Google vừa điều chỉnh quyền quản lý và vai trò trong nội bộ công ty. Trong đó, 2 cái tên quan trọng nhất là Demis Hassabis và Nick Fox. Ảnh: Shutterstock. |
Bên trong nội bộ Google, 2 cái tên quyền lực nhất hiện tại chắc hẳn là Demis Hassabis và Nick Fox. Cả 2 đều đang đóng vai trò trọng yếu để định hình tương lai của Google giữa cuộc đua với ChatGPT và các công nghệ AI khác.
Là CEO của Google DeepMind, Demis Hassabis đã giữ vị trí lãnh đạo nghiên cứu AI tại Google trong nhiều năm qua. Nhưng trước đây, nhóm nghiên cứu của Hassabis chỉ tập trung vào việc phát triển các mô hình AI. Trong khi đó, nhóm sản phẩm của Giám đốc mảng tìm kiếm Prabhakar Raghavan mới là nơi triển khai các mô hình này ra thị trường.
Điều này dẫn đến không ít sai lầm. Đơn cử như Gemini từng tạo ra những hình ảnh mang tính phân biệt chủng tộc. CEO Sundar Pichai đã giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển nhóm Gemini từ dưới quyền Raghavan sang Hassabis. Tức là Hassabis không chỉ phụ trách nghiên cứu mà còn dẫn dắt toàn bộ quá trình phát triển và ra mắt sản phẩm Gemini, từ tinh chỉnh mô hình đến giao diện người dùng cuối.
“Việc đưa các đội ngũ lại gần nhau hơn sẽ cải thiện vòng phản hồi, giúp triển khai các mô hình mới nhanh hơn và tiếp tục đà phát triển của sản phẩm”, CEO Google viết.
Việc Google tái cơ cấu tổ chức được The Verge so sánh với những gì Mark Zuckerberg đã làm tại Meta đầu năm nay. Zuckerberg cũng đã chuyển nhóm nghiên cứu AI vào bộ phận sản phẩm truyền thông xã hội do Chris Cox quản lý.
Điều này cho thấy một quy luật không thể tránh khỏi trong ngành công nghệ: nếu muốn biến các mô hình AI thành những sản phẩm thực tế, phải thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Google đã nhận ra điều này và đang thực hiện thay đổi để cạnh tranh hơn trong lĩnh vực này.
Google đang nỗ lực thay đổi chiến lược để đuổi kịp và cạnh tranh với các đối thủ, đặc biệt là ChatGPT của OpenAI. Ảnh: GTech. |
Cùng lúc đó, Nick Fox - một nhân vật ít được công chúng biết đến nhưng lại là một trong những trụ cột của Google - đã trở thành Phó Chủ tịch cấp cao của bộ phận “Knowledge & Information” (Kiến thức & Thông tin). Bộ phận này bao gồm tìm kiếm, quảng cáo, bản đồ và thương mại.
Với vai trò mới, Fox sẽ kế nhiệm Prabhakar Raghavan, người đã chuyển sang vị trí "kỹ sư trưởng" sau khi đóng góp hàng tỷ USD cho Google trong nhiều năm qua.
Theo The Verge, Fox là người được CEO Sundar Pichai tin tưởng. Ông đã gia nhập Google từ năm 2003 và có đóng góp lớn nhằm xây dựng hệ thống quảng cáo của công ty, tham gia vào các dự án mạo hiểm khác như dịch vụ Google Fi, Duo và Allo. Song, Fox chưa bao giờ quản lý một nhóm lớn như bộ phận của Raghavan.
Pichai viết trong thông báo gửi nhân viên: “Tôi thường xuyên tìm đến Nick để giải quyết những vấn đề sản phẩm phức tạp nhất. Anh ấy luôn mang lại tiến bộ với sự kiên trì, tốc độ và lạc quan”.
Trên thực tế, Google đã và đang đối mặt với áp lực lớn từ các đối thủ như OpenAI, Meta, Amazon. Màn ra mắt của ChatGPT vào cuối năm 2022 đã gây ra một cuộc khủng hoảng nội bộ tại Google. Công ty đã phát động “Code Red” - chiến dịch nhằm tăng tốc phát triển AI để không bị bỏ lại phía sau. Google đã phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và đẩy mạnh phát triển các mô hình AI mới như Gemini.
Song, sản phẩm này đã có nhiều sai sót. Điều này dẫn đến lời chỉ trích rằng Google đã quá vội vàng khi ra mắt.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện tại là: ai sẽ là người kế nhiệm Sundar Pichai? Theo nhiều nguồn tin nội bộ từ Google, Demis Hassabis được coi là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí CEO nếu ông muốn. Còn nếu Hassabis từ chối, các ứng viên tiềm năng khác có thể là Thomas Kurian, giám đốc mảng Google Cloud hoặc Neal Mohan, lãnh đạo YouTube.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.