- Giáo sư nhận xét như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của 2 ứng viên tổng thống Mỹ hiện nay?
- Thời điểm hiện tại, ông Biden là người đang chiếm ưu thế. Lợi thế này xuất phát từ việc ứng viên đảng Dân chủ đã thể hiện tốt bản thân trước công luận Mỹ về đại dịch Covid-19 và những vấn đề khác đang được xã hội quan tâm. Chính quyền Tổng thống Trump đã không làm được điều đó.
Một số cử tri lo ngại về sự suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch. Nền kinh tế Mỹ đã phần nào phục hồi so với đợt sụt giảm nghiêm trọng hồi tháng 3, nhưng hiện vẫn còn nhiều thứ phải làm.
Và tôi nghĩ rằng một bộ phận người Mỹ đã cảm thấy mệt mỏi với chính quyền Tổng thống Trump. Vì vậy, dù sự cạnh tranh giữa hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay tương đối quyết liệt, ông Biden đang được đánh giá là có nhiều lợi thế hơn.
- Nhiều cuộc khảo sát cử tri tiến hành trên phạm vi toàn quốc hoặc tại các bang chiến trường cho thấy ông Biden đang dẫn trước trong cuộc chạy đua tổng thống.
Ông đánh giá như thế nào về khả năng kịch bản năm 2016 lặp lại vào tháng 11?
- Tôi nghĩ mọi người đã trở nên thận trọng hơn sau chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Trump vào năm 2016.
Tuy nhiên, bầu cử Mỹ không phản ánh hoàn toàn tỷ lệ ủng hộ của cử tri trên khắp cả nước.
Khi nhìn vào kết quả khảo sát tiến hành tại một số bang dao động, trong hầu hết trường hợp, lợi thế nghiêng về phía ông Biden. Tuy nhiên, lợi thế này không quá lớn.
Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, lượng người đi bầu cử và quá trình bỏ phiếu có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Những yếu tố này phần nào khiến kết quả của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay trở nên khó lường hơn.
Ông Trump tại buổi vận động ở câu lạc bộ The Villages Polo tại Florida ngày 23/10. Ảnh: Reuters. |
Chọn ông Biden để đưa chính trị Mỹ về lối truyền thống
- Theo giáo sư, tại sao cử tri Mỹ nên bỏ phiếu cho ông Biden thay vì Tổng thống Trump?
- Tôi nghĩ Biden đại diện cho lối tiếp cận chính trị một cách điềm tĩnh và truyền thống hơn so với sự phá cách của Tổng thống Trump.
Nhiều người có thể cảm thấy dễ chịu với hình ảnh một chính trị gia cổ điển như ông Biden, hơn là cách hành xử bất chấp lề lối và chuẩn mực của tổng thống đương nhiệm.
Bên cạnh đó, ứng viên đảng Dân chủ cũng đề xuất nhiều chính sách mang tính tự do và tiến bộ hơn so với ông chủ Nhà Trắng hiện tại.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong khuôn khổ cuộc bầu cử năm nay, đặc điểm về tính cách của hai ứng viên được quan tâm nhiều hơn sự khác biệt về chính sách. Có thể nhiều người sẽ yêu mến những giá trị về mặt con người của ông Biden hơn.
- Theo kết quả của nhiều cuộc thăm dò, ông Trump đang bất lợi trong chiến dịch tái tranh cử. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ đối với tổng thống đương nhiệm duy trì đều đặn quanh mức 40%.
Theo ông, lý do gì khiến một bộ phận cử tri chọn "trung thành" với ông Trump như vậy?
- Tôi nghĩ rằng tình hình chính trị tại Mỹ đang trải qua giai đoạn phân cực cao. Sự chia rẽ giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa được duy trì trong suốt khoảng thời gian 10-15 năm qua.
Những người ủng hộ phe Cộng hòa chọn gắn bó với ứng viên đảng này bởi họ chuộng chủ nghĩa bảo thủ, trùng với đường lối chính sách của ông Trump.
Do đó, dù một số cử tri Cộng hòa yêu mến tính cách của ông Biden, họ vẫn dựa trên sự khác biệt chính sách giữa hai đảng để cân nhắc và đưa ra quyết định bỏ phiếu. Điều này dẫn đến sự ổn định trong tỷ lệ ủng hộ đối với ông Trump.
Thông thường, cử tri có xu hướng bỏ phiếu cho ứng viên của đảng mà mình ủng hộ. Vậy nên vấn đề lúc này nằm ở khoảng cách về lượng cử tri hậu thuẫn của mỗi phe. Thời điểm hiện tại, đảng Dân chủ dường như đang dẫn trước về số lượng người ủng hộ.
- Vậy theo ông, cuộc bầu cử năm nay sẽ chứng kiến một "làn sóng xanh" với sự thắng thế của đảng Dân chủ?
- Không loại trừ khả năng kịch bản đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, rất khó để đưa ra dự đoán vào lúc này, đặc biệt là khi những cuộc khảo sát ý kiến cử tri đang gặp nhiều khó khăn do tình hình đại dịch. Vì vậy, chúng ta cần cẩn trọng với việc tham khảo các thăm dò.
Những người ủng hộ phe Cộng hòa chọn gắn bó với ứng viên đảng này bởi họ chuộng chủ nghĩa bảo thủ, trùng với đường lối của ông Trump.
Giáo sư Peverill Squire
Theo ước tính của tôi, hiện có khoảng 5-10 bang có tỷ lệ cạnh tranh cao giữa hai đảng. Phe Dân chủ được cho là đang chiếm lợi thế ở những bang chiến trường này. Tuy nhiên, điều bất ngờ gì cũng có thể xảy ra.
- Giáo sư nhận xét như thế nào về khả năng xảy ra gian lận hoặc vấn đề trong quá trình bỏ phiếu qua thư như ông Trump cáo buộc?
- Nhiều tình huống có thể phát sinh từ quá trình bỏ phiếu qua thư. Đến nay, chúng ta chỉ có thể khẳng định lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm tăng mạnh so với những kỳ bầu cử trước đây.
Trong số những người đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử, phe Dân chủ dường như phần nào áp đảo phe Cộng hòa.
Điều này khá mới ở những bang như Florida, nơi những người Cộng hòa thường bỏ phiếu sớm hơn.
Nhưng rất nhiều điều không thể đoán trước. Một số địa phương như Missouri không cho phép bỏ phiếu sớm. Ở những bang như vậy, cần phải đợi tới ngày bầu cử để hoàn tất quá trình thu và kiểm phiếu.
Việc thu và kiểm phiếu qua thư thậm chí còn kì công và tốn thời gian hơn. Do đó, chúng ta có thể đợi 1-2 tuần sau ngày bầu cử mới xác định được kết quả.
Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả các phiếu bầu sớm đều đã được kiểm đếm theo quy định.
Phản ứng với sự lây lan của dịch Covid-19 trở thành điểm yếu đối với chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Đối thủ Joe Biden nhiều lần dựa vào vấn đề này để công kích đương kim tổng thống. Ảnh: Reuters. |
- Giáo sư hình dung như thế nào về nước Mỹ nếu ông Trump tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm nữa?
- Tôi nghĩ các thành viên đảng Dân chủ đang lo ngại về viễn cảnh ông Trump tái đắc cử và tại vị ở Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tổng thống đương nhiệm đã có nhiều hành vi và phát ngôn không thể chấp nhận được trong giới chính trị tại Mỹ, đơn cử như việc kêu gọi điều tra và giam giữ đối thủ của mình.
Vì vậy, tôi cho rằng những ngày còn lại là khoảng thời gian bản lề đối với nước Mỹ. Nhiều người sẽ cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc ông Trump tiếp tục nắm quyền thêm 4 năm nữa.
- Trong trường hợp ông Biden đắc cử, theo ông liệu đại diện đảng Dân chủ có thể dễ dàng khắc phục những vấn đề nảy sinh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump hay không?
- Tôi không nghĩ quá trình nói trên có thể diễn ra một cách dễ dàng hay trong một sớm một chiều được.
Ông Trump nổi tiếng là người thuộc cánh hữu cực đoan. Do đó, khi vị trí đứng đầu Nhà Trắng đổi chủ, tổng thống mới sẽ cần cải tổ hệ thống cầm quyền trên nhiều phương diện, bởi mục tiêu và đường lối của Mỹ trước và sau khi ông Biden đắc cử, nếu giả sử vậy, sẽ rất khác nhau.
Nếu đảng Dân chủ kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội lẫn Nhà Trắng, một số chính sách mang tính tiến bộ hơn có thể được ban hành, và xung đột sẽ nảy sinh do sự phản đối đến từ phe Cộng hòa.
Mặt khác, tôi cho rằng tình hình chính trị sẽ trở nên yên ắng và êm ả hơn. Các đảng viên Cộng hòa sẽ dồn toàn lực vào để chuẩn bị cho kỳ bầu cử 2024.
Vì vậy, tôi cho rằng với chính sách đối nội thích hợp, đảng Cộng hòa sẽ tìm ra cách tiếp cận khác với thời ông Trump.
Sau khi trải nghiệm 4 năm "mới mẻ" với chính quyền Trump, nhiều cử tri Mỹ muốn đưa đất nước trở lại quy trình cũ dưới sự dẫn dắt của các chính trị gia chuyên nghiệp như ông Biden. Ảnh: Reuters. |
Hy vọng từ số lượng đông đảo cử tri đi bỏ phiếu sớm
- Giáo sư đánh giá như thế nào về khả năng đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát ở lưỡng viện quốc hội?
- Nhiều khả năng đảng Dân chủ sẽ giữ được sức ảnh hưởng ở Hạ viện. Mức độ cạnh tranh ở Thượng viện cao hơn, nên phe Dân chủ có thể sẽ giành 7-8 ghế trong cơ quan lập pháp này.
Tuy nhiên, kịch bản trên chỉ xảy ra với điều kiện mọi thứ diễn ra suôn sẻ và đúng hướng. Không may cho đảng Dân chủ, năm nay không phải là năm tốt để họ cạnh tranh trong Thượng viện bởi số ghế họ có thể giành lấy là tương đối ít.
Việc tăng mức ảnh hưởng lên lưỡng viện Quốc hội mở ra cơ hội giúp đảng Dân chủ điều tiết các kế hoạch về chính sách và nhân sự phù hợp với tầm nhìn của họ.
- Tính đến thời điểm hiện tại, giáo sư quan tâm về vấn đề gì nhất trong cuộc bầu cử?
- Tôi nghĩ một trong những vấn đề mà hầu hết mọi người đều quan tâm là lượng cử tri đi bỏ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ.
Việc nhiều người đi bỏ phiếu sớm đã trấn an những cử tri khác, trong đó có tôi.
Nhìn chung, người dân Mỹ có lý do để tham gia bầu cử, và nhiều người trong số đó đã bỏ phiếu, tôi nghĩ con số này sẽ tiếp tục tăng cho đến khi ngày bầu cử 3/11 kết thúc.
Do đó, tỷ lệ tham gia bầu cử năm nay dự kiến sẽ cao hơn. Điều này củng cố niềm tin của mọi người vào kết quả chung cuộc.
- Theo giáo sư, ai sẽ là người hưởng lợi nếu số cử tri tham gia bỏ phiếu tăng lên?
- Thông thường, lợi thế sẽ nghiêng về phía Dân chủ nếu lượng người tham gia bầu cử tăng lên. Điều đó có thể đúng trong khuôn khổ đợt bầu cử năm nay.
Các đảng viên Dân chủ đang ráo riết vận động những người chưa đi bỏ phiếu lần nào như sinh viên, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi.
Người dân ở thành phố New York xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu, trong ngày đầu tiên của vòng bỏ phiếu sớm tại nơi này. Trong số những người đã đi bầu sớm, các cử tri phe Dân chủ được cho là chiếm số lượng đông hơn. Ảnh: Reuters. |
- Truyền thông Mỹ đưa tin ông Trump đang bị cô lập bởi đảng Cộng hòa. Giáo sư có nhận xét gì về điều này?
- Những người Cộng hòa đang đứng chung chiến tuyến với ông Trump cần cân nhắc liệu người đàn ông 74 tuổi sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến họ.
Đối với những người lo ngại Tổng thống Trump có thể làm ảnh hưởng đến vị thế cá nhân lẫn tổ chức trên chính trường Mỹ, họ đang tìm cách đẩy người đứng đầu Nhà Trắng ra xa.
Tuy nhiên, thời điểm ngày bầu cử đang đến gần, đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump có mối ràng buộc với nhau. Do đó quá trình cô lập người đứng đầu Nhà Trắng sẽ rất khó thực hiện.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Trump không công nhận kết quả bầu cử?
- Trong vài tháng qua, nhiều người lo lắng về điều đó sau khi ông Trump tuyên bố không cam kết chuyển giao quyền lực nếu thua cuộc.
Mặc dù vậy, tính pháp lý của đợt bầu cử là rất rõ ràng và minh bạch. Nếu ông Biden thắng, Tổng thống Trump dường như không có cơ sở nào để phản đối kết quả bầu cử.
Điều làm tôi lo ngại là cách ông Trump đón nhận thất bại như thế nào nếu viễn cảnh đó thực sự xảy ra.
Quá trình kiểm phiếu đang diễn ra ở Denver, bang Colorado. Ảnh: Reuters. |
Đảng Cộng hòa sẽ buộc ông Trump công nhận kết quả
- Vậy có những biện pháp nào có thể dùng để buộc ông Trump thừa nhận kết quả bầu cử (nếu cần thiết)?
- Tôi nghĩ quá trình đó đòi hỏi sự vào cuộc của đảng viên Cộng hòa trong lưỡng viện quốc hội cũng như các đảng viên phe này trên phạm vi toàn quốc. Họ cần thừa nhận bản chất của cuộc bầu cử đang diễn ra, từ đó buộc Tổng thống Trump công nhận kết quả chung cuộc.
Nếu tỷ lệ bỏ phiếu cho hai ứng viên không chênh lệch nhau quá nhiều ở những bang quan trọng, thì sẽ dẫn đến một quy trình pháp lý phức tạp và rườm rà sẽ, tương tự như hồi 2001. Tôi nghĩ không ai muốn lặp lại điều đó cả.
- Cá nhân ông dự đoán gì về kết quả của cuộc bầu cử năm nay?
- Tôi nghĩ Biden có khả năng cao sẽ chiến thắng, và thắng một cách áp đảo đến nỗi ông Trump không thể phủ nhận kết quả được.
Nhưng cần phải chờ xem! Bên cạnh đại dịch, thời tiết là yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu của cử tri: tuyết đã bắt đầu rơi ở một số miền của đất nước.
Tôi đoán cả hai đảng đều đang nóng lòng chờ đến ngày bầu cử để định đoạt.
Cuộc bầu cử bước vào giai đoạn nước rút nhưng chưa bất ngờ nào có thể giúp chiến dịch của ông Trump đảo chiều cục diện. Ảnh: Reuters. |
- Theo giáo sư, kết quả bầu cử năm nay có thể được coi là một chiến thắng vang dội dành cho ông Biden hay không?
- Tôi nghĩ là có. Việc giành được sự ủng hộ từ đa số cử tri có thể được xem là một thành công, bất chấp việc ứng viên đó có giành được tấm phiếu bầu từ đại cử tri đoàn hay không.
Về cơ bản, lá phiếu của đại cử tri đoàn là yếu tố trực tiếp quyết định ai là người đắc cử tổng thống.
Ông Biden có khả năng cao sẽ chiến thắng, và thắng một cách áp đảo đến nỗi ông Trump không thể phủ nhận kết quả được.
Giáo sư Peverill Squire
Hiện nay, ứng viên nào giành chiến thắng ở Florida và Pennsylvania, những bang lớn và quan trọng, sẽ đạt được nhiều lợi thế trên cuộc đua vào chức vụ đứng đầu Nhà Trắng.
Vào năm 2016, nhờ chiến thắng ở các bang Florida, Pennsylvania, Michigan và Winconsin, ông Trump đã đắc cử một cách đầy bất ngờ vào phút chót. Tuy nhiên, tình cảnh năm nay không diễn ra một cách thuận lợi cho chính trị gia 74 tuổi như 4 năm trước.
- Là một chuyên gia về hiến pháp Mỹ, ông nhìn nhận như thế nào về giá trị của đại cử tri đoàn?
- Đại cử tri đoàn giúp mọi người tập trung vào bức tranh tổng thể của cả nước Mỹ thay vì những cuộc cạnh tranh nhỏ lẻ ở các bang.
Tuy nhiên, không phải lúc nào phương pháp này cũng phát huy hiệu quả, điển hình là vào năm 2000 và 2016, khi những ứng viên không đạt được sự ủng hộ của đa số cử tri những vẫn đắc cử nhờ vào lá phiếu của Đại cử tri đoàn.
Ông Peverill Squire là giáo sư về chính trị và bầu cử Mỹ tại Đại học Missouri. Ông cũng từng là trưởng bộ phận nghiên cứu lập pháp của Hiệp hội Khoa học Chính trị Mỹ, đồng chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Lập pháp của Hiệp hội Khoa học Chính trị Quốc tế. cuộc phỏng vấn với Zing. |