Tại sự kiện Google I/O diễn ra vào rạng sáng 12/5 (giờ Việt Nam), Google đã tiết lộ thêm nhiều chi tiết về Android 13. Hệ điều hành mới của Google đã có bản thử nghiệm từ tháng 2, nhưng sẽ được phát hành chính thức vào mùa thu năm nay.
Trong đó, Android 13 được xây dựng dựa trên một số thay đổi so với Android 12, bao gồm cá nhân hóa nhiều tính năng cho giao diện Material You, tăng cường bảo mật, bổ sung công cụ trên tin nhắn và giúp đồng bộ nhiều các thiết bị hơn.
Cá nhân hóa giao diện
Một trong những thay đổi rõ ràng nhất của Android 12 là giao diện Material You. Về cơ bản, Android cho phép điều chỉnh giao diện của màn hình chính và các biểu tượng ứng dụng dựa trên màu sắc có trong hình nền của người dùng.
Người dùng có thể tùy biến màu sắc giao diện tùy theo sở thích trên Android 13. Ảnh: Google. |
Đối với Android 13, Google đang giới thiệu các bộ màu tạo sẵn cho tệp người dùng muốn khác biệt. Họ đơn giản chọn bảng màu và nó sẽ được áp dụng trên toàn bộ hệ điều hành.
Ngoài ra, các biểu tượng theo chủ đề sẽ không bị giới hạn trong các ứng dụng hệ thống. Theo đó, nút chuyển đổi trong phần Cài đặt của Android 13 sẽ cho phép người dùng bật các biểu tượng theo chủ đề nhằm phù hợp với ứng dụng trên màn hình chính.
Chuẩn tin nhắn mới
Theo Cnet, Google đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ và hãng điện thoại trong vài năm qua để triển khai RCS (Rich Communication Services). Đây là một giải pháp thay thế cho tin nhắn văn bản SMS và MMS.
Tính năng mã hóa đầu cuối cho các cuộc trò chuyện nhóm sẽ có trên Google Messages vào cuối năm nay. Ảnh: 9to5Google. |
Tất nhiên, RCS sẽ hỗ trợ và cung cấp ảnh chất lượng cao, nhắn tin qua Wi-Fi, trải nghiệm nhắn tin trong nhóm tốt hơn cũng như nâng cao bảo mật. Bên cạnh đó, tính năng còn hỗ trợ mã hóa đầu cuối tự động cho các cuộc trò chuyện 2 người. Dự kiến, nó sẽ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện nhóm vào cuối năm nay.
Về phần mình, Google cho biết ứng dụng tin nhắn RCS, app mặc định trên nhiều điện thoại Android, đã có khoảng 500 triệu người dùng hàng tháng. Mặc dù tiêu chuẩn RCS đang dần trở nên phổ biến, nó vẫn chưa được hỗ trợ trên iOS và các hệ điều hành điện thoại khác ở thời điểm hiện tại.
Google Wallet
Google Wallet, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2011, là một giải pháp thay thế và an toàn hơn các thẻ vật lý truyền thống. Với Android 13, tính năng này sẽ nhận được một số bản cập nhật và chức năng mới. Trong đó, Google Wallet có thể lưu trữ các tài liệu dưới dạng kỹ thuật số như thẻ thanh toán, hồ sơ vắc xin, chìa khóa ô tô, vé máy bay, thẻ sinh viên,…
Google Wallet sẽ có sự nâng cấp trên Android 13. Ảnh: Google. |
Ngoài ra, Google Wallet cũng cho phép người dùng chia sẻ tài liệu hay thẻ kỹ thuật số thông qua NFC hoặc mã QR. Theo đánh giá của Cnet, đây là cách nhanh hơn để chia sẻ thông tin thay vì phải đưa trực tiếp điện thoại cho người khác.
Về khía cạnh quyền riêng tư, Google Wallet cũng lưu trữ mọi thông tin một cách an toàn trên điện thoại của người dùng và không chia sẻ dữ liệu với các dịch vụ khác của Google. Dự kiến hơn 40 quốc gia đang sử dụng Google Pay sẽ được nâng cấp lên Google Wallet vào cuối mùa hè năm nay.
Cuộc gọi khẩn cấp trên Wear OS
Thực tế, cuộc gọi khẩn cấp SOS đã là một phần của Android 12. Với tính năng này, người dùng có thể nhận được trợ giúp, liên hệ với người thân và chia sẻ thông tin trong trường hợp cần sự giúp đỡ mà không cần mở khóa điện thoại. Hiện tại, Google đang tích cực đưa tính năng này lên Wear OS, theo Cnet.
Tính năng gọi điện khẩn cấp sẽ được trang bị trên Wear OS. Ảnh: Google. |
Dịch vụ vị trí khẩn cấp (ELS) hiện có hơn 1 tỷ người dùng trên khắp thế giới và được tích hợp sẵn trên Android 12. Bên cạnh đó, Google dự kiến mở rộng thêm tính năng cảnh báo động đất sớm lên Android 13, nhờ công cụ phân tích dữ liệu trên điện thoại. Trước đó, tính năng này đã được áp dụng tại 25 quốc gia.
Quyền riêng tư và bảo mật được nâng cấp
Với quyền riêng tư, cài đặt ngôn ngữ ứng dụng hiện cho phép người dùng tùy chọn các ngôn ngữ khác nhau cho từng ứng dụng cụ thể. Ví dụ, người dùng có thể cài đặt tiếng Anh cho ứng dụng ngân hàng, trong khi ứng dụng nhắn tin lại sử dụng ngôn ngữ khác.
Quyền riêng tư và bảo mật sẽ được nâng cấp để tối ưu trải nghiệm cho người dùng. Ảnh: Google. |
Trình chọn ảnh của Android cũng bổ sung tính năng bảo mật mới và có sự tương đồng với iOS. Cụ thể, người dùng có thể giới hạn ảnh và video mà ứng dụng có quyền truy cập. Thay vì cấp cho một ứng dụng quyền truy cập vào toàn bộ thư viện ảnh, người dùng có thể chọn những hình ảnh cụ thể cho ứng dụng đó.
Ngoài ra, tới cuối năm nay, Google sẽ thêm một mục trong phần cài đặt Bảo mật và Quyền riêng tư. Tính năng này có thể đưa ra hướng dẫn giúp tối ưu bảo mật cho điện thoại của người dùng.
Kết nối đa dạng
Google cho biết trung bình một hộ gia đình ở Mỹ có 20 thiết bị được kết nối mạng. Đầu năm nay, công ty cũng tiết lộ tầm nhìn của mình về cách Android sẽ hoạt động tốt hơn với TV, ôtô, loa và máy tính xách tay. Trong đó, Android 13 sẽ hỗ trợ ghép nối nhanh để thiết lập thiết bị mới với điện thoại, chuyển đổi âm thanh tự động giữa các thiết bị cho tai nghe và chia sẻ hoạt động giữa các thiết bị.
Ngoài ra, Android 13 cũng cho phép người dùng gửi tin nhắn và nội dung của các ứng dụng từ điện thoại sang máy tính của người dùng.
Vào năm 2021, Google cho biết hơn 1 tỷ smartphone Android đã được kích hoạt trên toàn cầu. Nếu tính tổng các thiết bị chạy Android, con số này đã lên tới hơn 3 tỷ thiết bị, theo chia sẻ của ông Sameer Samat, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm Android và Google Play. Do đó, việc hoàn thiện Android 13 có ý nghĩa rất lớn đối với tệp người dùng khổng lồ của Google.