Đối với nhiều thế hệ người dân tộc Sherpa ở Nepal, leo núi đã trở thành lãnh địa riêng của đàn ông. Theo truyền thống, phụ nữ phải trông nom nhà cửa khi chồng họ chinh phục đỉnh núi Everest.
Tuy nhiên, hai phụ nữ Sherpa đang thách thức quy ước đó khi tìm cách leo đỉnh Everest và thay đổi suy nghĩ về vai trò của những góa phụ trong cộng đồng bảo thủ sau khi chồng họ chết trên ngọn núi cao nhất thế giới.
Furdiki Sherpa và Nima Doma Sherpa được người dân Himalaya tôn kính vì kỹ năng leo núi của họ khi làm hướng dẫn viên.
Furdiki Sherpa và Nima Doma Sherpa đang lên kế hoạch chinh phục đỉnh Everest vào mùa leo núi tháng 4. Ảnh: AFP. |
Hai người chưa từng mơ ước thực hiện chuyến thám hiểm đến nóc nhà của thế giới. Nhưng đó chính xác là những gì họ đang chuẩn bị làm khi mùa leo núi mùa xuân diễn ra vào tháng 4.
"Những người đàn ông leo núi còn chúng tôi có những việc khác phải làm. Tôi đang điều hành một quán trà và chăm sóc gia đình. Tôi không nghĩ đến việc leo núi", Furdiki nói với AFP.
Điều đó đã thay đổi vào năm 2013, khi chồng cô qua đời trong khi đang cố định dây thừng dọc theo tuyến đường giúp người leo núi lên tới đỉnh.
Giống như nhiều phụ nữ Sherpa có chồng không may qua đời, Furdiki đột nhiên trở nên cô độc và phải một mình nuôi ba đứa con, mang theo sự kỳ thị về sự xúi quẩy gắn với những góa phụ ở Nepal.
Một năm sau, một bi kịch khác đã kết nối cô với Nima Doma, người có chồng thiệt mạng cùng 15 hướng dẫn viên người Nepal khác trong trận tuyết lở ở Everest.
"Sau khi chồng chúng tôi qua đời, chúng tôi đã dành nhiều tháng chỉ để khóc ở nhà vì những kỷ niệm của họ. Nhưng chúng tôi phải chăm sóc gia đình và bản thân mình. Thật không dễ để làm điều này như một góa phụ", Nima Doma nói.
Thái độ đối với phụ nữ và leo núi đang dần thay đổi trong ngành công nghiệp do nam giới thống trị. Ảnh: AFP. |
Khi cần việc làm, hai người tìm kiếm công việc hướng dẫn bộ hành ở thủ đô Kathmandu và thường thắp đèn tại bảo tháp Phật giáo địa phương cho người chồng quá cố của họ trên đường đi.
"Chúng tôi bắt đầu chia sẻ những câu chuyện của mình, nỗi đau buồn và những gì chúng tôi nên làm trong cuộc sống", Furdiki nói.
Sau khi giúp hướng dẫn một số người đi rừng nghiệp dư, họ bắt đầu đào tạo leo núi nghiêm túc và sớm hình thành kế hoạch lên đỉnh Everest.
Tháng 11/2018, họ leo thành công đỉnh Island và Chulu Far East, cả hai đều là những thử thách khó khăn với độ cao trên 6.000 mét.
"Họ lớn lên ở vùng núi. Là người leo núi, họ rất mạnh mẽ và quyết đoán", Ang Tshering Lama, chủ công ty Angs Himalaya Adventure, đơn vị tổ chức "Cuộc thám hiểm của hai góa phụ" tới Everest, nói với AFP.
"Thử thách kép"
Giấc mơ Everest của họ xuất hiện khi thái độ đối với phụ nữ và leo núi đang dần thay đổi trong ngành công nghiệp do nam giới thống trị.
Theo Bộ Du lịch Nepal, mùa trước, 18 phụ nữ đã lên đến đỉnh Everest, nơi được mệnh danh là nóc nhà của thế giới ở độ cao 8.848 mét. Đây là một con số kỷ lục.
Hướng dẫn bộ hành là nữ giới đang phổ biến hơn bao giờ hết nhưng họ vẫn bị lấn át ở khu vực Everest và trong cộng đồng người Sherpa vốn chuyên hướng dẫn leo đỉnh núi này.
Gần 4.000 người đàn ông Sherpa đã lên tới đỉnh núi trong khi chỉ có 34 phụ nữ thực hiện được điều này.
Nhà leo núi chuyên nghiệp Lhakpa Sherpa, 44 tuổi, nổi danh nhờ chinh phục đỉnh Everest 9 lần nhưng cô vẫn còn là trường hợp đặc biệt.
Số lượng phụ nữ chinh phục đỉnh Everest vẫn còn rất ít ỏi so với nam giới. Ảnh: AFP. |
"Phụ nữ hiếm khi được khuyến khích đi leo núi", Dawa Yangzum Sherpa, hướng dẫn viên leo núi nữ được chứng nhận quốc tế duy nhất ở Nepal, nói.
Xã hội Sherpa, giống như nhiều nhóm dân tộc ở Nepal, rất bảo thủ và gia trưởng. Vợ và con gái được mặc định là người giữ lửa trong gia đình trong khi những người đàn ông leo núi.
Tuy nhiên, nhiều người đã chết khi leo núi. Cơ sở dữ liệu của Himalaya ước tính có đến 1/3 số người chết ở Everest là người Sherpa, khiến phụ nữ phải chu cấp cho gia đình sau khi mất người trụ cột chính.
"Thật khó khăn và bối rối cho họ. Họ thường phụ thuộc vào chồng và không được học hành. Và đột nhiên họ phải đối mặt với trách nhiệm chăm sóc gia đình", Tsering Dolker Sherpa của Quỹ Juniper, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các gia đình có người qua đời khi làm việc trên núi, cho biết.
Ngoài sự đau buồn và khó khăn, những người phụ nữ bị bỏ lại còn phải vật lộn với sự kỳ thị. Ở một số nơi, góa phụ bị coi là xui xẻo và bị tẩy chay.
"Furdiki và Nima Doma đang chiến đấu với thách thức kép khi bước vào ngành công nghiệp này với tư cách là phụ nữ và là góa phụ", Dawa Yangzum Sherpa, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nói.
Hai người cho biết việc gặp gỡ các góa phụ Sherpa khác đang chịu đựng sự phân biệt đối xử đã củng cố quyết tâm chinh phục đỉnh núi của họ.
"Chúng tôi muốn leo lên đỉnh núi với thông điệp dành cho các góa phụ và phụ nữ độc thân. Chúng ta không thua kém ai, chúng ta có khả năng đạt được bất cứ điều gì", Nima Doma nói.