Cuộc bầu cử 2020 đang đi đến giai đoạn 15 ngày cuối cùng. Đến nay, khoảng 30 triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm và gửi phiếu bầu vắng mặt qua thư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tin tức về tình hình bầu cử tràn ngập, đặc biệt là ở những ngày gần cuối, trang FiveThirtyEight nhấn mạnh 8 điều mà người quan tâm cần lưu ý khi tiếp nhận thông tin bầu cử.
1. Covid-19 vẫn đang gây thiệt hại nghiêm trọng tại Mỹ
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất với cử tri Mỹ hiện nay là hơn 220.000 người đã chết vì Covid-19. Cuộc sống của tất cả người dân nước này đều bị tác động, dù theo cách này hay cách khác. Số ca bệnh mới và số trường hợp nhập viện vẫn không có xu hướng giảm.
So với tỷ lệ ủng hộ nói chung, tỷ lệ tán thành với chính sách ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang ở mức thấp đáng kể. Hiện Covid-19 không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cử tri hơn bất cứ vấn đề nào khác.
Covid-19 đã khiến hơn 220.000 người Mỹ tử vong tính đến ngày 22/10. Ảnh: Reuters. |
2. Đừng vội kết luận ông Biden sẽ chiến thắng
Dù Covid-19 và những vấn đề khác khiến cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump gặp nhiều khó khăn hơn, ông vẫn có 12% cơ hội chiến thắng nhờ phiếu đại cử tri, theo mô hình dự báo của FiveThirtyEight tính đến chiều 18/10.
Nếu cựu phó tổng thống Joe Biden duy trì vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dân ý như hiện nay, cơ hội của ông Trump sẽ tiếp tục giảm.
Nhưng ngay khả khi cơ hội chiến thắng của Tổng thống Trump giảm thêm - giả sử chỉ còn 5% vào ngày bầu cử 3/11 - thì một số điểm dưới đây cần được lưu ý.
Đầu tiên, ngay cả 5% cơ hội cũng cần phải được nghiêm túc cân nhắc. Hơn nữa, kết quả cuộc bầu cử không hoàn toàn chỉ là việc ai thắng, ai thua.
Giả sử ông Biden thắng, tỷ lệ chiến thắng của ông ấy cũng sẽ tiếp tục được mổ xẻ. Liệu ông có giành chiến thắng áp đảo trên toàn quốc? Liệu ông có thắng được một bang như Texas?
Những câu hỏi giả định trên có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự mà đảng Dân chủ theo đuổi, cũng như cái nhìn của đảng Cộng hòa đối với "chủ nghĩa Trump". Liệu công chúng đã chán vị tổng thống gốc tỷ phú này chưa?
Ngoài ra, cuộc đua vào Thượng viện có tính cạnh tranh cao. Việc giành được 50, 52 hay 54 ghế, hoặc thậm chí nhiều hơn, ở Thượng viện sẽ ảnh hưởng lớn đến hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden.
Các cuộc đua trên toàn tiểu bang cũng quan trọng, đặc biệt là ở những tiểu bang mà quyền kiểm soát quá trình phân chia lại khu vực bầu cử vẫn đang được thực hiện.
Cựu phó tổng thống Biden đang dẫn trước đối thủ Trump trong một số cuộc thăm dò dư luận. Ảnh: AP. |
3. Đừng quay lưng với các cuộc thăm dò
Thăm dò ý kiến là công cụ không hoàn hảo vì nó có vẻ kém chính xác hơn những công cụ khác.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò năm 2016 không hoàn toàn tệ hại như một số nhà phê bình nhận định. Chiến thắng của ông Trump ở các bang chiến trường không phải là điều đáng ngạc nhiên dựa trên kết quả sát nút ở các bang đó trước đó.
Trong khi đó, kết quả thăm dò trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 lại cho kết quả chính xác hơn.
Một công dụng của các thăm dò dân ý trong cuộc bầu cử là chúng cung cấp phương tiện đánh giá thiện cảm của người dân với ứng cử viên. Điều này độc lập với kết quả bầu cử.
Tuy nhiên, chúng có thể có ý nghĩa lớn hơn nếu cuộc bầu cử xảy ra tranh chấp. Do đó, Tổng thống Trump thường xuyên chê bai các cuộc thăm dò và nhiều lần nói sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử.
4. Đừng quá ám ảnh với cuộc bầu cử năm 2016
Xu hướng so sánh cuộc bầu cử năm nay với năm 2016 là điều phổ biến với mọi người dân. Nhưng mọi so sánh chỉ mang tính tương đối.
Những người quan tâm không nên đặt ra quá nhiều mẫu số chung cho cuộc bầu cử. Họ cũng nên tránh suy nghĩ chỉ có thắng hoặc thua, hoặc kết quả thăm dò chỉ có thể sai hoặc đúng.
Không có gì đảm bảo rằng sai sót trong thăm dò dân ý sẽ có lợi cho ông Trump như năm 2016. Vào năm 2012, các cuộc thăm dò cũng đánh giá thấp ông Barack Obama và các ứng viên Dân chủ.
Ông Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York vào ngày 26/9/2016. Ảnh: Reuters. |
5. Tránh bị đánh lừa bởi các thông tin gây nhiễu
Đây là lời khuyên mà FiveThirtyEight thường xuyên đưa ra, và nó có ý nghĩa đặc biệt trong vài tuần cuối cùng của chiến dịch.
Rất nhiều cuộc thăm dò dân ý được thực hiện vào giai đoạn gần sát ngày bầu cử. Phần lớn chúng có thể cho thấy ông Biden đang dẫn trước hoặc thậm chí ngày càng bỏ xa đối thủ.
Nhưng vẫn có những cuộc thăm dò khác cho thấy ông Trump đang thu hẹp khoảng cách, và cuộc đua ngày càng trở nên gay cấn hơn.
Đừng quá phụ thuộc vào những con số này, theo FiveThirtyEight.
Thay vào đó, hãy chuyển sang theo dõi các cuộc thăm dò uy tín có mẫu số lớn và tính số trung bình. Các cuộc thăm dò này có thể phân biệt được các thông tin gây nhiễu, đồng thời có thể phát hiện được biến động thực sự của cuộc đua trong vòng vài ngày nếu có.
6. "Bất ngờ tháng 10" chưa chắc tạo ra bất ngờ
Thuật ngữ "bất ngờ tháng 10" thường được sử dụng nhiều. Trên thực tế, các sự kiện xảy ra vào tháng cuối cùng trước ngày bầu cử không tạo nên quá nhiều khác biệt.
Tính trung bình các cuộc bầu cử kể từ năm 1972, điểm trung bình của cuộc thăm dò toàn quốc thay đổi chỉ khoảng 1,4 điểm trong 15 ngày cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng.
Riêng năm 2020, phần lớn cử tri được cho là đã đưa ra quyết định, 30 triệu người đã bỏ phiếu sớm. Điều này khiến các yếu tố bất ngờ khó có thể xoay chuyển cục diện vào những ngày cuối.
Tổng thống Mỹ trong cuộc vận động ở Pennsylvania. Ảnh: AP. |
7. Đừng để bị thao túng bởi thông tin mà chiến dịch tranh cử đưa ra
Những ngày cuối cùng của cuộc đua luôn xuất hiện đủ loại thông tin mâu thuẫn. Điều không nên để tâm nhất chính là những bản tin về chiến dịch tranh cử của hai ứng viên, hoặc họ cảm nhận thế nào về cuộc đua.
Ngay cả khi các phóng viên tiếp cận các ứng viên một cách trung lập nhất có thể, thì những thông tin này thường không đáng để tâm bằng các cuộc thăm dò dư luận.
Đứng trước các kết quả khác với mong đợi, các chiến dịch tranh cử cũng cảm thấy ngạc nhiên như bất kỳ người dân nào. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng từng cho rằng ông chỉ có 30% cơ hội giành chiến thắng qua phiếu đại cử tri vào năm 2016, giống như dự báo của FiveThirtyEight.
8. Cẩn thận với dữ liệu bỏ phiếu sớm
Cho tới nay, các đảng viên Dân chủ có lợi thế lớn nếu tính theo số cử tri bỏ phiếu sớm. Điều này cũng đúng với kết quả của các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa có khả năng thu hẹp khoảng cách với số cử tri lớn đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử 3/11.
Cử tri Mỹ xếp hàng dài chờ tới lượt bỏ phiếu ở bang Georgia. Ảnh: AP. |
Dựa trên kinh nghiệm trong các cuộc bầu cử trước, FiveThirtyEight cho rằng cử tri Mỹ có xu hướng tham khảo dữ liệu bỏ phiếu sớm. Nhiều khả năng họ sẽ tin vào những dữ liệu có lợi cho đảng hoặc ứng cử viên mà họ ủng hộ.
Ngoài ra, yếu tố đặc thù trong năm nay là sự chia rẽ đảng phái trong việc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư. Điều này rất khó để đánh giá ảnh hưởng về mặt tổng thể.
Cục diện có thể trở thành dấu hiệu xấu cho đảng Cộng hòa, rằng đảng Dân chủ đang được rất nhiều phiếu bầu. Ở một chiều khác, phe Dân chủ có nguy cơ tụt lại phía sau vì tỷ lệ phiếu bầu qua thư bị đánh giá không hợp lệ cao.