Trong quý I, tổng giá trị hàng hóa giao dịch qua nền tảng này (GMV) tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,6 tỷ USD. Trong đó, giá trị hàng hóa của mảng giao nhận đã tăng tới 49% so với cùng kỳ, do phát huy lợi thế khi nhiều nước Đông Nam Á áp dụng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Doanh thu thuần đã điều chỉnh ở mức cao kỷ lục, đạt 507 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập ròng bao gồm lãi suất, thuế, khấu hao (EBITDA) được điều chỉnh ở mức âm 111 triệu USD, cải thiện hơn 233 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, EBITDA được điều chỉnh theo bộ phận, không bao gồm chi phí doanh nghiệp theo khu vực là 35 triệu USD, tăng 231 triệu USD so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lỗ ròng của Grab trong quý I là 652 triệu USD, cải thiện hơn so với 771 triệu USD trong quý I năm 2020.
SO SÁNH GMV VÀ EBITDA CỦA GRAB QUÝ I 2020 VÀ 2021 | |||
Nhãn | Q1/2020 | Q1/2021 | |
GMV | Triệu USD | 3464 | 3644 |
EBITDA | -344 | -111 |
Grab cũng công bố chỉ số người dùng có sử dụng dịch vụ hàng tháng (MTU), chỉ số này đã tăng 31% mỗi năm. Doanh nghiệp này đánh giá điều này thể hiện lợi thế của "siêu ứng dụng" Grab trên toàn bộ các phân khúc kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tính đến ngày 31/3, tổng giá trị tài sản của Grab là 4,9 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so với mốc 31/21/2020.
Ở mảng giao hàng, Grab cho biết chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I. Tổng giá trị hàng hóa giao nhận qua nền tảng này (GMV) là 1,7 tỷ USD, tăng 49% so với quý I/2020.
Doanh thu thuần của Grab trong mảng này đạt 293 triệu USD, tăng 144 triệu USD và 96% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu mà Grab thu về là 53 triệu USD, tăng 152 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng GrabMart đã tăng trưởng 36 lần so với quý I/2020.
Với dịch vụ vận chuyển hành khách, Grab ghi nhận GMV quý I đã sụt giảm chỉ còn ở mức 64% so với cùng kỳ do tác động của dịch Covid-19. Doanh nghiệp thu thuần 167 triệu USD từ mảng này, giảm 14% so với cùng kỳ. Trong khi doanh thu sau giảm giá, khuyến mại tăng khoảng 18%, ở mức 145 triệu USD.
Grab ghi nhận doanh thu quý I cải thiện đáng kể so với cùng kỳ dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên khắp các thị trường ở Đông Nam Á. Ảnh: Thạch Thảo. |
Dịch vụ tài chính cũng mang về cho Grab 23 triệu USD doanh thu thuần, tăng 31% so với cùng kỳ, và 8 triệu USD doanh thu, trong khi cùng kỳ con số này là âm 21 triệu USD.
Trích dẫn số liệu của Euromonitor, Grab khẳng định đang chiếm 50% thị phần giao đồ ăn tại khu vực Đông Nam Á, trong khi đối thủ gần nhất chỉ chiếm 20%. Về thị phần gọi xe, Grab đang chiếm 72% trong khi đối thủ gần nhất chỉ chiếm 15%. Với ví điện tử, Grab hiện nắm 23% thị phần, trong khi đối thủ gần nhất nắm 14% thị phần.
Về kế hoạch lên sàn tại Mỹ, Grab đã nộp hồ sơ đăng ký với Sở Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) liên quan đến thương vụ sáp nhập với Altimeter Growth Corp. Doanh nghiệp cũng chuẩn hóa bảng cân đối kế toán theo yêu cầu từ SEC để phục vụ kế hoạch chào bán cổ phiếu tại Mỹ.
Trước đó vào giữa tháng 4, Grab đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Mỹ thông qua một thỏa thuận sáp nhập và kỳ vọng định giá đạt 39,6 tỷ USD.
Grab cho biết sẽ IPO thông qua thỏa thuận sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) có tên Altimeter Growth, do hãng Altimeter Capital Management ở Thung lũng Silicon hậu thuẫn. Grab đặt mục tiêu huy động hơn 4 tỷ USD qua đợt lên sàn này.