Trong đơn kiện được nộp lên tòa phúc thẩm California, các nhân viên Google cho biết trước khi làm việc, họ phải ký thỏa thuận không được “tiết lộ các hành động vi phạm luật pháp tiểu bang, trong nội bộ lẫn bên ngoài Google cho luật sư riêng hoặc chính phủ”, gồm điều kiện làm việc nguy hiểm, phân biệt đối xử, các vi phạm về lương và giờ làm việc.
“Họ (nhân viên) thậm chí bị cấm ghi chép về quá trình công tác tại Thung lũng Silicon hoặc trấn an cha mẹ về việc làm, những thứ vốn không bị ràng buộc bởi các nhu cầu bảo mật chính đáng” là một phần nội dung trong đơn kiện.
Theo Business Insider, nhân viên Google cho rằng các quy định trên vi phạm “quyền cạnh tranh, tố giác và tự do ngôn luận” theo luật pháp bang California.
Các nhân viên Google bị buộc ký các điều khoản vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ảnh: Getty Images. |
Hợp đồng cũng cấm nhân viên nói về “kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm có được tại Google”, nghĩa là họ không được chia sẻ kinh nghiệm, mức lương tại Google khi nhận lời mời làm việc từ đối thủ hoặc giới thiệu đồng nghiệp.
Đây không phải lần đầu Google vướng vào những cáo buộc tiêu cực liên quan đến văn hóa làm việc, phân biệt đối xử với nhân viên hợp đồng - những người không được đảm bảo lương thưởng, quyền lợi dưới luật lao động như nhân viên chính thức.
Dù vậy, các nhân viên chính thức của Google cũng tham gia vụ kiện, cáo buộc về hành động trả lương không công bằng, phân biệt đối xử và không được bảo vệ trong các tình huống đại dịch hoặc xả súng.
Tháng 8/2019, Jennifer Blakely - cựu nhân viên Google - tố cáo David Drummond, cựu quản lý thuộc bộ phận pháp lý tại Google "lừa tình" cô và chỉ trích công ty che đậy sự thật về các scandal tình dục.
Đây không phải lần đầu Google dính líu cáo buộc về môi trường làm việc độc hại. Ảnh: The Verge. |
Cụ thể, Blakely cáo buộc Drummond lạm dụng tình dục khiến cô mang thai dù ông ta đã có gia đình. Đồng thời, cô cũng lên án Google che đậy sự thật để bảo vệ "người đàn ông ưu tú" của hãng.
Trước đó vào tháng 10/2018, giám đốc điều hành và giám đốc nhân sự của Google cho biết công ty đã sa thải tổng cộng 48 nhân viên trong 2 năm do có hành vi quấy rối tình dục, gồm 13 quản lý cấp cao.
Thông tin này được nhân viên Google quan tâm, bởi trước đó New York Times đề cập đến việc Andy Rubin, cha đẻ của hệ điều hành Android đã nhận 90 triệu USD khi rời công ty năm 2014. Nguyên nhân được cho là Rubin bị các nhân viên cũ trong công ty tố cáo bạo lực tình dục.