Đọc toàn bộ bài viết và kiểm tra nguồn gốc của thông tin, thay vì chỉ dựa vào tiêu đề, cũng là bước quan trọng để tránh bị dẫn dắt bởi những thông tin không chính xác. Ảnh: Unsplash. |
Google là một trong những tập đoàn công nghệ lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin cho hàng tỷ người dùng internet mỗi ngày. Tên của công ty này thậm chí đã trở thành một động từ. Khi mọi người nhắc đến “Google” chính là khi họ tìm kiếm bất kỳ điều gì trên mạng.
Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là những câu hỏi liên quan đến cách tập đoàn này tác động đến quan điểm của người dùng thông qua các kết quả tìm kiếm.
Vòng lặp thông tin vô tận
Theo Hackernoon, một trong những cách mà Google có thể ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng là thông qua hiệu ứng "neo" (anchoring effect). Đây là hiện tượng tâm lý khi con người xu hướng tập trung quá mức vào thông tin đầu tiên mà họ nhận được và dễ bị ảnh hưởng bởi nó.
Khi áp dụng vào công cụ tìm kiếm, điều này có nghĩa là người dùng thường tin tưởng vào kết quả đầu tiên trên Google hơn là những kết quả xếp sau.
Theo một nghiên cứu của Sistrix, khoảng 28,5% người dùng nhấp vào liên kết đầu tiên trên trang kết quả tìm kiếm của Google (SERP). Chưa đến 10% sẽ truy cập vào các liên kết dưới vị trí thứ 3. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết mọi người đều không xem xét kỹ lưỡng những thông tin khác ngoài những gì hiển thị đầu tiên.
Google định hình quan điểm dư luận. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả đầu tiên cũng chính xác nhất hay đáng tin cậy nhất. Nhiều website sử dụng các kỹ thuật tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) để nâng cao vị trí của mình. Thứ hạng Google không dựa vào sự chính xác của thông tin mà là dựa vào các yếu tố như từ khóa và cấu trúc website. Điều này dẫn đến việc người dùng có thể tiếp nhận những thông tin không đúng hoặc bị thiên vị mà không hề hay biết.
Hackernoon cho rằng Google có thể vô tình định hình dư luận vì nhiều người có xu hướng tin tưởng kết quả tìm kiếm của nó một cách gần như tuyệt đối. Theo một khảo sát của SEO Clarity, 82% người dùng Internet tại Mỹ cho biết họ thường tin tưởng vào kết quả tìm kiếm của Google. Trong khi đó, 21,4% cho rằng họ "gần như luôn" tin tưởng.
Dẫu vậy, không phải mọi kết quả tìm kiếm của Google đều phản ánh sự thật. Đơn cử như tính năng AI Overview của Google đã đưa ra các gợi ý sai lầm như khuyến nghị ăn đá hoặc cung cấp nhiệt độ nấu ăn sai.
Thuật toán không thể phân biệt giữa thông tin thật và sai lệch, mà chỉ dựa vào các xu hướng chung và tính phổ biến của dữ liệu. Do đó, các kết quả do AI hoặc thuật toán của Google cung cấp có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Một yếu tố khác góp phần vào tác động của Google đến dư luận là tính năng cá nhân hóa kết quả tìm kiếm. Nhiều kết quả tìm kiếm của Google được điều chỉnh để phù hợp với người dùng cụ thể, dựa trên các yếu tố như vị trí địa lý, lịch sử tìm kiếm và sở thích cá nhân.
Cách làm này giúp tối ưu hóa trải nghiệm, nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra hiệu ứng buồng vang (echo chamber). Tức là người dùng chỉ nhìn thấy những thông tin phù hợp với quan điểm của mình mà bỏ qua các quan điểm khác.
Đơn cử như khi người dùng liên tục tìm kiếm các câu hỏi thiên lệch về một chủ đề nhất định, thuật toán của Google sẽ bắt đầu hiển thị nhiều kết quả tương tự, làm củng cố thêm quan điểm ban đầu của họ. Đây là một vòng lặp khép kín khiến người dùng ngày càng xa rời những thông tin đa chiều và chỉ còn tập trung vào một góc nhìn hẹp.
Ngay cả khi người dùng bật chế độ ẩn danh (Incognito Mode), tính năng cá nhân hóa vẫn được áp dụng. Chế độ này chỉ loại bỏ một số tính năng theo dõi, nhưng không ảnh hưởng đến việc Google thu thập dữ liệu về hành vi tìm kiếm của người dùng. Do đó, hiện tượng buồng vang rất khó tránh khỏi.
Không phải kết quả tìm kiếm đầu tiên là đáng tin nhất
Theo Hackernoon, với các doanh nghiệp, sức mạnh định hình quan điểm công chúng của Google là một cơ hội lớn. Đây chính là lý do họ sẵn sàng chi trung bình tới 5.000 USD/tháng cho các dịch vụ tối ưu hóa SEO để xuất hiện ở vị trí cao trên trang kết quả tìm kiếm. Đứng đầu bảng xếp hạng không chỉ mang lại lượng truy cập lớn mà còn tạo sự tin tưởng từ người dùng, nhờ hiệu ứng "neo" và niềm tin mặc định vào Google.
Điều này cũng đòi hỏi các tổ chức phải cẩn trọng hơn với thông tin đăng tải trên mạng. Bất kỳ nội dung nào có vị trí cao trong kết quả tìm kiếm đều có thể ảnh hưởng đến nhận thức công chúng. Do đó, người viết cần đảm bảo thông tin khách quan và chính xác.
Không phải lúc nào kết quả tìm kiếm Google cũng đáng tin. Ảnh: New York Times. |
Ngược lại, nếu các doanh nghiệp cố gắng lợi dụng thuật toán để thu hút lưu lượng truy cập, họ có thể đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ công chúng khi sự thật bị phơi bày.
Mặt khác, những doanh nghiệp cung cấp thông tin chính xác và đạt vị trí cao trong các kết quả tìm kiếm có thể cải thiện đáng kể hình ảnh của mình. Google cũng đang cố gắng cải thiện thuật toán của mình để kết quả không bị thiên vị và đáng tin cậy.
Với người dùng, bạn cần nhớ kết quả tìm kiếm của Google không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Người dùng nên kiểm tra nhiều nguồn thông tin khác nhau để có cái nhìn toàn diện, không chỉ dừng lại ở những kết quả đầu tiên. Đọc toàn bộ bài viết và kiểm tra nguồn gốc của thông tin, thay vì chỉ dựa vào tiêu đề, cũng là bước quan trọng để tránh bị dẫn dắt bởi những thông tin không chính xác.
Công chúng cũng đang dần nhận ra rằng kết quả tìm kiếm của Google không hoàn toàn đáng tin cậy. Một cuộc khảo sát từ Hackernoon cho thấy 58% người dùng Google không hài lòng với tính năng AI Overviews, trong đó 29% nói rằng họ ghét tính năng này. Chỉ có 17% người dùng cho rằng các kết quả này là hữu ích nhưng cần cải thiện thêm.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.