Tương lai mờ mịt đang chờ đón Android. Ảnh: Android Central. |
Xuất phát từ các nội dung Google lạm dụng vị thế độc quyền, được xác định tại phiên toà diễn ra vào tháng 8, Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất tách hệ điều hành di động Android và trình duyệt Chrome khỏi gã khổng lồ công nghệ này.
Theo ý kiến của Jerry Hildenbrand, biên tập viên tại chuyên trang Android Central, cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng quyền lực của Google, nhưng việc tách Android hoạt động biệt lập có thể khiến hệ điều hành chiếm 70% thị trường di động toàn cầu tàn lụi.
Android mất nguồn sống, Google mất 'mỏ vàng'
Google không kiếm tiền trực tiếp từ Android. Không phải Android không có lợi cho Google, nhưng chi phí phát triển, duy trì, lưu trữ và triển khai hệ điều hành miễn phí này là rất lớn và lợi nhuận từ các hoạt động đó bằng không.
Google kiếm được nhiều tiền hơn vì Android tồn tại. Android là nền tảng cho các ứng dụng và dịch vụ miễn phí của Google, được sử dụng để xây dựng hồ sơ quảng cáo toàn diện cho tất cả người dùng.
Google không thu lợi trực tiếp từ hoạt động duy trì và vận hành Android. Ảnh: Android Central. |
Với dữ liệu khách hàng đồ sộ đó, Google có thể tính phí dịch vụ quảng cáo. Mọi cái tên bạn có thể nghĩ đến đều quảng cáo thông qua Google, từ các mặt hàng công nghệ đến hàng tạp hóa và quần áo.
Quảng cáo của Google hoạt động tốt hơn bất kỳ công ty nào khác, một phần là do hàng tỷ điện thoại Android được sử dụng hàng ngày. Cuối cùng, khi tất cả các khoản tài chính được tính toán, Android là 'mỏ vàng' của Google.
Ai có thể vận hành Android?
Một vài tập đoàn công nghệ lớn có thể duy trì Android đủ tốt, đủ khả năng cạnh tranh. Cái tên tiềm năng phải kể đến đầu tiên là Microsoft.
Apple, Mozilla, IBM hoặc Oracle đều có thể, nhưng Microsoft có cả cơ sở hạ tầng đủ mạnh và kinh nghiệm để kiểm soát một dự án phần mềm khổng lồ, được triển khai trên hàng nghìn cấu hình phần cứng khác nhau.
Tuy nhiên, Microsoft không muốn điều đó. Microsoft muốn thấy Android (và Chrome) biến mất hơn. Việc sở hữu các nền tảng này sẽ dẫn đến những lo ngại về luật chống độc quyền giống như chúng ta thấy khi Google sở hữu chúng.
Microsoft muốn thấy Android chết hơn là tiếp quản. Ảnh: Android Central. |
Apple không thể quản lý Android tốt vì họ có triết lý rất khác trong lĩnh vực phần mềm. Ngay cả khi có thể, Apple cũng muốn thấy Android biến mất hơn là tồn tại để đối đầu trực tiếp với hệ sinh thái iOS.
Bất kỳ công ty nhỏ nào khác có tham vọng như Mozilla đều không đủ khả năng thực hiện nếu không có hàng tỷ USD từ Google. Số tiền đó sẽ đi kèm với các điều kiện ràng buộc, thúc đẩy một cuộc điều tra chống độc quyền khác của Bộ Tư pháp Mỹ.
Các nhà sản xuất smartphone Android thì sao?
Theo ý kiến của Android Central, việc những công ty phần cứng tham gia tiếp quản phát triển Android là không thể và họ cũng không nên làm vậy. Ngay cả Samsung, nhà sản xuất điện thoại Android chiếm thị phần lớn nhất toàn cầu cũng không thể vận hành một hệ điều hành.
Tập đoàn Hàn Quốc từng đặt tham vọng vào dự án hệ điều hành Tizen nhưng kết quả không đi đến đâu, cuối cùng vẫn phải sử dụng Android. Samsung là một nhà sản xuất phần cứng tuyệt vời, góp công lớn giúp Android tăng trưởng mạnh mẽ và đạt vị thế như hiện nay, nhưng về phần mềm, họ không có lợi thế.
Samsung không có lợi thế về phần mềm. Ảnh: Android Central. |
Điện thoại Android của Samsung hoạt động với giao diện người dùng One UI. Đây là sản phẩm phần mềm tốt nhất của hãng. Tuy nhiên, thực tế là một công ty khác đã thực hiện 90% công việc, họ chỉ phải hoàn thành 10% còn lại.
Motorola hoặc OnePlus không đủ khả năng để phát triển và duy trì Android. Các nhà sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc sẽ ngay lập tức phải đối mặt với phản ứng dữ dội nếu họ cố gắng tiếp quản. Thậm chí cơ quan quản lý Mỹ lo ngại các công ty Trung Quốc hơn cả độc quyền.
Cuối cùng, Android Central cho rằng Google là công ty duy nhất có khả năng quản lý Android và cải thiện theo hướng tích cực. Hiện tại Google có thể "xấu xa" theo nhiều cách nhưng lại làm rất tốt trong việc vận hành một dự án phần mềm khổng lồ như AOSP.
Tuy nhiên, nếu động lực để hướng đến Android bị tước đi, có lẽ Google sẽ không muốn tiếp tục. Google chỉ muốn Android với Gmail, Play Store, Google Play Services và những sản phẩm khác của họ được tích hợp vào đó. Nếu mọi thứ không còn, Android sẽ trở thành gánh nặng thay vì cơ hội.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.