"Từ sáng tới giờ là hơn chục đơn giao hàng rồi, không kịp nhận cuốc xe chở khách nào. Hàng thì chủ yếu là quà Tết giao loanh quanh trong nội thành thôi", anh C. Vũ - tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM - chia sẻ.
Tài xế này cũng cho hay hai tuần trở lại đây anh bận rộn giao hàng vào khung giờ sáng và chiều, giao đồ ăn vào khung giờ trưa nên nhận rất ít cuốc xe chở khách.
"Có ngày chỉ chở khách có 1-2 cuốc. Chở hàng nhiều đơn thật nhưng thường vị trí lấy hàng khá xa, thường phải di chuyển trên dưới 2 km mới tới nơi nhận hàng. Giao tới nơi thì đủ chuyện mất thời gian như liên lạc với người nhận, chờ giao hàng tận tay", anh Vũ kể lại.
Theo chia sẻ của nhiều tài xế xe ôm công nghệ trên các hội nhóm mạng xã hội, trong giai đoạn cận Tết, lượng đơn giao hàng đang tăng đột biến trong khi lượng tài xế không tăng thêm khiến ngày của các tài xế hoạt động tại khu vực TP.HCM thêm bận rộn, đi cùng là thu nhập tăng thêm.
"Có cuốc xe hơn 8 km giờ cao điểm khách đi mất hơn 100.000 đồng tiền cước thì 50.000 đồng là phụ phí nhu cầu cao (phí tăng thêm khi lượng hành khách có nhu cầu cao hơn lượng tài xế tại cùng thời điểm, được thuật toán của ứng dụng tự động điều tiết - PV.) khiến tôi không khỏi bất ngờ", anh T. Tùng - tài xế xe ôm công nghệ - kể lại.
Các tài xế xe ôm công nghệ bận rộn với việc chở hàng Tết khiến dịch vụ chở khách tăng giá cước, hành khách khó đặt xe hơn. Ảnh: Văn Nguyện. |
Ở chiều ngược lại, hành khách gặp khó nếu muốn đặt xe ôm công nghệ để di chuyển tại TP.HCM. Không chỉ giá cước tăng thêm, lượng tài xế ít còn khiến thời gian đặt xe tăng lên đáng kể.
"Đặt đơn giao hàng, đơn giao đồ ăn thì khá nhanh nhưng đặt cuốc xe để đi thì chờ lâu hơn rất nhiều. Mình đặt xe từ quận 2 tới đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà chắc phải cỡ 15-20 phút mới có xe. Hôm kia thì đặt cuốc xe từ nhà đi quận 1 cũng không có tài xế nào nhận, mình đành phải tự di chuyển bằng xe máy", chị L. Anh (TP Thủ Đức) bức xúc.
Trước đó, căn cứ Thông báo số 06 ngày 15/1 của UBND TP.HCM về cấp độ dịch trên địa bàn, TP.HCM đạt ở cấp độ 1 theo đánh giá cấp độ dịch. Theo đó, Sở GTVT điều chỉnh phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, qua đó không hạn chế số lượng xe môtô 2 bánh hoạt động sử dụng công nghệ.
Tuy nhiên các ứng dụng gọi xe vẫn gặp khó trong việc khôi phục lượng tài xế TP.HCM về mức 100% như trước hai đợt giãn cách xã hội năm 2021.
Chia sẻ với Zing, đại diện một ứng dụng gọi xe cho biết việc phục hồi đầy đủ lượng tài xế về mức như đầu năm 2021 là rất khó khăn do trong giai đoạn dài thành phố giới hạn lượng tài xế mỗi ứng dụng ở mức 50%. Phần lớn các tài xế không được ra đường hoạt động đã đi tìm công việc khác hoặc về quê sớm để bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt tại thành phố.
"Việc khôi phục lại 100% lượng tài xế được hoạt động cũng mới chỉ diễn ra ít ngày trước cao điểm Tết nên rất khó cho ứng dụng. Cộng với việc nhu cầu giao hàng tăng cao nên giá cước các cuốc xe được thuật toán tự động điều chỉnh tăng lên do cầu đang vượt cung", vị này giải thích.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trong giai đoạn thành phố giới hạn lượng tài xế đối tác được hoạt động của mỗi ứng dụng ở mức 50%, toàn thành phố có khoảng hơn 80.000 tài xế.
Con số này dự kiến đã tăng lên sau ngày 15/1, tuy nhiên vẫn không đủ để phục vụ tất cả các nhu cầu của người dùng bao gồm giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ và chở khách.