẫu thuật thần kinh, từng đến Triều Tiên hỗ trợ nhân đạo năm 2019 - cho biết hệ thống y tế Triều Tiên gặp khó khăn về hậu cần, khi thiếu phương tiện cấp cứu.

"Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của quốc tế đã hạn chế việc Bình Nhưỡng nhập nguyên vật liệu để sửa chữa và chế tạo vật tư y tế", ông David Hong nói thêm.

Bài toán vaccine

Triều Tiên thiếu hụt thuốc ngay trước khi đóng cửa biên giới vào năm 2019 vì nguồn vốn tài trợ cho các cơ quan sản xuất dần cạn kiệt, cũng như lệnh trừng phạt đã hạn chế sản xuất nội địa, theo ông Nagi Shafik, cựu quản lý văn phòng WHO tại Bình Nhưỡng, cho biết. Ông nói thêm nhu cầu cấp thiết của Triều Tiên lúc này là dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ và thuốc - đặc biệt là các loại thuốc kháng virus.

Triều Tiên trong hơn 2 năm qua đã từ chối tiếp nhận vaccine, dù đến từ những đối tác lâu năm như Nga hay Trung Quốc. Bình Nhưỡng hoài nghi với các loại vaccine quốc tế đề nghị hỗ trợ, đặc biệt khi có báo cáo về tác dụng phụ và các ca tử vong.

“Triều Tiên biết rằng chưa có các nghiên cứu về ảnh hưởng của vaccine trong dài hạn. Do đó, thận trọng là điều dễ hiểu. Việc cung cấp vaccine cũng sẽ yêu cầu các chuyên gia y tế đến Triều Tiên để đào tạo và giám sát - điều Bình Nhưỡng luôn dè dặt”, chuyên gia cho biết.

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên hôm 17/5 đã đăng một số bài báo về các thói quen giúp kháng virus và việc ứng phó với đại dịch của các quốc gia khác. Đặc biệt, tờ báo đề cập đến vaccine và thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer.

Tuy nhiên, bài báo nhấn mạnh những loại thuốc như vậy sẽ tốn kém và có thể mang đến hiệu quả thấp trước các biến chủng mới. Do vậy, các biện pháp chống dịch mạnh mẽ sẽ vẫn cần thiết.

"Có lẽ đã muộn để chương trình vaccine đem lại hiệu quả. Vaccine mRNA (như Pfizer và Moderna - PV) phải tiêm cách nhau vài tuần, và mọi người chỉ được coi là 'đã tiêm chủng' sau hai tuần tiêm mũi thứ hai. Dây chuyền làm lạnh vaccine mRNA và việc đào tạo cho bác sĩ - đặc biệt ở những vùng nông thôn - chắc chắn là một thách thức", chuyên gia ẩn danh nói.

covid19 bung phat tai trieu tien anh 3

Truyền hình Hàn Quốc cập nhật về tình hình Covid-19 tại Triều Tiên, được phát tại nhà ga ở Seoul. Ảnh: Reuters.

Sokeel Park, Giám đốc Liberty in North Korea - Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người tị nạn tại Triều Tiên, cho biết chính quyền ông Kim Jong Un nhận thấy phải có phản ứng khẩn cấp toàn quốc, đồng thời thừa nhận thực tế rằng biến chủng Omicron lan rộng ra nhiều khu vực bên ngoài Bình Nhưỡng.

"Chúng tôi lo ngại tình trạng hệ thống y tế công cộng và khả năng miễn dịch tự nhiên thấp sẽ khiến người dân Triều Tiên dễ bị tổn thương trước Omicron. Ngoài ra, lệnh phong tỏa có thể làm tăng thêm nhiều ca tử vong do lương thực và thuốc men", ông Sokeel chia sẻ với Zing.

Thời điểm nhạy cảm

Đợt bùng phát diễn ra trong mùa gieo cấy lúa, và phần lớn người dân phải đến các đồng ruộng làm việc để đảm bảo cây phát triển đúng thời hạn, trước khi có thể thu hoạch vào mùa thu.

“Triều Tiên vốn đang thiếu lương thực nghiêm trọng. Nếu vụ lúa mùa Thu bị đe dọa do không thể thu hoạch kịp thời, thiếu phân bón (do đóng cửa biên giới) hay do thời tiết, nó có thể dẫn đến nạn đói vào cuối năm”, chuyên gia ẩn danh cho biết.

Đồng quan điểm, ông Jiro Ishimaru, nhà sáng lập hãng tin Asia Press’s Rimjingang (Nhật Bản), nói rằng những người bị "sốt" được yêu cầu ở nhà và tự chữa trị mà không có hướng dẫn cụ thể để nhận lương thực.

"Điều quan trọng nhất với Triều Tiên lúc này là khả năng tiếp cận nguồn lương thực", ông Ishimaru nói.

Ở các vùng bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, báo cáo của Liên Hợp Quốc và Quỹ Nhi đồng Quốc tế (UNICEF) cho biết có 40% dân số bị suy dinh dưỡng.

“Việc có 40% dân số cần hỗ trợ lương thực cho thấy ít nhất 11 triệu người Triều Tiên đang có hệ miễn dịch thấp", ông Tim Peters nói.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại lễ diễu binh ban đêm của Triều Tiên Hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên diễu binh vào tối 25/4 để mừng 90 năm thành lập quân đội. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 cũng xuất hiện trong buổi lễ.

Triều Tiên đã có gần 2 triệu 'ca sốt'

Triều Tiên hôm 19/5 báo cáo thêm một trường hợp tử vong và hơn 260.000 ca nghi mắc Covid-19 mới, qua đó nâng tổng số “ca sốt” lên gần 2 triệu trường hợp.

Ông Kim Jong Un giữa 2 lựa chọn

Đại dịch bùng phát quy mô lớn ở Triều Tiên đặt ra 2 lựa chọn giải pháp cho ông Kim Jong Un: Đón nhận hỗ trợ từ nước ngoài hoặc tiếp tục chính sách tự lực.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm