Lịch sử bóng đá cũng là lịch sử trao truyền giáo lý giữa bậc thầy và học trò. Jimmy Hogan có ảnh hưởng đáng kể đến Josef Blum. Blum ảnh hưởng đến Karl Humenberger, người dẫn dắt Rinus Michels trong 5 năm. Michels có học trò là Johan Cruyff, người sau đó truyền ý tưởng cho Pep Guardiola. Kế tiếp sẽ là Xavi Hernandez và Xabi Alonso
Cũng không thể bỏ qua các nhánh khác như Herbert Chapman - Vittorio Pozzo - Karl Rappan - Helenio Herrera - Fabio Capello - Jose Mourinho. Sự phát triển của bóng đá chỉ có thể được hình thành từ việc các HLV truyền đạt kiến thức một cách hào phóng, trực tiếp cho những cầu thủ sáng suốt nhất. Hoặc dưới dạng di sản của một CLB.
“Kẻ cắp ý tưởng” và hai người thầy
Mọi học trò đều được truyền cảm hứng từ bậc thầy của mình, như John Berger viết trong cuốn tiểu sử nổi tiếng về Pablo Picasso: “Các họa sĩ luôn sao chép tranh của những người mà họ coi là bậc thầy của mình”. Một nghệ sĩ không bao giờ bắt đầu từ con số không, bởi vì họ đều có quá khứ, tiếp xúc với những người ảnh hưởng đến anh ta.
Pep khi còn huấn luyện Barca và người thầy lớn Johan Cruyff của ông. |
Hình dạng của những khuôn mặt mà học trò vẽ lúc đầu rất giống với khuôn mặt mà thầy đã vẽ. Nhưng sau đó, học trò thêm vào sự sáng tạo thực sự của anh ta. Các học trò vượt qua các bậc thầy, bởi vì họ đứng trên vai những người khổng lồ. Bạn có thể đọc hàng chữ của Leonardo da Vinci trong Trường đại học La Sapienza ở Roma: “Người môn đệ đáng buồn là người không vượt qua thầy mình”.
Hai người thầy của Pep Guardiola là Cruyff và Juanma Lillo. Lillo bắt đầu huấn luyện năm 1981, từng là trợ lý của Pep ở Manchester City. Với Cruyff là sự trực quan, sáng tạo, nghệ sĩ, sâu sắc, đơn giản. Lillo truyền cho Pep sự hợp lý, trí tuệ, lý trí, phức tạp. Hai bậc thầy đối lập nhau về tính cách - nhưng lại rất gần gũi về tư tưởng bóng đá - khơi dậy một cách lạ thường hai con người trong Pep: con người nghệ sĩ và con người duy lý. Ông có tâm hồn nghệ sĩ nhưng lại có đầu óc duy lý.
Khi Pep trầm ngâm và im lặng, ngồi trên quả bóng giữa sân tập, ông đang suy nghĩ về cách bày binh bố trận. Đó là một Pep lý trí và băng giá. Khi chúng ta thấy ông trong các trận đấu vẫy tay, la hét, đó là Pep đang giải phóng niềm đam mê sáng tạo của mình như Cruyff.
Bản thân Pep thường tự nhận mình là một “kẻ cắp ý tưởng”. “Ý tưởng thuộc về mọi người, tôi đánh cắp càng nhiều càng tốt”, Pep nói trong một lần. Pep không lãng phí cơ hội để nắm bắt các ý tưởng, khái niệm hay cảm giác, cho dù khi đọc một cuốn sách về bóng bầu dục hay xem cách Atletico Madrid phòng thủ.
Picasso nói một điều gợi nhớ đến khái niệm “kẻ cắp ý tưởng” của Pep. Picasso nói: “Tôi không sao chép, tôi ăn cắp”. Ông không lấy một một bức tranh đã có và sao chép nó. Mà ông lấy bức tranh đó ra nhai ngấu nghiến, nuốt nó, “đánh cắp” bản chất của nó, nghiền nó trong dạ dày và sinh ra tác phẩm của riêng ông. Bức “The Young Ladies of Avignon” của Picasso dựa trên các tác phẩm điêu khắc của El Greco. Quá trình hấp thụ này trong chỉ ở Picasso mà còn ở nhiều nghệ sĩ vĩ đại khác. Trong văn học, hội họa, điêu khắc có một phong trào nghệ thuật gọi là “chủ nghĩa chiếm đoạt” để nói về điều này.
Pep sử dụng Messi như số 9 giả ở Barca hay Sterling, Foden ở Man City. Pep khôi phục kim tự tháp ngược 2-3-5 ở Bayern Munich. Ông không phát minh ra bất kỳ thứ gì trong số này, nhưng ông đào sâu vào quá khứ và hiểu rằng có những ý tưởng có tiềm năng lớn nếu khai thác trong những điều kiện nhất định và vào mục đích nhất định. Ông “đánh cắp” bản chất của các ý tưởng và tạo ra tác phẩm của riêng mình. Angel Cappa, một HLV người Argentina nói: “Tương lai của bóng đá là quá khứ”.
Chơi đồng thời cả bóng đá thi ca và văn xuôi
Trong Pep là hai con người trái ngược tồn tại song song. Vừa là tông đồ của Cruyffista cấp tiến, lại vừa chiết trung kiểu Đức. Yêu cầu cầu thủ chuyền bóng nhanh, nhưng lại phải chơi nhịp nhàng. Là HLV tin rằng “bóng đá phải là ý tưởng” nhưng lại yêu cầu cầu thủ phải “chạy như một lũ khốn”.
Pep đã đưa nhiều yếu tố phá cách để làm phong phú trường phái cổ điển Bayern Munich. |
Đôi khi bạn có thể thấy Pep buồn khi đội thắng, đó là vì ông không hài lòng với một số khía cạnh của trận đấu. Vào những lúc khác, ông tỏ ra vui vẻ trước thất bại. Đó là vì đội đã chơi theo cách ông muốn và thất bại chỉ là kết quả của một số yếu tố không thể kiểm soát được. Ông khen ngợi một cầu thủ có trận đấu tệ hại, vì ông chỉ muốn không ai cảm thấy lạc lõng trong nhóm.
Năm 1971, nhà báo Pasolini viết một bài báo đáng kinh ngạc, so sánh bóng đá châu Âu như ngôn ngữ văn xuôi, dựa trên hệ thống ngữ pháp, cấu trúc chặt chẽ. Và nhận xét bóng đá Nam Mỹ bay bổng như thi ca. “Nếu rê bóng và ghi bàn là những khoảnh khắc thi vị cá nhân trong bóng đá, thì bóng đá Brazil thực sự là thứ bóng đá của thi ca”.
Pep là nhà thơ hay nhà văn? Cả hai. Sự ngưỡng mộ sâu sắc của ông dành cho bóng đá Italy và Brazil không phải ngẫu nhiên. Pep khao khát hòa nhập vào cùng một mô hình thứ bóng đá tổng lực của Michels và Cruyff với đặc tính tốc độ, thẳng đứng và cường độ liên tục của người Đức. Đây là một bản tóm tắt khác của Pep: Thi ca Brazil cộng với văn xuôi Italy, thi ca Hà Lan cộng với văn xuôi Đức.
Đây chắc chắn không phải là nguyện vọng độc quyền của Pep. Nhiều HLV theo đuổi nó kể từ khi “La Maquina”, biệt danh của đội hình River Plate giai đoạn 1941-1947, gieo những hạt giống bóng đá tổng lực đầu tiên. Đội bóng đó là tiền thân của những đội bóng vĩ đại khác. Khát vọng “La Maquina” được tái hiện ở những mức độ khác nhau dưới tay các HLV Sebes, Maslov, Michels, Happel, Lobanovskyi, Sacchi và Cruyff. Giấc mơ thực sự của Pep là Manchester City có thể chơi đồng thời cả thứ bóng đá thi ca và văn xuôi.
Man City là tác phẩm mang dấu ấn cá nhân nhất của Pep
Trong cuốn sách “Pep Confidential”, những từ được sử dụng nhiều nhất để mô tả Pep không phải là những thứ liên quan đến nghệ thuật hay thẩm mỹ. Mà là lao động và nỗ lực. Từ “tài năng” xuất hiện 19 lần, nhưng từ “tập luyện” đã được viết 189 lần, từ “công việc” 89 lần. Nhóm các từ lãnh đạo, phương pháp xuất hiện 13 lần. Nhóm các từ: nỗ lực, cường độ, chạy, năng lượng và sức mạnh, tổng cộng có 171 lần xuất hiện.
Man City mới thật sự là nơi Pep tạo dựng tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình. |
Đào tạo và thực hành chứng minh mức độ tiến bộ là có thể. Khi Tchaikovsky sáng tác Bản hòa tấu cho vĩ cầm vào năm 1878, nhạc trưởng Leopold von Auer từ chối diễn, vì ông cho rằng không thể chơi bản nhạc đó. Nhưng ngày nay, bất kỳ sinh viên nhạc viện nào cũng có thể chơi được.
Các cầu thủ Bayern khi trước không thể thực hiện chuỗi hơn 10 đường chuyền liên tiếp mà không bị chặn lại. Nhưng sau khi Pep đến, chúng ta có thể thấy nhiều video họ thực hiện hơn 50 đường chuyền, với tốc độ chóng mặt.
Trong 3 mùa ở Bayern, Pep tổ chức 835 buổi tập, 161 trận đấu chính thức, 37 trận giao hữu, 530 bài giảng kỹ thuật nhóm và khoảng 2.000 cuộc họp cá nhân để phân tích video. Điều này có nghĩa là “học deep" do Guardiola chỉ đạo đã kéo dài hơn 1.500 giờ thi đấu và luyện tập trên sân, bên cạnh 1.500 giờ khác trong văn phòng. Có thể tóm tắt rằng các cầu thủ Bayern làm việc khoảng 3.000 giờ rất chất lượng, căng thẳng, tập trung vào những điều cốt yếu và hướng tới những mục tiêu cụ thể.
Với Pep, Barca là một trường phái hội họa hợp nhất, là tác phẩm của nhiều học viên có thời gian học nghề lâu dài. Ở đó, Pep vẽ bức tranh của Cruyff theo phiên bản cá nhân của mình. Đó là trường phái mang mùi giáo điều và độc tôn, nhưng nó mang tính tự truyện của Pep, phản ánh những gì đã có, cho đến lúc đó, cuộc đời của Pep: chỉ có Barca, Barca và Barca.
Giai đoạn màu đỏ Bayern là giai đoạn thích ứng của Pep. Bayern đại diện cho trường phái hội họa cổ điển, chính thống trong bóng đá. Khung của nó dường như bất động và chủ đề bất động: chiến thắng, không còn lựa chọn nào nữa. Ở trường phái cổ điển này, Pep đưa vào các yếu tố phá cách, thậm chí siêu thực nếu nhìn từ góc độ của những người bảo vệ tinh hoa Đức. Pep đưa vào hai phong cách đối lập để tìm kiếm một sự kết hợp tưởng như không khả thi. Nó đã được cực đoan hóa trên nền tảng của Cruyff, thêm vào nền tảng của Beckenbauer và kết thúc bằng một con đường chiết trung mà chúng ta không tưởng tượng được. Đó là thời kỳ thích nghi mạnh mẽ của ông.
Sân khấu màu xanh ở Manchester mới là nơi phóng tay để hoàn thiện nên người họa sĩ Pep với phong cách và dấu ấn đậm chất cá nhân. Ông không bị ràng buộc bởi giáo điều, độc tôn, truyền thống, tinh hoa nào như ở hai nơi trước.
Ông có sự ủng hộ của tiền bạc, của những người quản lý đồng hương, của đám đông khán giả không được phép yêu cầu quá cao. Trước mặt Pep là tấm toan trắng, với chủ đề bức tranh chưa được xác định. Nó sẽ là một tác phẩm tùy thuộc vào ý chí tự do của Pep. Bởi vậy ta thấy ông ở đó lâu đến vậy, ông đang ở đây trong mùa bóng thứ 7, vì ông vẫn chưa hoàn thành siêu phẩm của mình.
Cuốn “The Italian Job” do cố danh thủ Gianluca Vialli viết chung với nhà báo nổi tiếng Gabriele Marcotti mang tới độc giả góc nhìn khác biệt về bóng đá Italy, nơi cuộc chơi được coi như đánh trận.