Theo đó, phụ phí này áp dụng trong khung thời gian áp dụng từ 6h đến 22h với dịch vụ xe 2 bánh, 4 bánh và giao hàng. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước của chuyến đi. Các ứng dụng cho biết mức phụ phí tăng thêm này giúp thu hút thêm tài xế vận hành trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Tương tự, ứng dụng Be, Beamin cũng tăng giá cước vận chuyển trong dịp Tết nhưng chưa có thông tin có tăng phụ phí như Grab và Gojek.
Bên cạnh phụ phí tăng thêm, người dùng còn phải chi trả mức cước dịch vụ cao hơn khoảng 20% giai đoạn trước đó do lượng tài xế nghỉ hoạt động nhiều khi nhu cầu tăng cao khiến thuật toán của ứng dụng tự điều chỉnh tăng cước để cân bằng cung cầu. Thời gian chờ cuốc xe những ngày cận Tết cũng được người dùng phản ánh là lâu hơn, thậm chí không gọi được dịch vụ ở vài khu vực do thiếu tài xế.
Các ứng dụng thêm phụ phí vào các cuốc xe giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán. Ảnh: Phương Lâm. |
Trước đó nhu cầu giao quà Tết của người dùng tăng cao cũng khiến các tài xế xe ôm công nghệ bận rộn với những đơn giao hàng và việc đặt cuốc xe để đi lại tại TP.HCM trở nên khó khăn hơn, cước phí cao hơn.
Chia sẻ với Zing, đại diện một ứng dụng gọi xe cho biết việc phục hồi đầy đủ lượng tài xế về mức như đầu năm 2021 là rất khó khăn do trong giai đoạn dài thành phố giới hạn lượng tài xế mỗi ứng dụng ở mức 50%. Phần lớn các tài xế không được ra đường hoạt động đã đi tìm công việc khác hoặc về quê sớm để bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt tại thành phố.
"Việc khôi phục lại 100% lượng tài xế được hoạt động theo quy định cũng mới chỉ diễn ra ít ngày trước cao điểm Tết nên rất khó cho ứng dụng. Cộng với việc nhu cầu giao hàng tăng cao nên giá cước các cuốc xe được thuật toán tự động điều chỉnh tăng lên do cầu đang vượt cung", vị này giải thích.