Một trong những tòa nhà đầu tiên bạn bắt gặp ở rìa ngôi làng chỉ có 7.500 cư dân này là ngôi nhà mới của cha mẹ Pep Guardiola – được xây dựng bởi cha của Pep, một thợ nề – một tòa nhà ba tầng hiện đại ngay gần đường chính.
Một phần thời niên thiếu của Pep được tái hiện trong cuốn sách "Pep Guardiola: Another Way of Winning" của tác giả Guillem Balague.
Mê mẩn sự hào hoa của Michel Platini
Santpedor là kiểu làng nơi mọi người chào nhau trên đường phố, cho dù họ có quen biết nhau hay không. Và những người biết nhau dừng lại để trò chuyện về cùng một chủ đề, như bất kỳ ngày nào khác.
Những con đường rộng lớn bắt đầu nhập vào mê cung hẹp, những con phố hàng thế kỷ uốn lượn về phía hai quảng trường chính của Santpedor, Plaça Gran và Plaça de la Generalitat, bây giờ nó thường được gọi là “quảng trường nơi Pep Guardiola sinh ra”. Vào bất kỳ buổi sáng nào trong năm 1979, một cậu bé 8 tuổi cũng có mặt ở trung tâm quảng trường với một quả bóng trong tay.
Ngôi làng Santpedor với những kiến trúc có từ hơn 100 năm. |
Được người dân địa phương gọi là “Guardi”, cậu bé với đôi chân khẳng khiu như cành cây, sẽ đá quả bóng vào tường cho đến khi đủ các đồng đội đến để đấu trận. PlayStation không tồn tại vào thời điểm đó và hầu như chẳng có đủ ô tô trên đường để gây ra mối nguy hiểm nào đối với một đám trẻ đang mải mê chơi bóng đá đường phố.
Pep sẽ chơi trước khi đến trường, trên đường đi học về, thậm chí còn tập bóng trong bữa tối gia đình và mẹ anh ấy sẽ phát mệt khi mắng quát “để quả bóng đó nằm yên trong năm phút đi”. Giống như nhiều bà mẹ và con trẻ ở các thị trấn và làng mạc trên khắp thế giới.
Ngày nay, ô tô có thể chạy qua quảng trường và thậm chí đỗ ở trung tâm. Nó không còn là nơi mà trẻ em có thể chơi. Lúc trước, khi còn làm cho Barca, Pep hay về Santpedor, thực hiện những cuốc đi bộ quanh vùng thôn dã, như một cách thiền định. Đến thăm cha mẹ, dì Carmen hay chú José, hoặc bất kỳ người thân nào vẫn sống ở Santpedor.
Gần đây, người làng ít thấy ông hơn, nhưng sự hiện diện của ông được cảm nhận ở nhiều nơi trong làng. SVĐ bóng đá mang tên ông, bức ảnh của ông tô điểm cho một số nhà hàng, quán bar. Dân làng tất nhiên đều là CĐV của Barca. Ngoại trừ một người ủng hộ đối thủ cùng thành phố của Barca là Espanyol. Thật tình cờ, đó là ông nội của Pep. Trong một ngôi nhà của gia đình Pep còn treo một tấm áp phích Espanyol trên tường để tưởng nhớ ông.
Pep tuổi thiếu niên khoác áo đội trẻ Barca. |
Quay trở lại đứa trẻ Pep, khi mặt trời đã lặn trên quảng trường làng, cậu bé về nhà và đặt quả bóng ở một góc phòng ngủ của mình, một không gian khiêm tốn được trang trí bằng một tấm áp phích có hình Michel Platini. Pep chưa bao giờ xem Platini thi đấu – thời đó tivi không chiếu nhiều về bóng đá quốc tế – nhưng anh đã nghe bố và ông nói về khả năng lãnh đạo và hào quang của cầu thủ Juventus, cách ngôi sao người Pháp lịch lãm vuốt ve quả bóng, ngẩng cao đầu, quan sát mặt sân và chọn đường chuyền tiếp theo.
5 năm sau, một cậu bé nhặt bóng ở sân Camp Nou tên là Pep Guardiola đã cố gắng xin chữ ký của Platini khi kết thúc một trận đấu, nhưng thất bại.
Trải nghiệm Camp Nou đầy duyên nợ
Cuộc di cư đầu tiên của Pep là chuyển đến một trường Công giáo cách nhà vài dặm, La Salle de Manresa, khi cậu lên 7 tuổi. Đó là một môi trường nghiêm ngặt. Tại đó Pep học tiếng Anh để bây giờ nói chuyện thoải mái trong các cuộc họp báo. Và tiếng Italy, tiếng Pháp, bên cạnh tiếng Tây Ban Nha và Catalonia.
Sân bóng làng Santpedor nay mang tên Pep. |
Tại La Salle, những tính cách đặc trưng của Pep liên tục phát triển: sự đòi hỏi bản thân, sức hấp dẫn bẩm sinh và bị ám ảnh bởi bóng đá. Nhưng trên hết, Pep tỏ ra là một người biết lắng nghe xuất sắc và giống như một miếng bọt biển, anh tiếp thu kiến thức từ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người lớn tuổi. Pep cao và gầy hơn mọi người, có lẽ là hệ quả của việc anh không bao giờ đứng yên một chỗ.
Khả năng lãnh đạo và chuyền bóng của cậu trai lanh lợi dễ dàng lọt vào mắt tuyển trạch viên từ CLB Gimnàstic de Manresa. Với sự ủng hộ của cha mình, Valentí, anh bắt đầu tập luyện tại Gimnàstic hai hoặc ba lần một tuần. Và một số nguyên tắc chính nhanh chóng thấm nhuần trong anh: ngẩng cao đầu, bóng đá hai chạm, giữ bóng trên mặt sân…
Năm 1982, Pep 11 tuổi lần đầu tiên đặt chân đến Camp Nou hùng vĩ để xem Barca tiếp Osasuna ở La Liga. Một bạn tập của cậu ở Gimnàstic có một người họ hàng đang giữ vé xem cả mùa của Barca và Pep đã hỏi mượn nó để xem một trận đấu ở Camp Nou.
Con phố dẫn đến Camp Nou là một biển người làm dâng lên trong Pep “một cảm giác lạ thường” của niềm vui, sự phấn khích, một sự hiển linh. Khi ngồi ở hàng thứ 7 của khán đài phía bắc, ngay phía sau khung thành, anh ta lẩm bẩm với bạn mình: “Tôi sẽ trả hàng triệu đô la để chơi trên sân đó một ngày nào đó”. Trên thực tế, Pep đã khoác áo Gimnàstic chơi một vài trận giao hữu với các đội bóng của học viện FC Barcelona.
Barca gọi hai lần, không thể bỏ lỡ nữa
Vào khoảng thời gian này, Pep không hề hay biết, người cha Valentí điền vào một mẫu đăng trên một tờ báo thể thao, mang đến cho trẻ em cơ hội tham gia các cuộc thử nghiệm do Barca tổ chức. “Barcelona muốn gặp con”, người cha nói với Pep vài ngày sau đó, trước sự ngạc nhiên của cậu. Tất nhiên, Pep đến sân, rất hồi hộp. Cậu đã chơi tệ. Và cậu biết điều đó. Tiếp theo là một đêm mất ngủ.
Pep và mẹ, bà Dolors Sala Carrio trên đường phố Santpedor. Bà qua đời năm 2020 vì dịch Covid ở tuổi 82. |
Cậu được yêu cầu quay lại vào ngày thứ hai nhưng cũng không khá hơn. Ở buổi thử việc, Pep được xếp chơi ở vị trí tấn công rộng biên, cậu thiếu tốc độ cũng như sức mạnh để nổi trội.
Pep có thêm một cơ hội, được mời trở lại vào ngày thứ ba. HLV chuyển Pep vào vị trí tiền vệ trung tâm, đột nhiên trở thành thỏi nam châm hút bóng, chỉ đạo lối chơi tấn công và điều tiết nhịp độ. Barca quyết định họ muốn cậu tham gia cùng họ.
Valentí, và mẹ của Pep, Dolors, lo lắng rằng những chuyến đi khó khăn và căng thẳng tới Barcelona sẽ khiến con trai họ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, sợ hãi và không thể ăn uống đầy đủ. Sau khi thảo luận với vợ, Valentí quyết định từ chối lời đề nghị của Barca. Họ cho rằng Pep còn quá nhỏ để chuyển đến La Masía, quá ngây thơ để sống xa gia đình một mình, chưa đủ sức để thi đấu.
Nhưng bóng đá vẫn là một phần quan trọng trong thói quen của gia đình Guardiola với những chuyến đi liên tục đến Manresa và khắp khu vực để tham dự các trận đấu, Pep được thăng chức làm đội trưởng của đội Gimnàstic. Giấc mơ Barça dường như đã bị lãng quên.
Ông Valenti hiện vẫn trông giữ bảo tàng cá nhân Pep Guardiola tại ngôi làng. |
Vài năm sau, 1983, Barca lại gọi điện cho gia đình Guardiola. Valentí nhấc ống nghe và lắng nghe lời đề nghị của họ. “Chúng ta phải nói chuyện”, ông nói với con trai mình sau buổi tập với Gimnàstic.
Gia đình quây quần quanh bàn ăn tối, Valentí giải thích việc chuyển đến Barcelona sẽ đưa Pep đến một cấp độ nghĩa vụ, trách nhiệm và kỳ vọng hoàn toàn mới. Cho đến thời điểm đó trong cuộc đời của Pep, bóng đá chỉ là một trò chơi, nhưng, như Valentí đã nói với con trai mình, giờ đây cậu có cơ hội thay đổi cuộc đời mình và kiếm sống từ môn thể thao mà cậu yêu thích tại CLB cậu yêu mến.
Pep tiếp thu và hiểu những gì đang bị đe dọa, nếu từ chối, Barca không quay lại nữa, anh sẽ phải từ bỏ ước mơ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Pep rời khỏi nhà và những gì quen thuộc, đến La Masía, đến với học xá, giường tầng, chuông báo thức, tấm hình Platini, những người bạn mới như Guillermo Amor… và như người ta vẫn nói, những gì tiếp theo sẽ trở thành lịch sử.
Mục Thể thao giới thiệu Soccernomics của hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski, cuốn sách phơi bày phần nào sự thật về nền công nghiệp bóng đá với đại diện tiêu biểu là những ông lớn như Real Madrid, Barcelona, Manchester United...