Cuốn sách “Fear and Loathing in La Liga” của nhà báo thể thao nổi tiếng Sid Lowe, một chuyên gia về bóng đá Tây Ban Nha trên Guardian, xuất bản năm 2014, kể về những chuyện trong và ngoài sân cỏ xoay quanh các trận Siêu kinh điển đó. Đây là một đoạn trích trong cuốn sách.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi của Real và Mourinho
Barca vào giai đoạn cuối của HLV Frank Rijkaard trở nên hỗn loạn. Trong khi Real dưới tay các HLV Fabio Capello và Bernd Schuster vô địch La Liga liên tiếp 2006/07 và 2007/08. Mùa hè 2008, Barca quyết định đặt niềm tin vào Pep Guardiola, lúc đó đang dẫn dắt đội Barca B. 2 trận mở màn mùa bóng 2008/09, Barca chỉ giành 1 điểm. Nhưng 20 trận sau đó, họ thắng 19, chỉ để hòa đúng 1 trận, sức mạnh như vũ bão.
Ông Schuster chỉ vì phát biểu một câu “không thể đánh bại Barca tại sân Nou Camp lúc này” mà bị sa thải vào tháng 12/2008, chỉ 5 ngày trước khi diễn ra trận Siêu kinh điển. Các HLV Juande Ramos, Manuel Pellegrini của Real sau đó không cản nổi Barca của Pep vô địch La Liga mùa 2008/09 và 2009/10, dù đội hình Real được tăng cường Cristiano Ronaldo, Kaka, Karim Benzema, Gonzalo Higuain. Và rồi Jose Mourinho xuất hiện.
Một hình cắt giấy cạc-tông bằng kích thước người thật đặt trong văn phòng Mourinho tại Valdebebas, sân tập của Real ở phía Đông Bắc thành phố. Đó là cảnh ông chạy trên sân Nou Camp, giơ ngón tay lên trời, ăn mừng ở cuối trận bán kết Champions League 2009/10. Đó là khoảnh khắc Inter lọt vào trận chung kết sau khi đánh bại Barca. Đó cũng là khoảnh khắc Mourinho trở thành người hùng của Real… và HLV của họ.
Các cầu thủ Barca mừng bàn thắng thứ 5 trong trận Siêu Kinh Điển ngày 29/11/2010. |
Việc cựu chủ tịch Ramon Calderon xin cho sân Santiago Bernabeu đăng cai tổ chức trận chung kết Champions League 2009/10 đã làm hội đồng quản trị Real tức giận. Vì họ phải đối mặt với điều đáng sợ: Barca giành cúp ngay tại Bernabeu. Từng ngày trôi qua, cơn ác mộng có vẻ như sẽ xảy ra. Khi Barca lọt vào bán kết, Mourinho là niềm hy vọng duy nhất của Real.
Quả thật, Mourinho hiện thân của sự “phản bóng đá” như các cầu thủ Barca mô tả giúp Inter loại Barca, cũng giúp cho những người chủ sân Bernabeu giải tỏa áp lực. Khi Inter đánh bại Bayern ở Bernabeu trong trận chung kết, các cầu thủ trở lại Italy để ăn mừng, còn nhà cầm quân người Bồ Đào Nha ở lại Madrid để ký hợp đồng. Mourinho đến Real với một nhiệm vụ: đánh bật Barca khỏi vị trí của họ. Thật hoàn hảo, CLB và HLV cùng chung một kẻ thù, một nỗi ám ảnh về việc đánh bại Barca.
Mourinho lần đầu tiên gia nhập Barca cùng HLV Bobby Robson vào năm 1996. Về mặt lý thuyết, ông là phiên dịch viên - một mô tả công việc mà các CĐV Barca thường xúc phạm. Nhưng trên thực tế, Mourinho còn hơn thế, ông đi do thám các đối thủ, hỗ trợ huấn luyện và lập các báo cáo kỹ thuật phức tạp mà Robson nói luôn là “hạng nhất”.
Mourinho tiếp tục làm việc tại Barca dưới thời Louis Van Gaal và tỏ ra cam kết với chính nghĩa của xứ Catalonia, cáo buộc Real mua chuộc đối thủ, và nổi tiếng khi ăn mừng một danh hiệu bằng cách giật micro để tuyên bố: “Hôm nay và mãi mãi, Barca trong trái tim tôi!”. Khi tới Chelsea vào năm 2004, ông nhấn mạnh rằng con trai mình là một CĐV của Barca và tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ ngừng là một cule, tôi chỉ huấn luyện Real Madrid để hủy diệt họ”.
Barca khi đó là đội mạnh nhất thế giới |
Nhưng mối quan hệ của Mourinho với Barca trở nên rạn nứt trong thời gian ông làm cho Chelsea. Họ đụng độ nhau vài lần tại Champions League, không khí rất căng thẳng, không ít lần Mourinho khiêu khích Rijkaard, Lionel Messi và các cầu thủ Barca khác. Các CĐV Barca từ chối Mourinho để ủng hộ Pep vào ghế HLV Barca năm 2008. Tình yêu đơn phương bị từ chối. Rồi đến những trận đấu giữa Inter và Barca tại Champions League, sự rạn nứt trở thành thù địch. Và giờ Mourinho là người của Real.
Phải thắng, vượt qua mặt Barca là nỗi ám ảnh của ông chủ tịch Florentino Perez và bộ sậu. Họ đặt hết hy vọng vào Mourinho và cho nhà cầm quân này quyền lực rất lớn tại CLB. Việc này sau đó biến Mourinho trở thành kẻ độc tài trong hậu trường, kẻ bị ám ảnh, dẫn đến mâu thuẫn giữa ông với hàng loạt cầu thủ, đặc biệt là thủ quân Iker Casillas.
5-0, manita, bàn tay giơ lên sỉ nhục đối thủ
Nhưng rồi ngày đó phải đến, trận Siêu kinh điển đầu tiên Mourinho trong tư cách HLV Real diễn ra ngày 29/11/2010. Mourinho đối đầu với Guardiola. Ronaldo đối mặt với Messi. Dàn cầu thủ 292 triệu euro đến Nou Camp. Khi Chủ tịch Sandro Rosell của Barca nói Mourinho sẽ nhận được “sự đón tiếp mà ông ấy xứng đáng” ở Nou Camp, hầu hết mọi người không coi đó là một lời sáo rỗng mà là một lời hứa đen tối.
Hậu vệ Abidal giơ 5 ngón tay hướng về Ronaldo. |
Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, hậu vệ Eric Abidal của Barca giơ bàn tay lên, Gerard Pique, Victor Valdes cũng giơ tay. Khắp sân Nou Camp, mọi người giơ tay. Những người hâm mộ tụ tập ở đại lộ Ramblas cũng vậy. Cách sân không xa, trong một nhà kho nào đó, người ta vội vã xuất một lô áo phông, với giá chỉ 9,95 euro mỗi chiếc. Ở mặt trước in ngày, địa điểm, tỷ số, và một bàn tay màu vàng.
Xavi, Pedro, và sau đó là Villa hai lần ghi bàn cho Barca khi họ dẫn trước 4-0. Mourinho ngồi bất động trong hàng ghế huấn luyện, các CĐV trên sân hô vang: “Jose, ra đây đi nào”. Bàn thắng thứ 5 của Jeffren tạo ra ít sự khác biệt về mặt chiến thắng. Đó là một “manita”, một bàn tay, mỗi ngón tay là một bàn thắng. 5-0.
Họa sĩ trình bày của tờ Sport thân Barca đưa bàn tay của mình vào máy quét để lấy hình đưa lên trang bìa luôn. Ý tưởng “manita” thật ra không phải mới. Trước đó, khi Real hạ Barca 5 bàn, các tờ Marca và AS thân Real đã làm như vậy.
“Trận đấu đó thật tuyệt vời, trận hay nhất tôi từng chơi”, Xavi nhớ lại. “Tất nhiên có những trận quan trọng hơn, như World Cup, Euro, chung kết Champions League, nhưng không thể so sánh bằng cảm giác vượt trội so với Real. Họ thậm chí còn không chạm vào bóng. Trong phòng thay đồ, chúng tôi nhảy múa và hò hét. Điều đó chắc rất khó nghe với các cầu thủ Real. Nhưng thật may, hai phòng thay đồ cách nhau một quãng, tôi không nghĩ họ nghe thấy”.
Năm ngón tay là chủ đề cho các báo vào thời điểm đó. |
“Manita”. Đó là lần thứ năm Barcelona đánh bại Real Madrid 5-0. Ngoài những mùa 1934/35 và 1944/45, hai mùa giải còn đọng lại trong ký ức: chiến thắng năm 1974 do cầu thủ Johan Cruyff dẫn đầu và đội "Dream Team" 1994/95 của HLV Cruyff. Pep Guardiola xuất hiện trong phòng họp báo và tặng chiến thắng cho Cruyff và Carles Rexach, “những người đặt nền tảng cho thứ bóng đá trong mơ này”.
“Manita”. Pep cũng là HLV Barca duy nhất toàn thắng trong 5 trận Siêu kinh điển đầu tiên của mình. Thắng 5 trận Siêu kinh điển từ mùa 2008/09, với tổng tỷ số 17-2. Họ đã làm theo cách của Pep, chẳng hạn như bàn thắng thứ hai, đến sau hơn 20 đường chuyền và một phút cầm bóng liên tục trên nền nhạc ole. Câu hỏi “đội Barca nào hay nhất trong lịch sử CLB” đã có câu trả lời, đó là đội của Pep giai đoạn 2008-2011 với 3 danh hiệu vô địch La Liga liên tiếp và 2 chiếc cúp Champions League.
Sau trận đấu trên, mùa bóng 2010/11, Real còn đấu với Barca 4 trận nữa, trong vòng chỉ có 18 ngày. Hòa 1-1 tại trận lượt về La Liga. Real thắng 1-0 trong hiệp phụ trận chung kết Copa del Rey. Và ở 2 trận bán kết Champions League, Barca vượt qua đối thủ với tổng tỷ số 3-1. Barca sau đó hạ MU 3-1 tại trận chung kết ở London.
Mục Thể thao giới thiệu Soccernomics của hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski, cuốn sách phơi bày phần nào sự thật về nền công nghiệp bóng đá với đại diện tiêu biểu là những ông lớn như Real Madrid, Barcelona, Manchester United...